Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên trong ngày và đêm nay (16/10), ở Vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh.
Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-20 độ, vùng núi có nơi dưới 17 độ.
Đáng chú ý, từ ngày 16 đến 18/10, ở khu vực Trung Bộ tiếp tục có khả năng xảy ra mưa to đến rất to. Dự báo ở Nghệ An có tổng lượng mưa từ 100-200mm/đợt, cục bộ có nơi trên 200mm/đợt; từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có tổng lượng mưa từ 300-600mm/đợt, cục bộ có nơi trên 600mm/đợt.
Còn ở khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, cục bộ có nơi trên 300mm/đợt. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Nhiều hồ thủy điện ở Nghệ An bắt đầu cho xả qua tràn |
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, hiện lo nhất là tình hình hồ chứa ở khu vực Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng liên tiếp của bão số 7, số 8, trong những ngày qua khu vực này có mưa lớn kéo dài. Đến nay, Bắc Trung Bộ có 1706/1994 hồ chứa đầy nước, trong đó Thanh Hóa có 385/610 hồ đầy nước, Nghệ An có 1029/1061 hồ, Hà Tĩnh 292/323 hồ. Ngoài ra, có 204 hồ đang thi công, trong đó Thanh Hóa 17, Nghệ An 29, Hà Tĩnh 18, Quảng Bình 10, Quảng Trị 13.
Đặc biệt, từ ngày 16-19/10, trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam xuất hiện một đợt lũ. Các sông ở Hà Tĩnh, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, sông Bồ (Thừa Thiên Huế) lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3 (báo động).
Thượng lưu các sông ở Nghệ An, sông La (Hà Tĩnh), sông Hương (Thừa Thiên Huế), sông Vu Gia (Quảng Nam) lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Sông Thu Bồn (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi, Kon Tum lên mức BĐ1 và trên BĐ1.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, do mưa lũ dồn dập khiến lưu lượng nước ở mức cao, nhiều hồ thủy điện tại các địa phương này bắt đầu cho xả qua tràn. Đến nay có 97/218 hồ thủy điện nhỏ đang điều tiết qua tràn, trong đó Bắc Bộ 40 hồ, Bắc Trung Bộ 10 hồ. Một số hồ xả lớn như Chi Khê 317/780 m3/s, Khe Bố 196/683m3/s; Hương Điền 51/299m3/s. Khu vực Nam Trung Bộ có 8 hồ, trong đó hồ xả lớn như Sông Bung 4: 352/434 m3/s ; Sông Bung 6: 446/750m3/s.
Về lo ngại nhiều hồ đập đã "no nước" và nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn tiếp tục kéo dài, ông Hoài cho biết, Ban chỉ đạo đang yêu cầu các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập. Trường hợp cần thiết thì tiến hành xả lũ kịp thời. Tuy nhiên, các địa phương cần cử người ứng trực 24/24h, thường xuyên cập nhật thông tin đến chính quyền và người dân được biết. Khi có tình huống xảy ra, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia và Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng đề nghị các địa phương chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ở vùng núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người dân phòng trường hợp bị bão lũ chia cắt, bố trí lực lượng kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông các khu vực ngầm, tràn, khu vực ngập sâu.
Về thiệt hại do bão số 8, theo báo cáo của các tỉnh, hiện có 1 nhà bị hư hỏng (Thanh Hóa).
Về nông nghiệp: 3.946ha lúa bị hư hỏng, trong đó Nam Định 3.940ha; Nghệ An 5,8ha). 467,8ha diện tích hoa màu bị thiệt hại (Hà Nam 430; Nghệ An 46,8); 1.110ha diện tích cây quế bị ảnh hưởng (Lào Cai).
Về thủy lợi: Sạt lở 149m kè, kênh mương bị hư hỏng (Lào Cai: 129m; Hòa Bình 20m); 600m bờ tả sông Lam bị sạt lở (tại Km73+900, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).
Về giao thông: 38 điểm/đường giao thông quốc lộ bị sạt lở, ách tắc (Lào Cai 3; Hòa Bình 3; Thanh Hóa 10; Nghệ An 22) với khối lượng 840m3. 60 điểm/ đường giao thông địa phương bị sạt lở, ách tắc (Yên Bái 7; Lào Cai 29; Hòa Bình 9; Thanh Hóa 8; Nghệ An 7) với khối lượng 11.940m3.
Về thủy sản: 526ha thủy sản bị ngập (Thái Bình 520ha; Nghệ An 6ha)