Maradona và bí mật về ‘Bàn tay của Chúa’

TPO - Huyền thoại Maradona vừa qua đời ở tuổi 60 sau một cơn đau tim. Nhắc đến sự nghiệp lẫy lừng của “Cậu bé vàng”, người ta thường nhớ ngay tới bàn thắng bằng tay của ông vào lưới tuyển Anh ở Tứ kết World Cup 1986. Thế nhưng, có những chuyện đằng sau bàn thắng “Bàn tay của Chúa” mà không phải ai cũng biết.

Thời gian ngừng trôi, trọng tài chính Ali Bin Nasser và trọng tài biên Bogdan Dotchev đứng nhìn nhau chằm chằm như cố lý giải những gì đang diễn ra trên sân nhưng không thể. Không còn cách nào khác, cả hai vị trọng tài chạy về đường giữ sân và công nhận bàn thắng cho Argentina. Đó là trận tứ kết World Cup 1986 trên sân Estadio Azteca ở Mexico City giữa Argentina và Anh ngày 22/6.

Hơn ba mươi năm sau, “Bàn tay của Chúa” vẫn là bàn thắng gây tranh cãi bậc nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Có rất nhiều bức ảnh chụp về khoảnh khắc Diego Maradona giơ tay như đụng trái bóng nhưng không có tấm nào chụp đúng thời điểm tay ông chạm vào cả, hoặc là sớm hoặc là muộn hơn một tích tắc. Và camera hoàn toàn có thể “nói dối”.

Có người chắc như đinh đóng cột rằng Maradona đã dùng tay để mở tỉ số ở phút 51, mà không cần xem lại băng ghi hình. Nhưng bình luận viên Barry Davies (BBC) và nhiều người trên sân lúc đó chỉ nghĩ đến một tình huống việt vị mà thôi. Họ mất đến 30 giây để nghe ngóng về cái gọi là “Bàn tay của Chúa” và đến tận bây giờ, không ai chắc chắn điều gì cả.

Trên sân, chỉ có bản thân Maradona, Peter Shilton và Terry Fenwick (thủ môn và trung vệ tuyển Anh) mới biết chính xác điều gì đã xảy ra. Fenwick đuổi theo trọng tài chính Bin Nasser đến tận vòng tròn trung tâm để cùng với Glenn Hoddle phản đối. Nhưng quá khó cho Bin Nasser, ông không thể tin tưởng 100% vào thứ mà ông không chứng kiến.

Cả hai bàn thắng của Maradona hôm đó mang tính phổ quát như hai mặt của đồng xu vậy. Bàn thứ hai tuyệt đẹp nhưng “Bàn tay của Chúa” là gì? Một con quái vật ư?

Tuy nhiên với người dân Argentina, bàn thắng mập mờ của Maradona là một tuyệt phẩm, với ý nghĩa “trả lại công đạo”.

“Ai cướp được gì của kẻ trộm thì sẽ được tha thứ cả 100 năm”, là khẩu hiệu của hàng ngàn người tại Buenos Aires ngay sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Mối quan hệ giữa Anh và Argentina khi đó đang rất căng thẳng bởi tranh chấp quần đảo Falkland/Malvinas.

Trước trận đấu, giới truyền thông  ở cả hai quốc gia lên cơn sốt, vẽ ra những kịch bản kịch tính trước trận. Nhưng những gì diễn ra trên khán đài sân Azteca không nóng chút nào.

Trước giờ bóng lăn, các cầu thủ Argentina trao cho mỗi đồng nghiệp đối phương một bức tranh như cử chỉ thể hiện tình hữu nghị hoặc đơn giản là làm dịu những cái đầu nóng trên khán đài. “Quả bom” được tháo ngòi nhẹ nhàng như thế.

Trên khán đài, không khí giãn ra với bia lạnh được phục vụ tận nơi. Mặt trời lên cao, tiếng người ca hát và hò hét – giống như một kỳ nghỉ ở bãi biển. Ước tính, đã có 115 nghìn người đến theo dõi trận đấu – hơn rất nhiều sức chứa 87 nghìn khán giả như thiết kế.

Trên sân, Argentina thư thả chuyền bóng, tìm kiếm khoảng trống, còn Anh như một võ sĩ sợ hãi dám thách thức nhà vô địch hạng nặng thế giới. Đội bóng “quê hương bóng đá” đang bị ru ngủ.

90 giây trước bàn mở tỉ số, thủ thành Shilton vừa phải trổ tài sau một tình huống nguy hiểm, như một lời cảnh tỉnh đến hàng thủ nước Anh. Ông cảm nhận được cái gì đó sắp đến vì tuyển Argentina đang mở toang đường đến khung thành đối phương.

Một cú phất bóng của Terry Butcher (Anh) tạo cơ hội cho Argentina tràn lên phần nữa sân. Bóng qua chân Sergio Batista và Hector Enrique trước khi được Julio Olarticoechea kiểm soát. Maradona là người tiếp theo có bóng để rồi 10 giây sau, lưới tuyển Anh rung lên.

Peter Shilton ngay lập tức chỉ vào tay, “tố cáo” Maradona. Terry Fenwick và Glenn Hoddle đuổi theo khiếu nại trọng tài. Nhưng những tuyển thủ Anh khác lại rất hờ hững, người thì chưa hiểu điều gì xảy ra, người thì trở lại điểm giao bóng còn người thì chỉ đơn giản là đi bộ theo dòng người.

Quay ngược thời gian về 10 giây trước bàn thắng, Maradona cầm bóng từ bên trái lao thẳng trung lộ, tăng tốc và loại bỏ lần lượt 4 cầu thủ tuyển Anh. Butcher áp sát Maradona nhưng ông đã kịp vẩy trái bóng sang bên phải cho Jorge Valdano. Valdano hơi giật mình và không thể khống chế trái bóng. Nhưng đúng lúc này Hodge (tuyển Anh) xuất hiện và có một pha “phá game” với một cú hất bóng ngược về phía khung thành đối nhà một cách vô cùng cẩu thả.

Bóng treo trên cao và chỉ có mỗi Maradona thuận đà nhảy lên tranh chấp với thủ thành Shilton - người vừa có lợi thế chiều cao vừa có thể dùng tối đa sải tay của mình. Nhưng Shilton đẩy bóng hụt và Maradona “bằng một cách nào đó” tiếp xúc làm trái bóng rơi vào lưới.

Ngay cả trước khi bóng lăn qua vạch vôi, cả Shilton và Fenwick đã giơ tay phản đối bàn thắng này. Trong 4 giây sau đó, Maradona khẽ liếc nhìn trọng tài và nhận ra không có tín hiệu nghi hoặc gì từ vị vua áo đen. Ông vẫy tay gọi đồng đội ăn mừng, trong niềm phấn khích vì ghi được một bàn thắng để đời. Thiên thần hay ác quỷ, thiên tài hay tên trộm và dù cho khái niệm “fairplay” bị vấy bẩn thì mọi thứ giờ đều không quan trọng nữa rồi, 1-0 cho Argentina.

Sir Bobbby Robson, Peter Shilton, Tery Butcher và Chris Waddle vẫn còn than phiền về công lý cho tuyển Anh đến tận ngày nay. Shilton yêu cầu Maradona xin lỗi chính thức nhưng “Cậu bé vàng” xin lỗi thế nào về chuyện mà ông ấy không cảm thấy hối hận và không ai chắc chắn pha dùng tay của Maradona có thực sự diễn ra hay không? Theo quan điểm của Maradona, ông đã khôn ngoan đánh bại đối thủ cơ bắp bằng trí tuệ, thế là công bằng! Vì ngay bản thân chữ “công bằng” cũng không phải là một khái niệm tuyệt đối.

Các tờ báo lá cải rên khóc cho tuyển Anh nhưng báo chí truyền thống vẫn tỉnh táo. Họ chỉ ra những điểm hạn chế của “Tam sư” trước Argentina. David Miller của The Times viết rằng tuyển Anh cố gắng ngăn chặn Argentina hơn là chơi thứ bóng đá để thắng trận. Ông so sánh các cầu thủ Anh như một đám nông dân tay không vây quanh một con bò (Maradona) đã bứt xích.

Tờ Daily Mail thì cho rằng bàn thắng của Maradona là một sự ngẫu nhiên. Đúng là ông không thể tính trước sẽ dùng tay đấm bóng vào lưới Anh ở phút 51 nhưng không có nghĩa là trong bản năng của ông không xuất hiện suy nghĩ này: Maradona là người muốn chiến thắng bằng mọi giá, như nhiều ngôi sao thể thao tầm cỡ nước Anh mà thôi.

Năm 2015, Maradona có dịp gặp lại trọng tài chính Ali Bin Nasser. Ông tặng vị cựu trọng tài một chiếc áo với thông điệp “gửi đến người bạn vĩnh cữu”. Bin Nasser tặng lại một bức ảnh chụp vòng tròn trung tâm sân Azteca trước giờ bóng lăn hơn 30 năm trước. Maradona và Shilton cũng đã bắt tay nhau dưới sự chứng kiến của Bin Nasser.

Về phần trọng tài biên Dotchev, ông vẫn bị một số người tẩy chay vì có dính líu đến “Bàn tay của Chúa”. Người đàn ông này có lẽ vẫn chờ Maradona đến thăm nhà nhưng tiếc thay, “Cậu bé vàng” đã về cõi vĩnh hằng.

Theo Clip: Zing
MỚI - NÓNG