Trắng đêm trên tuyến đường cửa ngõ
Khuya 15/1, có mặt tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức, TPHCM, lực lượng CSGT đội Rạch Chiếc thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), công an TPHCM toả ra khắp các làn xe để kiểm tra nồng độ cồn, ma tuý với tài xế xe container, xe khách đường dài… Sau những vụ tai nạn giao thông cướp đi mạng sống của nhiều người, đa số tài xế ủng hộ và chấp hành hiệu lệnh của CSGT.
Sau hơn 2 giờ kiểm tra nhanh hàng trăm tài xế qua trạm, lực lượng CSGT lập biên bản vi phạm hành chính với nhiều tài xế có nồng độ cồn. Dù kiểm tra không có chất kích thích cũng như nồng độ cồn nhưng tài xế Nguyễn Văn Năm (lái xe container, quê Long An) thừa nhận tình trạng tài xế đường dài sử dụng chất kích thích rất phổ biến, nhất là tài xế container, xe khách chạy tuyến Bắc - Nam.
Ông Năm cho biết, hiện nay đa số chủ doanh nghiệp vận tải giao xe và khoán việc cho tài xế để ăn chia. Mỗi chuyến hàng tài xế được hưởng 10% trên tổng chi phí. Muốn thu nhập cao, nhiều tài xế “ôm xe” chạy liên tục dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, kiệt sức. Để giữ tỉnh táo, các tài xế này lựa chọn chất kích thích như ma tuý đá, cỏ Mỹ… “Tôi hoàn toàn ủng hộ CSGT lập các chốt chặn để xử lý tài xế có cồn, chất kích thích bởi những người này không chỉ gây tiếng xấu cho giới tài xế mà còn uy hiếp tính mạng của người tham gia giao thông”, ông Năm nói.
Tuy nhiên, không ít tài xế nồng nặc hơi men tìm mọi cách để chống chế, cãi lý với CSGT hàng giờ đồng hồ, không ký biên bản vi phạm. Bị lực lượng CSGT lập biên bản, xử lý vi phạm, tài xế xe container N.P.P.T biện minh: “Hồi trưa tôi uống có 2 lon bia mà đến giờ (22h đêm) vẫn còn cồn là sao?”.
Còn tài xế N.Q.P (SN 1983, ngụ tỉnh Long An) thì không chịu ký biên bản vi phạm dù thừa nhận sử dụng rượu bia. “Tôi chỉ vi phạm nồng độ cồn, không chở quá tải, hàng quốc cấm tại sao các anh lại áp dụng hình phạt bổ sung?”, tài xế P nói.
Trung tá Nguyễn Văn Hội, Đội trưởng đội CSGT Rạch Chiếc đã đưa Nghị định 46 và các văn bản hướng dẫn để giải thích với tài xế và cho biết người bị xử lý vi phạm hành chính có thể làm đơn khiếu nại nếu thấy CSGT lập biên bản không đúng. Sau nhiều giờ “thương thuyết” bất thành, lực lượng CSGT buộc phải lập biên bản tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe với chữ ký của người làm chứng.
Đề xuất cơ chế riêng
Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, đã yêu cầu PC08 phối hợp với các ban ngành, doanh nghiệp vận tải, các ban quản lý cảng để có kế hoạch công khai, cùng với trung tâm y tế dự phòng kiểm tra ma túy, nồng độ cồn đối với các tài xế xe container, xe tải ra vào cảng. Nếu CSGT gặp khó khăn, công an TPHCM sẽ điều động tổ 363 vào hỗ trợ.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC08, Công an TPHCM cho biết sắp tới sẽ xin cơ chế đặc thù cho TPHCM để xử lý vi phạm giao thông. “Cùng một hành vi vi phạm ở các địa phương khác xử lý theo luật hiện nay nhưng riêng TPHCM sẽ đề xuất cơ chế riêng để có chế tài mạnh hơn, đủ sức răn đe với tài xế. Đặc biệt là tài xế sử dụng bia rượu, chất kích thích”, ông Phong nói.
Tổng kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy
Ngày 16/1, Cục CSGT cho biết vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm soát ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải hàng hóa nhằm ngăn chặn, xử lý các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và lễ hội đầu xuân. Trọng tâm của đợt cao điểm (từ 21/1 đến 21/2) là xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm.
Theo đó, các tổ tuần tra được dừng phương tiện tham gia giao thông, kiểm soát 4 loại giấy tờ theo quy định (GPLX, đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…). Sau kiểm tra hành chính, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát sẽ kiểm tra nồng độ cồn và dấu hiệu sử dụng ma tuý.
Nguyễn Hoàn
Trong thời gian cao điểm Tết Nguyên đán 2019, lực lượng CSGT trên 24 quận huyện sẽ tổ chức các tổ chốt chặn để thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích với tài xế. Đặc biệt là khu vực các bến xe, cảng hàng hoá, cửa ngõ thành phố từ 18h đến 2h sáng hàng ngày.