> Tín nhiệm thấp nên miễn nhiệm ngay
ĐBQH cũng sợ bị làm khó
Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, nếu mỗi năm chỉ bỏ phiếu một lần đối với các chức danh chủ chốt thì lâu quá. Mỗi kỳ họp nên chọn một số chức danh để bỏ phiếu.
Theo ông, cần đổi mới cả đầu vào và đầu ra, từ bầu cử, phê chuẩn cán bộ cao cấp nên có số dư. Người được bầu phải có chương trình hành động cụ thể để cử tri giám sát. Nhưng đề án mới chỉ nói đến đầu ra.
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng, quy định bỏ phiếu tín nhiệm thực ra không có gì mới, đã có trong luật.
“Nhưng để quy định này được thực hiện, UBTVQH nên sớm có quy chế bởi nếu tiếp tục chậm trễ thì đến cuối nhiệm kỳ cũng không thực hiện được”, ĐB Dung nói.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM) nói: “Việc bỏ phiếu đã có quy định phải tiến hành và chỉ cần một lần phiếu thấp cũng đủ để bãi miễn, không nên để đến lần thứ hai vì như thế có thể đã hết nhiệm kỳ rồi”.
Để QH hoạt động hiệu quả, một số ĐB cho rằng, trước hết, ĐB phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình với nhân dân, cử tri.
“Muốn nâng cao hoạt động của QH thì cũng phải nâng cao chất lượng đại biểu QH, nhưng lại không được đề cập trong đề án này.
Do đó, đề án mới chỉ giải quyết được một phần, và nếu chỉ QH nâng cao, còn ĐB không nâng cao thì cũng chỉ thế thôi”, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) phát biểu.
“Khi có một sự kiện xảy ra, người dân không thấy ĐB của mình lên tiếng, hoặc rất chậm trễ như vụ việc ở Tiên Lãng hay một số nơi khác là vì sao? Cử tri bầu ra anh mà anh lại không có tiếng nói. Dường như, ĐBQH làm những việc có tính chất hành chính thì tốt, nhưng thực hiện chức trách đại biểu thì lại rất hạn chế, cần phải cải tiến điểm này”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Trương Trọng Nghĩa, nói.
Theo ông Nghĩa, có tình trạng ĐB chuyên trách ngại đụng chạm những vấn đề nóng, bởi họ lo sau này không làm ĐB nữa trở về làm công chức sẽ bị làm khó. Do vậy, cần một sự đảm bảo cho họ để không bị đối xử bất công về sau.
Luật cần thì lại bị tránh
Thảo luận chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, một số ĐB cho rằng, chất lượng luật thấp, khó đi vào cuộc sống. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị quy định trách nhiệm của Chính phủ khi không thực hiện được Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt tránh việc trình những dự án luật không đủ điều kiện ra QH.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lưu ý việc ban hành các văn bản luật còn chung chung, rồi phải giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện là tối kỵ. Bởi như vậy dễ nghiêng về bộ nào đó hưởng quyền lợi, không đúng tinh thần luật gốc.
Có ĐB cho rằng, hiện nay, cơ quan soạn thảo thường rất chậm, làm theo kiểu đối phó, lắp ghép còn cơ quan thẩm tra thì bị động.
Do đó, ngay cả khi đã trình ra QH lần thứ hai để thông qua mà dự án luật vẫn sơ sài, như Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa qua…
Nêu vấn đề Vinashin, Vinalines để lại hậu quả nặng nề nhưng lại thiếu các quy định luật điều chỉnh, ĐB Trần Du Lịch cho rằng đó là một sự chậm trễ. “Ngay từ đầu khóa XII, tôi đề nghị phải có Luật quản lý vốn nhà nước nhưng được trả lời là Chính phủ chưa trình nên để lại.
Mãi đến cuối năm ngoái dự án này mới đưa vào chương trình chuẩn bị. Dường như, chúng ta vẫn làm theo kiểu làm những gì chúng ta có chứ không phải làm cái đất nước đang cần”, ĐB Lịch phát biểu.
Một số ĐB nhận định, cách làm luật hiện nay chung chung và chưa sát thực tế. Làm cả bộ luật với quy định rất chung, rồi phải làm nghị định thông tư mới thực hiện được.
Có những luật quan trọng như Luật Đất đai, thì làm quá chậm, trong khi đó lại có những luật chưa thực sự cần thiết như Luật Thư viện.
“Luật Đất đai dường như bị tránh né, nếu khó thì cũng phải làm, cũng như người bị bệnh nặng đến bệnh viện không thể không chữa chạy. Nếu lấy lý do khó mà trì hoãn, bất ổn sẽ càng gia tăng”, ĐB Phong Lan nói.
Nên bỏ phiếu một số chức danh quan trọng Trao đổi về quy định bỏ phiếu tín nhiệm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo nói: Quy định lấy phiếu tín nhiệm quy định trong luật từ năm 2003. Để bỏ phiếu tín nhiệm, cần một trong hai điều kiện: Có ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị; hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu. Quy định có gần 10 năm nhưng chưa lần nào thực hiện vì chưa có ràng buộc chặt chẽ. Theo quy định, hầu hết vị trí cấp cao đều do Quốc hội bầu, phê chuẩn, những vị trí đó cần phải được xem xét, bỏ phiếu. Nhưng bỏ phiếu tất cả chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn thì rộng quá, chỉ nên gắn vào một số chức danh từ bộ trưởng, hoặc tương đương trở lên. Nếu bỏ phiếu tín nhiệm hai lần không đạt sẽ miễn nhiệm là bình thường. Nhưng nếu trường hợp tỷ lệ tín nhiệm quá thấp, ví dụ chỉ 10% thôi thì phải xem xét, không nhất thiết đợi đến 2 lần không đạt tín nhiệm mới cho thôi nhiệm vụ. |