Men Thiền

Phiên dịch Hoàng Quần (đứng giữa) những năm 1956, 1966 (Tư liệu của Hoàng Quần)
Phiên dịch Hoàng Quần (đứng giữa) những năm 1956, 1966 (Tư liệu của Hoàng Quần)
TP - Gần mươi năm trước, có doanh nhân Lê Duy Hảo xuất hiện trong loạt phóng sự "Chuyện lên bờ xuống ruộng của một doanh nhân". Doanh nghiệp Sông Lô của Lê Duy Hảo bị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khi đó là ông Nguyễn Trường Tô can thiệp thô bạo. Công việc làm ăn bị đình đốn lâm vào nợ nần, phá sản. May mắn Tòa án khi đó đã phán quyết buộc UBND tỉnh phải đền bù cho doanh nghiệp số tiền nhiều chục tỷ đồng.

Nhưng bên có trách nhiệm đền bù vẫn chây ỳ, kể cả khi ông chủ tịch Tô mất chức. Lê Duy Hảo nhiều thời điểm cùng quẫn đã toan tìm đến cái chết bằng kiểu lao xe xuống vực, thuốc ngủ liều cao.

Số phận doanh nhân Lê Duy Hảo bây giờ thế nào dẫu cho số tiền nợ ấy người ta vẫn không chịu trả?

Hảo đi làm gốm!

 Gốm?

Trời đất ơi, dưới gầm giời Nam cơ man nhà nhà làm gốm.  Cả trăm hộ chật ních ở Bát Tràng, Chu Đậu. Hơn thế, nhiều tỉnh cũng có lò gốm sứ, rồi sứ Trung Quốc tràn trắng ởn, lóa mắt thị trường nước Nam.

Vậy thì Lê Duy Hảo xoay xỏa ra làm sao? Cái chiếu thị trường gốm đã đông chật, liệu có xangtimet nào để dung thân?

 Gần như khởi lại nghiệp, Hảo thành lập Công ty Cổ phần NASON tại Hà Nội. Rút một ít quân của Sông Lô về. Bạn bè chung lưng góp vốn thành NASON. NASON hoạt động theo Luật Doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực Đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ, kinh doanh bất động sản, phát triển du lịch… 

 Bí quyết kinh doanh lẫn làm ăn thời buổi này chả ai cởi mở gan ruột ngay? Nhưng phải là sự xúm tay đồng cảm của những người có tiền lẫn có quyền thì NASON của Hảo và công sự mới mau có da có thịt như thế? Phải thế nào đó trong một thời gian ngắn thôi mà NASON có những cơ sở sản xuất ở Thanh Hoá, Nghệ An, Phú Thọ.  Công ty đã xuất khẩu và bán lẻ các sản phẩm đá trắng, gốm sứ, tượng pháp, điêu khắc và đang nghiên cứu sản xuất thử mi-ca nhân tạo. Hàng trăm lao động là thanh niên nông thôn ở các địa phương được NASON nhận vào làm việc. Vừa lao động thủ công vừa đào tạo tay nghề. 

Tôi theo Hảo về quê anh ở Đào Xá, Phú Thọ. Khi ấy Hảo vẫn còn mẹ già mà hầu hạ. Nhưng ngó động thái hỏi han cung cách chăm bẵm anh con trai thấy bầm cũng chả được hầu hạ nhờ vả chi nhiều. Hình như Hảo thi thoảng  mới đáo qua quê? Người vợ Hà Giang của Hảo phải cáng đáng phận sự ấy. Những kỳ, đợt hoạn nạn của con trai, chẳng hay bầm có biết?

Hảo mở ngay xưởng gốm ở đất quê Đào Xá. Hóa ra ngọn đồi hoang ven làng trong lòng ẩn  chứa thứ đất cao lanh quý giá dùng làm gốm mà lâu nay người làng chưa biết? Chưa biết thì bây giờ biết. Chả phải biết suông mà cũng xắn tay vào làm với Hảo. Ngày công làm gốm  dứt khoát cao hơn so với đi cắt sơn (cây sơn nguyên liệu để chế sơn ta), cao hơn làm cỏ, hái chè... Xưởng gốm của Hảo rộng cửa với tất thảy những chàng thanh niên cô gái mới lớn vậm vạp sung sức nhưng đang thiếu công ăn việc làm.  Cái áo may vội gần 2 năm trước nay đã phải cơi nới phải thay mới. Xưởng gốm Ba Chi phình nhanh chóng thu hút hàng trăm lao động địa phương. 

Đầu ra của gốm sứ NASON thế nào ?

Tôi không rành hoặc chưa tin mấy vào tỷ trọng vừa phải của mặt hàng gốm sứ trong sản lượng của NASON mà chỉ lờ mờ hiểu rằng dường như nó chỉ làm sang cho NASON? Có lẽ NASON trông chờ nhiều hơn vào những dây chuyền chế biến khoáng sản dạng tinh trị giá nhiều triệu USD tại Nghệ An, Thanh Hóa và những vùng khác nữa. 

Men Thiền ảnh 1 Doanh nhân Lê Duy Hảo và khách hàng Hoàng Quần ảnh: XB
Tôi có dịp ngồi với một khách hàng của Lê Duy Hảo. Đó là một người Trung Quốc cao niên. Năm ấy ông 79 tuổi nhưng lạ, ngó như mới lục tuần. Theo Hảo, tôi gọi ông là Hoàng tiên sinh! Hoàng Quần, người từng lưu lạc sang Việt Nam từ năm 7 tuổi, Là phiên dịch chính của cố vấn La Quý Ba đại diện cho chính phủ Trung Quốc những năm kháng chiến chống Pháp tại Việt Bắc. Ông cũng là phiên dịch chính cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chu Ân Lai. Cũng là phiên dịch trực tiếp cho Tổng Bí thư Lê Duẩn và nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam nhiều lần sang thăm và làm việc tại Trung Quốc.

Hoàng tiên sinh rất ít nói, nhưng khi đi coi những món đồ, những chủng loại gốm sứ của NASON không ngờ Hoàng tiên sinh lại rất mặn chuyện! Ông Hoàng bộc bạch thế này, tất nhiên phần xương gốm và cả men nữa làm sao NASON của Hảo so được với Trấn Cảnh Đức ở Trung Quốc? Lại nữa, chưa chắc đã nhỉnh hơn Bát Tràng lẫn Chu Đậu của Việt Nam? Nhưng nhà báo thử coi kỹ kiểu dáng của NASON đi. Thử ngó kỹ những mẫu mã nhất là hình vẽ trang trí thì NASON vẫn có điều gì đó khang khác là lạ với những dòng gốm sứ đang thông dụng trên thị trường.

Men Thiền ảnh 2 Sứ Công ty NASON ảnh: XB
Những điểm khang khác là lạ ấy là gì? Xương gốm ? Màu men phong phú nhưng vẫn chủ đạo được thứ gam trầm trầm mà có người gọi nôm na là màu... Phật?  Ông Hoàng Quần cũng bật mí, sở dĩ ông tìm đến Hảo trước tiên  là do một người quen giới thiệu. Thứ nữa là thứ men lạ mà Hoàng tiên sinh tạm gọi là men Thiền! Men Thiền?

Các món sứ men Thiền của Hảo đã xuất nhiều lần sang các nước Trung Đông, nhiều nhất là các món sứ dùng cho đồ ăn, thức uống. Độc đáo hay tạm gọi là bí quyết cũng được là tất tật những hình vẽ họa tiết tóm lại là màu gì thì màu trên các món gốm sứ với tiêu chuẩn ngặt nghèo là không độc, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng!

 Từng rong ruổi cùng Hảo đây đó, tưởng đã quen  với một Lê Duy Hảo năng động với những thành bại nhưng giờ vẫn đụng một thứ bất ngờ. Hảo viết sách! Có lẽ chả phí thời giờ khi lật giở cuốn gần như tự truyện mà Lê Duy Hảo viết về Thiền như cuốn Vượt qua vận hạn (NXB Hội Nhà Văn) Có những phần, chương sách là lạ bắt mắt như Nhân quả công bằng và phía sau cái chết. Từ số phận luân hồi đến Tâm xuất thế gian. Khai mở xa luân, nội lực tiềm ẩn... 

Vẫn chưa hết. Còn một Lê Duy Hảo thơ nữa. Hóa ra nhiều năm nay, Hảo là thành viên của trang mạng lucbat.com.

Chả hạn khi qua đò ở một khúc sông trung du: 

Cùng chung một chuyến đò ngang/ Người thì sang bến người đang trở về/ Lái đò chèo mải thành mê/ sang về chẳng biết mình về hay sang. 

Một đêm thức với nhau ở bờ sông Lô:

 Núi cao mây gió la đà/ Sông Lô chảy mãi biết là còn mơ/ Tôi ngồi thức với bài thơ/ Ngoài kia sương khói đợi chờ trăng lên...

Một Lê Duy Hảo luôn khơi nguồn cho những ngạc nhiên này khác? Đa đoan hay đa mang đây? Một lần tôi nghe mấy ông bạn viết kháo nhau rằng doanh nhân Lê Duy Hảo viết trên trang mạng songlo.com của mình là muốn khởi xướng việc xây dựng Hoa viên văn nghệ sĩ Việt đang gây xôn xao.

Đành hỏi Hảo thì được biết Hoa viên văn nghệ sĩ Việt Nam là nghĩa trang dành riêng cho các văn nghệ sĩ và trí thức tên tuổi. Dự kiến bước đầu cả nước có 3 "Hoa viên Văn nghệ sĩ"  Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; Huế và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên  TPHCM và các tỉnh Nam Bộ.

Thành bại ra sao thì còn chưa biết? Có tiền, tất nhiên mới bày vẽ một cuộc chơi hơi bị hoành như thế? Nhưng cái phương thức xã hội hóa mà Hảo trông mong tôi thấy cứ ngài ngại thế nào?
Có lẽ chất men Thiền đã bầu, đã nung chuốt một Lê Duy Hảo lận đận đa đoan?

Dịp Hảo khai trương, hàng trăm sản phẩm gốm sứ không phải tại trụ sở của xưởng mà bày ngay tại đình làng Đào Xá vào đúng dịp hội làng.  Chắc hẳn anh linh  thành hoàng bản thổ làng Đào Xá cũng mát mặt với nghĩa cử của những đứa con quê như Hảo. 

MỚI - NÓNG