> Trai tài, gái sắc chọn câu đối đỏ đón Tết
Thời gian cứ trôi đi, trôi đi như những hình bóng con người. Rồi cũng chẳng làm sao khác được khi đời sống cứ cuốn ta đi, cứ trôi tuột ngày ngày tháng tháng năm năm. Nỗi nhớ, những cảm xúc bâng khuâng và muôn vàn cảm giác lung linh khác bị chèn ép, bào mòn dần đi bởi những mục đích, dự định, kế hoạch, công việc.
Rồi một sớm mai thức dậy, mở toang cánh cửa đời chợt nghe vọng từ xa đôi lời nhạc Trịnh: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi...trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt...rọi suốt trăm năm một cõi đi về...”. Những ca từ nặng ưu tư thân phận ấy được cất lên bởi giọng ca Khánh Ly - một giọng ca đẹp đến siêu thực - đài các, kiêu sa và mênh mông hoang vắng.
Những ngày còn là trẻ con, còn tung tăng với đời, những lời ca này đã trượt qua tôi một cách nhẹ nhõm không chút vướng bận, nhưng hôm nay nó làm người nghe xao lòng. Vì mây trời sắc nắng ? Vì điều gì không rõ nữa nhưng dường như có chút gì khó nói theo cái lạnh đầu xuân len qua lớp áo mỏng xuyên thấm tận tim.
Câu hát tưởng chừng đã thành câu cửa miệng ấy đôi lúc lại phù hợp với thực tế và tâm trạng một cách không ngờ. Có lẽ cũng bởi Huế buồn và thâm trầm quá thể. Trong “làn nắng ửng” hiếm hoi những ngày đầu xuân này, thành phố như cô gái cuộn mình trong chăn, sáng ra còn nhõng nhẽo chưa buồn dậy.
Bao năm miệt mài đi về bên dòng Hương giang và những chiều lang thang với bạn bè tôi hiểu được rằng Huế đẹp nhất có lẽ trong cõi ký ức của bao lớp người, với màu áo tím, áo trắng phất phơ bay trong chiều mộng tưởng.
Ngày xưa như mới hôm qua, mới hôm qua mà như từ lâu lắm. Lớp lớp lớn lên và huyền thoại “Ngày xưa Hoàng thị” vẫn còn lại mãi, vẫn làm nao lòng bao chàng trai cô gái tuổi yêu để rồi hoá mang mang thương nhớ đến già... Ngôi trường Đồng Khánh, Quốc Học trong cõi nhớ của bao người vẫn còn đây với hình dáng cũ, vẫn im lìm soi bóng bên dòng Hương xanh đến nao lòng.
Và sáng nay trong màu vàng ươm ngọt ngào của nắng đầu xuân, đường Lê Lợi rung mình với những tà áo thênh thang phố dài ngập nắng. Cái nắng hanh vàng nhắc tết, màu hoa vương trên áo, trên khăn những nàng thiếu nữ nhắc tết. Xuân đang đến, xuân dường như giăng mắc khắp nơi sao thành phố vẫn mênh mông một nỗi buồn hoa cỏ?
Quán cà phê Lộng Gió bên bờ sông Hương, nơi hẹn hò gặp gỡ, tình cờ và chủ ý, của bao cô cậu y khoa và sư phạm, giờ im lìm lặng lẽ. Mặt sông như phảng phất một lớp khói nhẹ màu lam nhạt. Tiếng nhạc không lời văng vẳng ưu tư không làm tan được vẻ u tịch những ngày cuối đông xứ Huế:
- Ai như Hiền áo trắng
Loáng thoáng qua hơi mưa?
( Mưa - Hồ Dzếnh)
Những cổ cao, mắt biếc, dáng ngọc Đồng Khánh ấy, nguồn cơn của những tuyệt vọng nhạt nhòa ấy tưởng chìm trong sương khói tận đẩu tận đâu của cõi nhớ : “Người em mắt biếc từ nay xa rồi...” hôm nay chợt sáng bừng như mọi thứ vẫn nguyên vẹn đâu đây. Ngày xưa như mới hôm qua...
Con đường Ngô Quyền phía sau lưng trưòng Quốc Học và Hai Bà Trưng là nơi thỉnh thoảng chúng tôi vẫn lang thang pha phất sau mỗi giờ tan học. Hai hàng cây bên đường cuối đông khẳng khiu trơ cành trụi lá, đứng ken nhau tạo thành hai dãy cành khô lặng lẽ, tăm tắp bên con đường nhỏ. Những dáng người thưa thớt, im lìm, cắm cúi vội vã về đâu đó, vài chiếc lá khô rơi lác đác.
Tất cả đẹp một cách hoang mang mê hoặc. Con đường ấy đẹp nhất vào lúc nào? Lúc mưa, những cơn mưa như không như có lúc chuyển mùa. Mưa Huế những ngày đầu xuân này không âm thầm dai dẳng mà đáng yêu lạ. Hai hàng cây buồn trơ trụi lấm tấm vài nụ mầm xanh như dịu hẳn trong màn mưa giăng mắc. Những cơn mưa này rồi một mai sẽ rời xa, mưa hôm qua không có màu khói sương chiều như mưa hôm nay…
Ngày hôm nay rồi sẽ ở lại phía sau lưng. Thành phố sẽ hiện đại hơn, đường phố tấp nập hơn, những khoảng lắng, những mơ màng sẽ ít còn cơ hội để trỗi lên. Tất cả sẽ như những cơn mưa, mau tạnh mau quên trong những cuộc chuyển dời không dấu vết.
Song, những con đường và những khu vườn mù sương, dòng sông Hương mù sương mỗi ban mai và hoàng hôn này vẫn có thể làm người ta lạc lối vì ngẩn ngơ trước một ánh mắt nụ cười, hay vì mê mải tìm một bóng hình ai nhạt nhoà trong nắng sông Hương. Đông đã qua, xuân lại về và mai vẫn vàng như chẳng thể vàng hơn...