Minh bạch hóa trong thu cước chuyển phát CCCD

0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Bưu điện Việt Nam tiếp nhận chuyển phát căn cước công dân tại tỉnh Yên Bái.
Cán bộ Bưu điện Việt Nam tiếp nhận chuyển phát căn cước công dân tại tỉnh Yên Bái.
TPO - Đại diện Bưu điện Việt Nam cho biết, giá cước chuyển phát căn cước công dân (CCCD) được cơ quan chức năng quy định và niêm yết công khai. Một số nơi có giá cước cao là do địa phương tự điều chỉnh để phù hợp với chi phí phát sinh thêm trong thời gian cao điểm làm CCCD. Bưu điện Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ chi phí và yêu cầu các đơn vị này điều chỉnh, thu cước theo đúng quy định .

Trước phản ánh của báo Tiền Phong về việc giá cước chuyển phát nhanh CCCD ở tỉnh Bình Dương không thống nhất khiến người dân băn khoăn, Bưu điện Việt Nam đã có phản hồi về tình trạng này.

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng ban Hành chính công, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Giá cước chuyển phát CCCD được thực hiện theo quy định trong Thông tư 22/2017/TT-BTTTT năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và phát trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Theo đó, ở mức khối lượng tối thiểu dưới 100gr, giá chuyển phát nội quận/huyện với căn cước công dân là 26 nghìn đồng, liên quận/huyện là 30 nghìn đồng và liên tỉnh/thành phố là 31,5 nghìn đồng.

Đối với việc chuyển trả kết quả thông thường, Bưu điện chỉ thực hiện đến nhận bàn giao từ các cơ quan hành chính và chuyển trả đến người dân theo quy định. Tuy nhiên, trong đợt cấp căn cước công dân gắn thẻ chip lần này, bưu điện phải tham gia ngay tại thời điểm làm thủ tục, bố trí nhân viên tại các điểm cấp để thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ và tiếp nhận yêu cầu của người dân.

Để có thể tăng cường phục vụ, một số đơn vị phải bố trí thêm lực lượng tại các điểm cấp, bị phát sinh chi phí nhân công làm ngoài giờ (làm đêm, ngày nghỉ, lễ, chi phí xăng xe, đi lại của nhân viên tới các điểm làm căn cước lưu động, thuê nhân viên bảo vệ người và số tiền thu được, nhất là việc di chuyển trong đêm). Vì vậy, trên cơ sở cân đối về chi phí, tại một số đơn vị, ngoài giá cước dịch vụ chuyển trả kết quả cho các công việc theo đúng quy định, giá cước sẽ cộng thêm một phần của các chi phí phát sinh trên.

Minh bạch hóa trong thu cước chuyển phát CCCD ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng ban Hành chính công của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ về giá cước chuyển phát nhanh căn cước công dân. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Tuy nhiên, ông Trường cho biết, việc có thu thêm cho các chi phí này chỉ là một số ít trường hợp. Để phục vụ người dân, đồng thời đảm bảo việc cung cấp dịch vụ trong đợt cao điểm này, Tổng công ty đã có chính sách hỗ trợ chi phí cho các đơn vị và đã yêu cầu các đơn vị này điều chỉnh, thu cước theo đúng quy định như dịch vụ chuyển trả kết quả thông thường khác.

Đại diện Bưu điện Việt Nam cho biết thêm, trên thực tế có những tỉnh thu cước thấp hơn so với mức quy định như Thanh Hóa, Hà Nội, Bạc Liêu, Lai Châu, Hòa Bình nhằm khuyến khích người dân tăng cường thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển phát qua bưu điện, giảm tải cho cơ quan hành chính công.

Bưu điện Việt Nam đã yêu cầu tất các các đơn vị niêm yết công khai phí dịch vụ để người dân nắm được, thực hiện giá cước theo quy định đồng thời chỉ làm dịch vụ trên tinh thần tự nguyện của người dân.

Minh bạch hóa trong thu cước chuyển phát CCCD ảnh 2

Bưu điện Việt Nam cho biết, đã yêu cầu các Bưu điện tỉnh, thành phố giảm cước cho các hộ gia đình có nhiều người cùng làm căn cước công dân. Trong ảnh là cán bộ Bưu điện Việt Nam tiếp nhận chuyển phát căn cước công dân tại một điểm làm căn cước công dân ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội..

Lý giải về việc một gia đình cùng làm căn cước công dân nhưng việc chuyển phát không tính trên hộ gia đình và không phát cùng một lúc, đại diện Bưu điện Việt Nam lý giải, việc làm CCCD hiện nay được thực hiện đồng bộ cả nước, khi một điểm làm CCCD nhập dữ liệu một người lên hệ thống của Bộ Công an thì cùng lúc đó, những điểm làm CCCD khác trong cả nước cũng sẽ có tới hàng trăm đến hàng nghìn người cùng được nhập dữ liệu lên hệ thống và Bộ Công an sẽ sản xuất cho cả nước trên cơ sở dữ liệu từ hệ thống.

Do vậy, chưa chắc những người trong cùng gia đình đi làm cùng một lúc sẽ được chuyển CCCD về cùng một thời điểm. Bộ Công an khi trả CCCD về địa phương cũng không trả theo hộ gia đình. Bưu điện khi nhận CCCD để đi phát cũng nhận theo cá nhân và tổ chức phát cho cá nhân. Ai có trước thì tổ chức phát trước.

“Mỗi CCCD đều đóng riêng một phong bì để giao cho từng người nhận. Như vậy, chi phí đi phát phải chi làm nhiều lần và do vậy Bưu điện đưa giá cước phí chỉ tính trên thẻ (từng bưu gửi theo quy định) chứ không tính trên hộ gia đình”, ông Trường nói. Tuy nhiên, Tổng công ty cũng đã yêu cầu các Bưu điện tỉnh, thành phố giảm cước cho các hộ gia đình có nhiều người cùng làm căn cước công dân.

Ông Trường cũng chia sẻ thêm Bưu điện Việt Nam đã thực hiện chuyển phát CMND, CCCD từ năm 2012. Việc chuyển phát tại nhà không chỉ đảm bảo thuận tiện và giúp người dân không phải đi lại nhiều lần (chỉ phải đến cơ quan công an một lần làm CMND thay vì đi 2 lần) qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân, nhất là ở những vùng vùng sâu, vùng xa.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).