Trong xây dựng, để có thể xây gác lửng thì quy định độ cao tầng trệt phải trên 5m và không quá 5,8m. Độ cao của gác lửng là 2,5 – 2,8m và chiếm 1/3 – 2/3 diện tích tầng trệt.
Với những nhà xây mới, tầng lửng có thể thiết kế đúc. Những nhà cũ, muốn chèn thêm tầng lửng thì có thể dùng ván gỗ, đúc sàn giả; hoặc làm bằng các tấm xi măng công nghiệp. Cầu thang từ tầng trệt lên tầng lửng thường nhỏ gọn, ít bậc và ốp sát tường để tăng diện tích sử dụng.
Khi đã quyết định thiết kế tầng lửng thì đây sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong ngôi nhà. Tầng lửng là điểm giao nhau của tầng trệt với lầu, nên phải chú trọng về màu sắc và cách bày trí sao cho hài hòa với toàn bộ không gian.
Tùy vào diện tích căn nhà mà có sự sắp đặt không gian hợp lý. Nếu diện tích đủ rộng, tầng lửng phía trước có thể làm phòng khách, nơi làm việc; tầng lửng phía sau làm gian bếp, phòng ăn hoặc nơi sinh hoạt chung.
Nếu nhà có diện tích nhỏ, tầng lửng có thể làm nơi đặt bàn thờ, phòng ngủ đơn, nơi thư giãn, đọc sách,… Những nhà phố kết hợp kinh doanh cũng có thể dành tầng trệt để bán hàng; tầng lửng để sinh hoạt thuận tiện cho việc quan sát toàn bộ khung cảnh phía dưới.
Thiết kế nhà có tầng lửng ngoài chức năng tăng thêm diện tích sinh hoạt còn tạo nên góc nhìn đẹp. Không gian sinh hoạt được chuyển tiếp, thông qua đó không gian được thông thoáng hơn. Ngoài ra, còn tăng thêm phần diện tích sinh hoạt cũng như tăng lưu lượng vận chuyển khí trong nhà.