Mạnh tay với chó thả rông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước tình trạng chó không rọ mõm được thả rông nơi công cộng, gây ô nhiễm và đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng, nhiều địa phương như TPHCM, Bình Dương đang quyết liệt xử lý, phạt nguội chủ vật nuôi.

Ngày càng bất an

Theo ghi nhận của phóng viên vào những ngày gần đây, chó thả rông, không được rọ mõm và không có dây đeo cổ vẫn xuất hiện nhan nhản trên nhiều tuyến đường, khu vực dân cư đông đúc của TPHCM, gây bất an cho cộng đồng.

Mạnh tay với chó thả rông ảnh 1

Đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) trong một lần ra quân bắt chó thả rông. Ảnh tư liệu: Hữu Hướng

Chị Nguyễn Khánh Phương (ngụ quận 8, TPHCM) kể: “Có lần tôi đang đi công việc trên đường Hồng Bàng (quận 11) thì có điện thoại. Tôi dừng xe, tấp vào lề đường để nghe máy thì bỗng dưng có một con chó không đeo vòng cổ, không dây xích, không được rọ mõm chạy đến trước mặt gầm gừ và sủa, trông rất dữ tợn. Tôi thực sự hoảng sợ, phải nhanh chóng rời đi, vừa chạy xe, vừa lo con chó chạy theo tấn công”.

Tại khu dân cư Nam Hùng Vương (quận Bình Tân), buổi chiều thường rất đông người, trong đó có nhiều trẻ em đến công viên ở khu vực này để dạo mát. Đáng nói, nhiều “cún cưng” không rọ mõm cũng được thả rông vào công viên gây lo lắng, bất an cho những người xung quanh.

Phạt “nguội”

Mạnh tay với chó thả rông ảnh 2

Lực lượng chức năng bắt chó thả rông ở Bình Dương. ảnh: H.C

Trước tình trạng chó thả rông ngày càng phổ biến và bệnh dại đang diễn biến phức tạp, đã có 59 trong tổng số 312 phường, xã, thị trấn ở TPHCM thành lập tổ bắt chó thả rông. Trong đó, riêng quận Gò Vấp có 12 đội, quận 12 có 11 đội, quận 7 có 10 đội và TP Thủ Đức có 5 đội.

Là địa phương đầu tiên tại TPHCM lập đội bắt chó thả rông. Đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cho biết, từ khi đi vào hoạt động (tháng 11/2022), đến nay, phường đã xử phạt hơn 100 trường hợp thả rông chó không rọ mõm ra đường, khu vực công cộng, để vật nuôi phóng uế bừa bãi. Đối với số chó bị bắt, UBND phường Hiệp Bình Chánh sẽ thông báo cho chủ vật nuôi lên nhận lại sau khi nộp phạt theo quy định.

“Sau 48 giờ, nếu không có người đến nhận, chó sẽ được giao cho đơn vị có chuyên ngành thú y để nghiên cứu khoa học hoặc xử lý theo quy định. Để nhận lại vật nuôi, chủ nhân phải xuất trình được sổ tiêm ngừa và nộp phạt 400.000 đồng vì thả rông chó và 1,5 triệu đồng nếu không rọ mõm. Nếu không có sổ tiêm, chủ phải đăng ký tiêm cho chó sau đó mới được đem về nhà”- đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh cho hay.

Bà Phan Thị Hoàng Lan - Chủ tịch UBND phường 16 (quận Gò Vấp) cho biết khi phát hiện chó thả rông, người dân có thể thông tin đến phường thông qua nhóm tin nhắn của từng khu phố hoặc số điện thoại đường dây nóng của phường để xử lý.

Tại Bình Dương, lực lượng chức năng ở cơ sở cũng tiến hành tuần tra trên nhiều tuyến đường để bắt chó thả rông. Ở TP Thuận An (tỉnh Bình Dương), ngoài tổ chức tuyên truyền về quản lý, không để chó, mèo không rọ mõm chạy ra đường, mỗi phường, xã thành lập một đội xử lý chó thả rông.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Thuận An - Nguyễn Thanh Tâm, việc xử lý vi phạm khá phức tạp. Chó bắt về phải nhốt, cho ăn và thông báo cho chủ đến nhận trong vòng 48 giờ, nếu chủ không đến nhận phải đưa chó đến một đơn vị có uy tín phục vụ công tác nghiên cứu chứ không phải tùy tiện định giá và xử lý.

Ngoài bắt giữ chó, có địa phương còn tổ chức phạt nguội những trường hợp chủ nuôi để chó lang thang ngoài đường.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Minh, Bí thư Đảng ủy phường Hiệp Thành (TP Thủ Dầu Một) cho biết, chính quyền địa phương đã thông báo, tiếp nhận hình ảnh, clip ghi lại các trường hợp người dân thả rông chó. Sau khi xác minh, chính quyền địa phương sẽ phạt nguội chủ vật nuôi.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TPHCM cho biết, theo số liệu đăng ký chưa đầy đủ, toàn thành phố đang có ít nhất 183.700 con chó, mèo được nuôi tại hơn 100.000 hộ gia đình.

MỚI - NÓNG