Máu nhiễm mỡ và nguy cơ đột quỵ

Máu nhiễm mỡ và nguy cơ đột quỵ
TPO - Máu nhiễm mỡ là mức độ các chất béo (lipid) trong máu cao. Những chất béo này bao gồm cholesterol và chất béo trung tính (có trong dầu thực vật và mỡ động vật).

Chúng rất quan trọng đối với các cơ quan chức năng của cơ thể nhưng khi lượng chất béo quá cao thì chúng có thể đặt con người vào nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ

Máu nhiễm mỡ xảy ra khi chế độ ăn uống của chúng ta có chứa quá nhiều cholesterol và chất béo (ví dụ như thịt, phô mai, kem, trứng, tôm, cua, sò, hến, v.v…) khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra quá nhiều cholesterol và chất béo.

Chúng ta có thể hiểu rằng các chất béo không thể hòa tan nên nó không thể tan và di chuyển ở dạng tự do trong máu. Để lưu thông được trong máu thì chúng cần kết hợp với một chất khác gọi là protein để tạo ra lipoprotein. Có ba loại lipoprotein trong cơ thể:

- Low-density lipoprotein (LDL), hay còn gọi là cholesterol “xấu” gây tích tụ và làm tắc nghẽn động mạch.

- High-density lipoprotein (HDL) – cholesterol “tốt” giúp ngăn ngừa việc tích tụ mảng bám trong động mạch

- Triglyerides – chất béo trung tính.

Máu nhiễm mỡ và nguy cơ đột quỵ ảnh 1

Tăng mỡ máu được gây ra như thế nào?

Quá nhiều LDL hay cholesterol “xấu” có thể tích tụ trong động mạch và theo thời gian, gây ra bệnh tim hoặc đột quỵ. Ngược lại, có nhiều HDL hay cholesterol “tốt” thì chúng bảo vệ tim bằng cách giúp loại bỏ việc tích tụ LDL khỏi động mạch. Mức HDL thấp và chất béo trung tính cao cũng có thể làm tăng chất béo tích tụ trong động mạch và gây ra bệnh tim, đặc biệt là ở những người béo phì hoặc có bệnh tiểu đường.

Các yếu tố nguy cơ khác gây ra tăng mỡ máu là gì? Bị thừa cân hoặc béo phì, không tập thể dục đủ, và chế độ ăn có chất béo bão hòa và cholesterol cao, ăn ít trái cây, rau và chất xơ có thể là lý do chính của việc tăng mỡ máu. Tuy nhiên, ngoài chế độ ăn uống còn có những yếu tố khác có thể dẫn đến tình trạng này.

Tuổi tác và giới tính cũng ảnh hưởng tới lượng mỡ trong máu. Khi lớn tuổi, mức độ cholesterol ở cả phụ nữ và nam giới đều tăng lên. Trước tuổi mãn kinh, phụ nữ có mức cholesterol tổng cộng thấp hơn nam giới cùng tuổi. Sau tuổi mãn kinh, mức độ LDL của phụ nữ có xu hướng tăng lên, điều này không có lợi cho sức khỏe của bạn.

Ngoài ra còn có yếu tố di truyền, các gen riêng lẻ sẽ quyết định tạo ra bao nhiêu lượng cholesterol trong cơ thể. Thực tế cho thấy, lượng cholesterol trong máu cao có thể di truyền ở nhiều gia đình.

Theo các chuyên gia, tăng mỡ máu có thể liên quan đến một số bệnh nội tiết như bệnh tiểu đường, suy giảm tuyến giáp, hội chứng phát phì; hoặc sử dụng thuốc chỉ định như thuốc tránh thai, liệu pháp nội tiết, một số thuốc lợi tiểu hoặc thuốc trị cao huyết áp để điều trị bệnh tim mạch cũng có thể làm tăng mỡ máu.

Cholesterol gây nên cơn đau tim như thế nào?

Khi có quá nhiều cholesterol trong máu, nó tích tụ trong thành động mạch của bạn. Theo thời gian, sự tích tụ này gây ra “xơ cứng động mạch” đến nỗi động mạch bị thu hẹp và lưu lượng máu đến tim bị chậm lại hoặc bị chặn. Máu mang oxy đến tim, và nếu một lượng máu và oxy vừa đủ không thể tới tim của bạn thì bạn có thể bị đau ngực. Nếu vì tắc nghẽn mà một phần nào đó trong trái tim của bạn hoàn toàn bị cắt đứt việc cung cấp máu thì kết quả là một cơn đau tim.

Tăng mỡ máu được chẩn đoán như thế nào? Tăng mỡ máu thường không có triệu chứng. Việc sàng lọc được thực hiện với một xét nghiệm máu đơn giản để đo mức độ cholesterol và các chất béo trung tính (triglycerides). Xét nghiệm máu này được thực hiện sau 9 đến 12 giờ nhịn ăn và sau đó kết quả xét nghiệm sẽ thông báo cho bạn biết lượng mỡ trong máu của bạn. Theo Chương trình Hướng dẫn Giáo dục về Cholesterol Quốc gia của Hoa Kỳ thì người trưởng thành khỏe mạnh nên được sàng lọc 5 năm một lần, bắt đầu từ năm 20 tuổi. Nếu bạn có tiền sử gia đình có nồng độ cholesterol cao hoặc các yếu tố nguy cơ khác thì bạn có thể cần được kiểm tra sớm hơn và thường xuyên hơn.

Điều trị tăng mỡ máu như thế nào?

Việc hạ thấp mỡ máu là quan trọng đối với tất cả mọi người – người trẻ tuổi, trung niên và người lớn tuổi; phụ nữ và nam giới; và người có hoặc không có bệnh tim. Tăng mỡ máu được điều trị với những thay đổi trong chế độ ăn uống, giảm cân và tập thể dục. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng sẽ kê đơn thuốc cho bạn. Các loại và liều lượng của thuốc sẽ phụ thuộc vào mức độ mỡ máu và ngoài ra nó còn phụ thuộc vào bạn có mắc các bệnh sau đây hay không: bệnh tim, tiểu đường, hoặc các yếu tốt nguy cơ khác của bệnh tim.

Có những loại thuốc có thể làm giảm cholesterol LDL và chất béo trung tính, hoặc làm tăng lượng cholesterol HDL. Statins là thuốc phổ biến để làm giảm cholesterol LDL. Thuốc Fibbrates và Niacin được sử dụng để làm giảm các chất béo trung tính và tăng cholesterol HDL.

Bạn nên làm gì với những thông tin ở trên? Không phải tất cả các bệnh nhân có tăng mỡ máu là giống nhau. Hãy hỏi bác sĩ của bạn bao lâu thì kiểm tra chất béo trong máu một lần. Các rối loạn lipid đơn giản có thể được điều trị bởi bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc bắc sĩ khoa tim. Tuy nhiên, các rối loạn lipid phức tạp nên được điều trị bởi một chuyện gia. Khi đó một bác sĩ chuyên khoa nội tiết được đào tạo đặc biệt để chẩn đoán và điều trị các rối loạn nội tiết và lipid.

Hãy nhớ rằng, giảm cân và hoạt động thể chất là cách tốt nhất để ngăn chặn và làm giảm việc tăng mỡ máu. Hãy sớm kiểm tra lượng mỡ máu trong cơ thể bạn, điều này giúp bạn chủ động hơn đối với tương lai sức khỏe của mình và sẽ giúp bạn có thời gian để thực hiện các thay đổi trước khi phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ

Thanh Tuấn
Theo LS

Theo Dịch
MỚI - NÓNG