Miền Tây vào mùa sạt lở

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần đây, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp xảy ra sạt lở, làm mất đất, chia cắt đường giao thông nông thôn, thiệt hại tài sản nhân dân.

Điểm nóng sạt lở

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hậu Giang cho hay, liên tiếp trong hai ngày 23 và 24/5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hai vụ sạt lở bờ kênh tại thị trấn Ngã Sáu và xã Đông Phước, huyện Châu Thành. Cũng tại huyện này, tối 20 và sáng 21/5 đã liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở tại xã Phú Hữu và xã Đông Thạnh.

Nguyên nhân các vụ sạt lở hầu hết là do ảnh hưởng của dòng chảy. Hậu quả làm hàng trăm m2 đất bị nuốt chửng, đường giao thông bị chia cắt, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Miền Tây vào mùa sạt lở ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè khảo sát các điểm sạt lở

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 500m; diện tích mất đất gần 2.600m2; ước thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng.

Huyện Châu Thành được xem là điểm nóng sạt lở của tỉnh Hậu Giang trong những năm gần đây, chiếm 22/23 điểm sạt lở của toàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Ông Nguyễn Tấn Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, các vụ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, chia cắt đường giao thông, ảnh hưởng đến đi lại và sản xuất của người dân.

Tại các tỉnh như Đồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Long… từ đầu năm đến nay cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở cắt đứt đường giao thông, thiệt hại nhà cửa, vườn cây ăn trái của người dân. Theo cơ quan khí tượng thủy văn, những ngày gần đây, mực nước chân triều đang ở mức thấp, tốc độ dòng chảy mạnh, các trận mưa chuyển mùa kết hợp với đất ở bờ sông đang tơi xốp, nứt nẻ do nhiều tháng mùa khô nên khả năng sạt lở đang ở mức độ cao.

"Địa phương cũng tổ chức tuyên truyền, cắm biển cảnh báo tại các điểm có nguy cơ. Đồng thời chỉ đạo các Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, gia cố các điểm có nguy cơ. Toàn huyện có 17 điểm nguy cơ sạt lở cấp độ 1 ở các tuyến kênh. Về lâu dài, huyện báo cáo đề xuất tỉnh có chủ trương xây dựng đê bao, di dời các hộ dân vào bên trong..." - ông Trung nói.

Tháo chạy trong đêm

Nhớ lại vụ sạt lở bờ sông Cần Thơ thuộc ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ gần đây, bà Đỗ Thị Hồng cho biết, khoảng 2 giờ đêm, con gái bà nghe tiếng kêu răng rắc ngoài cửa, nền nhà rung mạnh nên đánh thức cả nhà. “Tôi kiểm tra thấy tường nhà nứt toác nên hô hoán cả gia đình bỏ chạy ra khỏi nhà, mấy phút sau thì căn nhà phía sau đổ sụp xuống, đồ đạc, tài sản chìm xuống sông”, bà Hồng nói.

Tương tự, ông Tô Kim Hải (67 tuổi) kể lại: “Khi nghe tiếng chó sủa dữ dội và tiếng động lớn, tôi ra ngoài xem thấy phía nhà kế bên đổ sụp xuống sông. Tôi hốt hoảng kêu vợ thức dậy bỏ chạy ra ngoài, còn đồ đạc tài sản trôi sông". Theo ông Nguyễn Trường Ca - Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, vụ sạt lở làm ảnh hưởng 7 căn nhà với chiều dài 50m, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Chính quyền địa phương đã điều lực lượng tại chỗ gồm công an, dân quân tự vệ, đoàn thể tập trung hỗ trợ, giúp bà con khắc phục sự cố.

Miền Tây vào mùa sạt lở ảnh 2

Một đoạn sạt lở tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ

Cũng tại Cần Thơ, trong tháng 4 và tháng 5/2023, bờ sông Ô Môn thuộc ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai xảy ra hai vụ sạt lở với tổng chiều dài 135m, ăn sâu vào bờ 8m, tuyến đường bê tông rộng 4m sụp xuống sông, chia cắt giao thông. Chính quyền địa phương đã tiến hành rào chắn để người dân không qua lại khu vực nguy hiểm, đồng thời cho gia cố tạm nhằm hạn chế sạt lở tiếp tục ăn sâu vào đất liền.

Còn đoạn bờ sông Ô Môn qua ấp Thới Hòa A, thị trấn Thới Lai có khoảng 30m bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lưu thông và đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông, chính quyền đã gia cố để phục vụ tạm cho người dân đi lại. UBND huyện Thới Lai kiến nghị UBND thành phố hỗ trợ kinh phí khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo phương tiện và người dân lưu thông an toàn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, huyện đề nghị thành phố có lộ trình đầu tư xây dựng kè tại 13 điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao với chiều dài hơn 7km.

Tại quận Bình Thủy, UBND quận cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí khắc phục điểm sạt lở bờ sông Trà Nóc tại khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông. Đoạn sạt lở này có chiều dài 100m, trong đó 50m đã bị sạt hoàn toàn. Hiện xe cộ không thể di chuyển qua khu vực này, đồng thời đang có dấu hiệu tiếp tục lấn sâu vào bờ, đe dọa đến các căn nhà bên trong.

Tại buổi kiểm tra hiện trường các vụ sạt lở, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị các sở, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương nhanh chóng khảo sát, hỗ trợ khắc phục các vị trí sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông, đi lại của người dân. Đồng thời, kiểm tra, rào chắn, giăng dây cảnh báo nguy hiểm; tổ chức hướng dẫn và tạo lối đi tạm, an toàn cho người dân; vận động người dân di dời vật kiến trúc, hàng rào ra khỏi khu vực sạt lở…

Theo chỉ đạo của ông Hè, Sở NN&PTNT Cần Thơ ghi nhận kiến nghị địa phương, tham mưu thành phố xem xét, phân bổ kinh phí gia cố, xây dựng công trình khắc phục tại các điểm sạt lở. Các quận, huyện tổ chức kiểm tra, rà soát bờ sông, kênh, rạch ngay trong đầu mùa mưa bão, kịp thời vận động người dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở an toàn; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, xây dựng kè tạm, kè sinh học, nhằm hạn chế sạt lở xảy ra…

MỚI - NÓNG