Chuyện của giọt máu

Máu của ai cũng đỏ, biển ở đâu cũng mặn

Chủ nhật Đỏ - ngày hội của những tấm lòng nhân ái đang lan tỏa mạnh mẽ. Ảnh: Như Ý.
Chủ nhật Đỏ - ngày hội của những tấm lòng nhân ái đang lan tỏa mạnh mẽ. Ảnh: Như Ý.
TP - Mỗi khi năm hết tết đến, người nghèo thường được chia sẻ đồng quà cân gạo. Ta chia sẻ là vì trách nhiệm cộng đồng, và cũng là để lắng dịu tình cảm trong ta đối với đồng bào, đồng loại.

Người nghèo được vậy, thế còn người khổ thì sao? Những ngày năm cùng tháng tận rọi chiếu khó khăn của người nghèo khi lo tết. Nhưng cũng rọi chiếu người khổ, để ta thấy nhìn thấy nỗi khổ của họ được rõ nét hơn. Chẳng hạn người bệnh, người gặp nạn, và những người liên quan đến y khoa và huyết học truyền máu nói chung. Có người đau yếu, lẽ ra họ không phải nằm lâu đến thế nếu như có đủ máu để truyền. Người sản phụ và con nhỏ gặp sự cố, hoặc những người gặp nạn khác, rất có thể họ phải tiếp tục nằm viện mà không thể về đón xuân cùng gia đình, nếu như thiếu máu truyền. Ngày thường, số lượng máu chỉ đủ đáp ứng 50%, nhưng ngày tết thì tình trạng khan hiếm máu trở nên gay gắt, chỉ đáp ứng được trên dưới 20% hoặc ít hơn. Tình trạng thiếu máu không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở ngay cả những nước phát triển, bất chấp thành tựu khoa học của thế giới trong những thế kỷ qua.

Từ đó mà xuất hiện ngày Chủ nhật Đỏ của báo Tiền Phong. Một ngày nhân đạo, một ngày vì người đang khổ. Khởi đi từ 2009, chương trình này qua 6 năm và đến nay, tin mừng là chương trình ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ gần 150 đơn vị máu thu được vào Chủ nhật Đỏ đầu tiên, nay đã lên đến hàng ngàn đơn vị máu qua mỗi lần Chủ nhật Đỏ. Từ ý tưởng ban đầu, nay đã lan tỏa, mở rộng ra toàn quốc. Giấc mơ nay đã thành sự thật, đó là có chung một ngày, lan đi một màu đỏ của tình thương trong cả nước, qua đó mà góp phần lan tỏa trách nhiệm, lan tỏa đạo đức và nhận thức, làm tăng sự tín nhiệm xã hội, để xã hội ngày càng phát triển bền vững hơn trong tự do, bình đẳng và bác ái.

“Còn nhớ, ngày Chủ nhật Đỏ lần thứ nhất, chúng ta khơi gợi lòng nhân đạo - từ thiện trong chủ đề “Tiếp sức cho người nghèo, tiếp máu cho người khổ” vào lúc năm cùng tháng tận, năm hết tết đến. Chủ đề của ngày Chủ nhật Đỏ lần thứ 2 là “Sinh mệnh của bạn và của tôi”, ngoài ý nghĩa nhân đạo, còn có thêm ý nghĩa về trí tuệ, về nhận thức: Hiến máu, ngoài vì sự sống của người khác còn vì cả sinh mệnh của chính bản thân mình nữa, vào một lúc nào đó chưa thể biết trong cuộc sống vô thường này”… 

Ông Đoàn Công Huynh - Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông, TBT báo Tiền Phong thời điểm khai sinh Chủ nhật Đỏ

Tôi muốn chia sẻ thêm với đội ngũ làm báo Tiền Phong điều này. Chúng ta kêu gọi hiến máu nhân đạo, nhưng không hẳn và hoàn toàn không chỉ là kêu gọi lòng từ thiện. Chúng ta tác động nhận thức để công chúng thấy hiến máu là câu chuyện của tình cảm nhưng đồng thời cũng là câu chuyện của tuệ giác. Cái hiểu sẽ giúp người ta thấy được việc hiến máu không chỉ tốt cho người mà còn tốt cho ta, vào một lúc bất kỳ nào đó, trong liên đới xã hội, và không thể biết trước. Những người làm báo như chúng ta, đến với ngày Chủ nhật Đỏ là để cho máu, nhưng hoàn toàn không chỉ thế, quan trọng hơn, là chúng ta làm truyền thông. Muốn làm truyền thông tốt phải đưa ra thông điệp. Và thông điệp phải thay đổi thường xuyên để vừa kiến tạo thông tin, tạo sự chú ý, đồng thời lay động nhận thức xã hội theo từng cấp độ ngày càng sâu sắc hơn. 

Còn nhớ, ngày Chủ nhật Đỏ lần thứ nhất, chúng ta khơi gợi lòng nhân đạo - từ thiện trong chủ đề “Tiếp sức cho người nghèo, tiếp máu cho người khổ” vào lúc năm cùng tháng tận, năm hết tết đến. Chủ đề của ngày Chủ nhật Đỏ lần thứ 2 là “Sinh mệnh của bạn và của tôi”, ngoài ý nghĩa nhân đạo, còn có thêm ý nghĩa về trí tuệ, về nhận thức: Hiến máu, ngoài vì sự sống của người khác còn vì cả sinh mệnh của chính bản thân mình nữa, vào một lúc nào đó chưa thể biết trong cuộc sống vô thường này. Cái hiểu, cái biết đó rất quan trọng để thu được hành vi hiến máu trong lâu dài, trở thành công việc bền vững của nhận thức. Năm 2011, với chủ đề “Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng”, Chủ nhật Đỏ hòa chung vào ngày hội thanh niên thủ đô Hà Nội.

Máu của ai cũng đỏ, biển ở đâu cũng mặn ảnh 1

Ông Đoàn Công Huynh.

Khi mà giờ đây, hiến máu nhân đạo không còn là nỗi e ngại đối với nhiều người, thì truyền thông vẫn còn nhiều việc để làm, trước hết truyền thông để mở rộng đối tượng hiến máu, đâu chỉ là các bạn sinh viên học sinh. Dù rằng giới trẻ, sinh viên là những người hiến máu chính, nhưng chúng ta vẫn hy vọng ở đông đảo người lao động, tất cả những người khỏe mạnh trong toàn xã hội, để khi sinh viên nghỉ hè, nghỉ tết thì không phải tạo ra tình trạng khan hiếm máu như hiện nay. Truyền thông cũng cần phải hướng tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các bộ ngành.

Những người làm báo chúng ta còn đứng trước một thách thức nữa là muốn làm truyền thông hay thì phải có sự kiện hấp dẫn, chăm sóc sự kiện sao cho đông vui và sáng tạo. Chúng ta nhắm đến nhiều đích. Không chỉ là người cho máu đến để cho máu, mà người ham vui cũng đến, người tò mò cũng đến. Đến để thấy, để biết, đến để làm cộng tác viên, đến để ta gieo hạt vào lòng và nhận quả cho mùa sau.

Máu của ai cũng đỏ, biển ở đâu cũng mặn. Tinh thần từ ái đó được họa sỹ Trung Hiếu của báo Tiền Phong thể hiện rất thành công ở cái logo Chủ Nhật Đỏ hình hoa sen đầy thiền vị, tạo ra sức gợi, và sức hút và tuệ giác.

Còn nhớ lần đầu năm ấy, thách thức lớn nhất đối với riêng tôi không phải là ý tưởng sáng kiến, không phải là tổ chức sự kiện, mà là lần đầu chọc kim vào người, tôi sợ toát mồ hôi hột. Nay thì đã vượt qua, còn lại dư vị của “lần đầu”. Cam đoan với bạn là “lần đầu” nào cũng hấp dẫn, ly kỳ. Năm 2012 và năm 2014 tôi đều nhận bằng khen của chị Tiến về hiến máu nhân đạo. Tôi thấy mình trưởng thành thêm nhiều từ đó.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.