“Mây hồng” của tu sĩ đa đoan

Hà Hùng (bìa phải) cùng bạn tranh bên những “cái cây riêng có”
Hà Hùng (bìa phải) cùng bạn tranh bên những “cái cây riêng có”
TP - Từng vẽ tranh lọt mắt nhà sưu tập, ra tiểu thuyết, tuyển tập thơ song hành với 10 năm mắc chứng trầm cảm, Hà Hùng xuất gia đi tu để giải thoát khỏi bệnh tật. Ở cõi tu hành “bềnh bồng”, những tác phẩm của ông chuyển sang phong cách khác hẳn Hà Hùng nổi loạn trước kia.

“Đa đoan” là từ của nhà báo, nhà thơ Lý Đợi dành tặng tu sĩ, thi sĩ, họa sĩ Hà Hùng. Xem những bức tranh tối giản, tông màu ngọt ngào hiền hòa trong triển lãm “Dưới trăng mây hồng” nhiều bạn bè cũ ngỡ ngàng. Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, đã viết trên facebook “thật thú vị khi xem tranh người bạn cùng thời... ổng giờ đi tu làm thầy nên có khác, chứ ngày xưa ngầu lắm, từ biểu hiện đầy bạo liệt, rồi trừu tượng và cả siêu thực nữa... món nào ổng cũng gây hấn khó chịu lắm! Lạ là ổng rũ sạch! Chúc mừng bạn hiền tôi! Hà Hùng”.

Một bài thơ của họa sĩ in phóng to treo trong triển lãm gần như là lời chú giải cho hơn 50 bức tranh ông vẽ gần đây.

“Trong vô tình đơm bông

Trái chín là hư không

Rơi trong vườn tuyệt mệnh

Buổi sáng thấy mây hồng…”

Đau đầu vật vã và “tranh điên”

Quê gốc Quảng Nam, sinh ra ở Long An, lớn lên ở Tây Ninh, trong gia đình Hà Hùng và các chị em gái đều có khiếu thơ văn nhưng một mình ông theo học hội họa. Tốt nghiệp Trung cấp rồi Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Hà Hùng từng làm nhiều nghề kiếm sống như vẽ áo dài, chép tranh, đồ họa thiết kế quảng cáo cho một tập đoàn thực phẩm danh tiếng. Họa sĩ đã thử sáng tác nhiều phong cách lập thể, biểu hiện, dã thú... Một serie tranh trừu tượng khổ lớn của anh đã được nhà sưu tập Lê Thái Sơn mua với giá trung bình khoảng 4.000 USD/bức. Năm 2008, chính nhà sưu tập này đã tài trợ cho Hà Hùng mở triển lãm cá nhân đầu tiên. Ngoài ra mảng tranh ký họa chân dung của họa sĩ được cho là duyên và riêng.

Tiểu thuyết “Xóm miếu nổi”, tập thơ “Hoa tình” (2007) cùng xuất hiện trong giai đoạn thăng hoa của họa sĩ. Lạ và huyền ảo trong văn thơ, điên và gây hấn trong tranh đó là Hà Hùng của mười năm trầm cảm.

Ban ngày đi làm, tối vẽ tranh, đêm bị mất ngủ và những cơn đau đầu hành hạ, Hùng tìm đến thiền để chữa bệnh. Họa sĩ tìm đọc sách, đam mê nghiên cứu về Phật giáo và theo học lấy bằng Đại học Tôn giáo.

Những bức tranh “điên” và “bạo liệt” ra đời trong những cơn đau đầu vật vã, “ở ngực như có tảng đá đè”, “trên trán như có vùng tối chắn ngưỡng”. Gần một xe tải tranh để nhờ trong nhà ba mẹ bỗng một ngày bị ông anh trai đem ra đốt sạch. “Ông ấy không được học hành, ghét tranh, cũng mắc chứng trầm cảm, nhìn thấy đống tranh chật nhà ổng muốn tống đi”. May mà tác giả chụp lại được một số bức sau mỗi lần vẽ.

Nhiều nhà sưu tập, bạn bè tỏ ra tiếc nuối cho “kho báu” bị hóa vàng đó nhưng Hà Hùng không quá quyến luyến. Nhất là khi cuộc đời ông bước sang trang “tụng kinh-vẽ tranh-tụng kinh” và “nhẹ bẫng thoát khỏi những cơn đau đầu”.

“Mây hồng” của tu sĩ đa đoan ảnh 1 Tranh thời nổi loạn và trầm cảm của Hà Hùng (Bữa tiệc ly, sơn dầu, 185cm x 240cm, st 2001)

Tịnh thất bềnh bồng

Năm 2011, tu sĩ Hà Hùng (pháp danh Thích Hoằng Toàn) về trông coi  tịnh thất vắng vẻ ở quận 9 sau khi vị sư khai lập ngôi chùa nhỏ từ trần. Đệ tử của tịnh thất là một số ít người dân sống xung quanh. Khác với chùa, tịnh thất không có chức danh sư trụ trì mà chỉ gọi là sư trông coi.  Nhà tu hành ngày ngày lo việc đèn nhang tụng kinh cầu an và cầu siêu khi có người mất. Ông quan niệm “Cúng vái cầu xin là ở các đình miếu, chứ trong chùa thờ Phật thì không có cầu xin gì”.

Tâm trạng thư thái, bỏ sân si là thứ thuốc thần giúp ông khỏi bệnh. “Lúc ốm tôi mong manh lắm, hay tự ái mà còn tự ái là còn nặng nghiệp”. Trong thời gian này ông ra sách tiểu luận triết học “Gieo hạt đồng trời” và tập thơ “Tây Thiên”. Hai năm gần đây ông bắt đầu cầm cọ vẽ trở lại. Vì di chứng sau lần liệt nửa người, tay phải của ông bị yếu nên ông chuyển sang dùng tay trái.

“Bắt đầu với những bức tranh nhỏ bằng màu nước và màu bột. Và cứ thế tôi vẽ và loại dần những cái cũ đi. Đến hôm nay, tôi đã vẽ phố không còn rong rêu u buồn cũ kỹ nữa, mà nó là những khu nhà khang trang sạch sẽ của thời đại mới, mang đầy tính tượng trưng. Tôi muốn có một cái nhìn mới về những cái gì đã cũ. Những thứ vừa lạ, vừa quen, thật gần gũi, dễ thương, dễ nhìn”.

Thời gian biểu của ông mỗi ngày bắt đầu từ 5h sáng dậy tụng kinh, tập thể dục, ăn sáng, đi chợ. Vẽ tranh từ 9-11h ở xưởng (cách tịnh thất 5 phút đi bộ). Chiều tụng kinh từ 18-19h. “Đi chợ mua thực phẩm ăn chay nên bà con không lấy tiền”. Tu sĩ tuổi 50 chia sẻ, khoảnh khắc mà ông thấy dễ chịu nhất trong ngày là sau giờ tụng kinh buổi chiều. “Vẽ tranh thì cũng giống như tập thể dục vậy. Lai rai vẽ đều mỗi ngày thì cuộc sống rất vui, cảm thấy khỏe ra, bệnh tật cũng hết”.

Con người thi sĩ của Hà Hùng dường như lấn lướt nhà tu hành và họa sĩ trong ông. Xem tranh ông có cảm nhận một thi sĩ đang vẽ tranh, một thi sĩ đi tu thay vì một tu sĩ vẽ tranh, làm thơ. Giữa đời thường nhộn nhạo dịch vụ tâm linh, thi sĩ vẫn tìm thấy “bềnh bồng” trong chốn tịnh thất của mình. Ông từng viết: “Cuộc đời nghệ sĩ thật lãng mạn, và cuộc đời tu sĩ thì thật là thơ mộng!”.

“Mây hồng” đã có người sưu tập

Trong thời gian triển lãm “Dưới trăng mây hồng”, tác giả khá bất ngờ khi có một nhà sưu tập đến mua 5 bức tranh liền một lúc vì ấn tượng “lối vẽ hồn nhiên” và “ít người vẽ cây riêng như thế”. Sau đó một vài khách lẻ đến mua thêm 6 bức trong và sau triển lãm. Hầu như khách thưởng lãm đều cảm tình với vẻ tươi sáng, ngọt ngào, nhẹ như thinh không của tranh Hà Hùng. Họa sĩ xúc động khoe: “Số tiền bán tranh được gần 300 triệu, trừ chi phí 2 năm mua màu toan, thuê xưởng, thuê phòng triển lãm tôi còn khoảng 100 để đầu tư vẽ tiếp”. Nhà sưu tập ban đầu ngỏ ý muốn mua hết hơn 50 bức với giá 10 triệu/bức nhưng họa sĩ chỉ cần số tiền vừa đủ nuôi nhu cầu vẽ mỗi ngày. “Tôi sẽ tiếp tục vẽ như luyện công, theo hướng tranh thiền trang trí, hình thức tạo hình thoải mái, mang tinh thần phương Đông và ngôn ngữ tranh riêng có”.

Tu sĩ Hà Hùng:

Cảnh giới tâm không còn tạo nghiệp, là cảnh giới cao nhất của tâm. Chỉ có người giác ngộ hoàn toàn mới có được. Vì tâm lúc này như cái ống trống rỗng hai đầu, cho nên cái gì đi vô đó là đi ra hết, không giữ lại cái gì cả, không còn tạo nghiệp nữa. Cái này đại thiền sư, đại bồ tát cũng không có được đâu.

MỚI - NÓNG