Miền Trung, Tây Nguyên quay cuồng trong cơn bão kỳ dị nhất 20 năm qua

Hồ chứa công trình Thủy lợi – Thủy điện Quảng Trị. Ảnh: NB&CL
Hồ chứa công trình Thủy lợi – Thủy điện Quảng Trị. Ảnh: NB&CL
TP - Chiều 28/10, Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 cho biết, lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đang lên, ở mức trên báo động 1, riêng thượng lưu sông Kôn (Bình Định) trên báo động 3.  

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNN, phát sinh lớn nhất sau bão là lũ lên rất nhanh, trong đó có sông Vệ (Quảng Ngãi) chiều qua đã lên báo động 3, tiếp tục lên cao. Công tác ứng phó, di dời người dân hạ du các sông ở Nam Trung bộ cần hết sức khẩn trương và làm ngay. Đồng thời, cần tập trung điều hành các hồ chứa một cách khoa học và chặt chẽ, đặc biệt là ở Bắc Trung bộ, bởi các hồ chứa thủy điện và thủy lợi ở khu vực này đã đầy nước.

Dự kiến, tối 28/10, tại Quảng Nam, trong trường hợp hồ Đắc Mi 4 xả 11.400m3/s trong 6-12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 11,2m, trên báo động 3: 2,2m, vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43m. Tại Quảng Ngãi, sông Trà Khúc tại Trà Khúc lên mức 7,5m, trên báo động 3: 1m; sông Vệ tại Sông Vệ lên mức 5,3m, trên báo động 3 khoảng 0,8m. Tại Bình Định, lũ đạt đỉnh vào tối 28/10; trên sông An Lão, tại trạm An Hòa đạt 25m, trên mức báo động 3: 1m; sông Kôn tại trạm Vĩnh Sơn đạt 75 m, trên mức báo động 3: 1m, hạ lưu ở báo động 1. Tại Kon Tum, sông Đắkbla tại Kon Tum lên mức 522,5m, trên báo động 3: 2m. Mực nước trên các sông khác ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai dao động ở mức báo động 1, báo động 2, có sông trên báo động 2.

Dự báo, từ đêm 28/10, lũ trên các sông sẽ mở rộng ra các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình lên mức báo động 2, báo động 3, sông nhỏ lên mức báo động 3; hạ lưu sông Cả lên mức báo động 1, báo động 2.

Thủy điện lớn nhất Quảng Trị xả lũ

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị ở huyện miền núi Hướng Hóa xả lũ để điều tiết nước từ ngày 28/10. Theo thông báo, lưu lượng xả lũ tại thời điểm ban đầu là 40m3/s, sau đó được điều tiết theo lưu lượng lũ về hồ thực tế.

Đây là lần thứ 2 trong gần 20 ngày qua, thủy điện Quảng Trị xả lũ trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp kéo dài từ ngày 6-21/10. Trước đó, ngày 11/10, Cty Thủy điện Quảng Trị xả lũ với lưu lượng thông báo là 40m3/s. Chiều 28/10, Cty Thủy điện Quảng Trị cho hay, trước lúc mở cửa van cung đập tràn, Cty có cảnh báo bằng còi hụ. Cty đề nghị UBND 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông thông báo cho UBND các xã, thôn và người dân sống dọc sông Rào Quán biết để phòng tránh.

Nhà máy Thủy điện Quảng Trị là nhà máy thủy điện lớn nhất ở tỉnh Quảng Trị với công suất thiết kế 64MW. Hồ chứa nước của nhà máy nằm ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, có dung tích 163 triệu m3. Ngoài nhiệm vụ phát điện, hồ chứa còn đảm nhận cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu đồng bằng 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị cảnh báo, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi 3 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và các xã phía tây 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng. Tại vùng đồng bằng, nguy cơ xảy ra ngập úng, ngập lụt vùng thấp trũng các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng. Nguy cơ xảy ra ngập lụt trên diện rộng do hoàn lưu bão số 9 ở Quảng Trị là rất lớn.

Chiều 28/10, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay, để ứng phó mưa lũ do bão số 9 gây ra, tỉnh này dự kiến di dời hơn 8.500 hộ với gần 26.000 người thuộc 82/124 xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã di dời tại chỗ và di dời tập trung 6.355 hộ với 17.840 người đến khu vực an toàn để tránh bão.

Học sinh trong tỉnh được nghỉ học từ ngày 28/10. Theo ông Đồng, trong trường hợp ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, tỉnh sẽ di dời hơn 15.300 hộ với hơn 49.000 người ở 98/124 xã, phường, thị trấn. “Tỉnh còn dự kiến sơ tán 514 hộ với trên 2.200 người ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông sinh sống trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu”, ông nói.

Phú Yên: Nhiều nhà tốc mái

Ngày 28/10, theo ghi nhận của phóng viên Tin Phong, dù cơn bão số 9 không trực tiếp đi vào Phú Yên, song tại đây đã có những thiệt hại đáng kể, hàng chục nhà bị tốc mái.

Rạng sáng 28/10, tại tỉnh Phú Yên có mưa to tầm tã, gió rít liên hồi. Đường phố vắng vẻ, nhiều cửa hàng đóng cửa, nhiều người dân sống trên đường Nguyễn Tất Thành căng dây, đưa lốp xe lên mái tôn để chằng chống nhà cửa.

Lực lượng quân đội, do Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu, đã sử dụng 2 xe bọc thép đi kiểm tra các điểm xung yếu và công tác phòng chống bão số 9. Trung đoàn B888 đã tiếp nhận, lo chỗ ăn ở cho 14 hộ, 26 nhân khẩu cho đến khi hết bão số 9.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Phú Yên, thiệt hại nặng nhất là khu vực thị xã Sông Cầu. Có 45 nhà bị sập, hư hỏng (trong đó có 1 nhà sập hoàn toàn, 5 nhà bị hư hỏng từ 50-70%, 39 nhà bị hư hỏng từ 30-50%). Diện tích nuôi trồng thủy sản (đìa nuôi cá mú, đìa tôm thẻ chân trắng…) bị vỡ bờ bao, xói lở là 27,2 ha. Có 2 chiếc thuyền nhỏ bị chìm; 12 trụ điện bị đổ, đường dây bị hỏng, làm mất điện tại 51/110 xã, phường, thị trấn. Ước tính, thiệt hại ban đầu là hơn 6,2 tỷ đồng.

Đứng ôm hai con nhỏ bên căn nhà bị tốc mái do bão, chị Nguyễn Thị Sương Mai (trú thôn Hòa Lợi, thị xã Sông Cầu) nghẹn không nói lên lời. “Khoảng 1 giờ sáng 28/10 thì gió bắt đầu thổi mạnh, do nhà cũ nên hai vợ chồng sợ sập không dám ngủ. Đến tầm 3 giờ thì nghe liên tiếp mấy tiếng rầm rầm, thế là hai vợ chồng ôm con bỏ chạy không dám ngoảnh mặt lại. Đến sáng nay quay về thì nhà cửa tan hoang, mái nhà không còn”, chị Mai kể. Chị nói rằng, do con còn nhỏ nên chị ở nhà trông con, chồng đi biển, thu nhập thất thường.  

Quảng Bình: 1 tháng, 4 lần ngập lụt

Miền Trung, Tây Nguyên quay cuồng trong cơn bão kỳ dị nhất 20 năm qua ảnh 1 Nước lũ tràn đê tấn công làng mạc ở Quảng Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, ngày 28/10, ở tỉnh Quảng Bình có mưa to và gió khoảng cấp 7-8, khiến nước tràn đê làm ngập lụt một số làng mạc chỉ sau mấy ngày lũ rút.

Theo báo cáo nhanh của Ban PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình, tại hai huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh một số vùng thấp trũng như các xã An Thuỷ, Lộc Thuỷ, An Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh…, nước bắt đầu tràn đê tấn công làng mạc. Trong lúc đó, ở thị xã Ba Đồn, nước trên sông Gianh cũng dâng cao và tràn vào 10 cồn nổi trên sông này. Đây là lần thứ 4 Quảng Bình ngập lụt trong vòng chưa đầy 1 tháng. Nhiều trường học chưa dọn dẹp xong trong trận lũ trước để đón học sinh thì nay lại ngập lụt. Dự báo, Quảng Bình có mưa lớn trong 1 hoặc 2 ngày tới, nguy cơ lũ chồng lũ.   

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.