Cầu Thăng Long cho phép ô tô được lưu thông với vận tốc 80 km/h, tuy nhiên sáng 3/6 nhiều phương tiện lưu thông tại đây chỉ đi với tốc độ dưới 10 - 20/ km/h.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc này, là mặt cầu hiện bị nứt xẻ rãnh, sau đó hình thành các sống trâu, ổ gà khiến việc đi lại của phương tiện gặp nhiều khó khăn. Để không “sa” vào các sống trâu, ổ gà nhiều phương tiện đã chọn giải pháp đi chậm để vừa đi vừa dò đường, khiến các dòng phương tiện thường ùn kéo dài. Tuy nhiên cũng có nhiều phương tiện khi đi lên cầu Thăng Long không biết được mặt cầu đang hư hỏng, xẻ rãnh nên vẫn chạy với tốc độ 80 km/h. Hậu quả khi phát hiện sự cố, phanh gấp hoặc không xử lý kịp, va chạm, tại nạn giao thông đã xảy ra.
Tại vị trí ô lan can từ số 83 đến số 85 có khoảng 100 mét mặt cầu vẫn xuất hiện các vết nứt mạng nhện. Từ các vết nứt này, khi gặp trời mưa cộng với xe tải chạy qua, nền nhựa bong tróc, tạo thành những ổ gà; với trời nắng mặt nhựa sẽ đùn lên thành ụ sống trâu, rất nguy hiểm cho phương tiện qua lại. Tại các vị trí ô lan can số 81, 83 và 85 (giữa cầu), mặt nhựa đường nhiều đoạn bị xô lệch, trồi lên tạo thành những ổ gà ứ đọng nhiều nước mưa. Với đoạn qua ô lan can số 83, nhiều vị trí nhựa đường bị xô lệch và trơ cả bản thép dầm cầu bên dưới.
Cầu Thăng Long được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1985 theo công nghệ của Liên Xô (cũ). Cầu có chiều dài hơn 3,3 km bao gồm 2 tầng, tầng 1 phục vụ đường sắt và hai làn xe thô sơ; tầng 2 phục vụ ô tô. Theo ghi nhận, từ năm 2009 mặt cầu tầng 2 bắt đầu xuống cấp. Từ đó đến nay mặt cầu liên tục được gia cố sửa chữa, trong đó có 2 lần lập thành dự án sửa chữa lớn với kinh phí trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc sửa chữa này cũng chỉ được một thời gian. Đến nay mặt cầu Thăng Long vẫn tiếp tục hư hỏng, xuống cấp, thậm chí phạm vi mức độ còn nhiêm trọng hơn.
Thông tin với PV Tiền Phong, đại diện Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết: Diện tích phải sửa chữa những năm qua trên 10.500m2 tương đương khoảng 40% diện tích toàn mặt cầu. Do mặt cầu được thảm đã lâu lại thực hiện theo công nghệ của Liên Xô cũ nên bây giờ thực hiện theo công nghệ mới này rất khó. Cùng với đó, sau mỗi lần sửa chữa, khi gặp trời nắng hoặc mưa nhiều, mặt cầu lại xuất hiện tình trạng xô lệch do lớp bê tông nhựa kết bám với lớp bản mặt thép dầm cầu bên dưới kém. “Ngoài sửa chữa, gia cố thường xuyên, hiện Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các công nghệ phù hợp để sửa chữa hiệu quả mặt cầu Thăng Long”, đại diện Tổng Cục đường Bộ Việt Nam thông tin.