Tiết lộ với PV Tiền phong, một dân buôn đồng hồ hàng hiệu cho biết, hiện nay, trên thị trường đang xuất hiện không ít những gian thương nghĩ ra rất nhiều các chiêu trò tinh vi để tiêu thụ các loại đồng hồ nhái với giá… hàng thật.
Cụ thể hơn, bên cạnh việc trà trộn giữa hàng thật và hàng giả, một số gian thương còn nghĩ ra cách “hợp thức hoá” giá trị của những chiếc đồng hồ “super fake” với những loại tem, nhãn, hộp đựng y như hàng thật để khách tin tưởng.
Không chỉ thế, một số cửa hàng còn sẵn sàng nhận “thẩm định” đồng hồ. Mặc dù trên thực tế, đại diện một số hãng đồng hồ chính hãng cho biết, các hãng đều không nhận thẩm định “chéo” với các hãng đồng hồ không phải do mình sản xuất và cũng không cấp bất kì loại giấy tờ nào liên quan đến việc thẩm định. Muốn biết đồng hồ chính hãng hay không chỉ có cách duy nhất là kiểm tra code của sản phẩm và giấy tờ hợp lệ.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay trên mạng xã hội và trên thị trường đã xuất hiện một số dịch vụ nhận “thẩm định” công khai dựa trên … “kinh nghiệm” của thợ sửa đồng hồ.
Trao đổi với Tiền phong, không ít thợ sửa đồng hồ có tiếng ở Hà Nội cho biết, việc thẩm định này hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết về các loại đồng hồ của người thẩm định. Chính vì vậy, rất dễ có thể xảy ra sai sót và cũng không ai dám chắc chắn 100% việc thẩm định là chính xác tuyệt đối.
Chính vì vậy, việc thẩm định chỉ mang tính chất tham khảo chứ không thể cho rằng đó là cơ sở để khẳng định 1 chiếc đồng hồ là hàng chuẩn 100%. Chỉ có thể khẳng định đó là đồng hồ chính hãng nếu đủ giấy tờ và mã code của nhà sản xuất. Thông tin nay hẳn sẽ khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi giật mình khi đi mua đồng hồ và được “thẩm định” hàng thật.
Thực tế, cũng đã có không ít vụ việc xảy ra thời gian qua liên quan đến vấn đề thẩm định đồng hồ khiến dư luận càng thêm phần “hoang mang”. Đơn cử gần đây nhất là vụ việc của người dùng có tên Vũ Ngọc Dũng đã chia sẻ câu chuyện khi mua phải một chiếc đồng hồ nhãn hiệu Maurice Lacroix “fake” mặc dù đã qua thẩm định tại 2 cửa hàng đồng hồ uy tín.
Theo chia sẻ của anh Dũng, khi phát hiện chiếc đồng hồ có nhiều điểm đáng ngờ, anh này đã mang đi kiểm tra tại hệ thống cửa hàng Xwatch. Điều đáng nói là nhân viên kỹ thuật ở đây khẳng định: Chiếc đồng hồ là hàng thật, bản limited (giới hạn), không đụng hàng với các bản khác. Đồng thời, còn cung cấp “Giấy chứng nhận” số hiệu: 5535 ngày 21/6 khẳng định chiếc đồng hồ là chính hãng.
Câu chuyện khiến nhiều người giật mình hơn đây là một chiếc đồng hồ “fake” nhưng lại vẫn được “thẩm định” là hàng thật. Sau đó 2 ngày, ngày 23/6, hệ thống đồng hồ Xwatch đã gọi điện cho khách hàng để thẩm định lại chiếc đồng hồ. Hệ thống này cũng khẳng định có sai sót trong thẩm định chiếc đồng hồ Maurice Lacroix. Đồng thời, xin đền bù toàn bộ thiệt hại phát sinh. Ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện Cty CP Xwatch quốc tế cũng thừa nhận, có sai sót trong quá trình thẩm định chiếc đồng hồ nêu trên.
Ông Sơn cũng cho biết: “Với mức độ làm giả ngày càng tinh vi như hiện nay, sai sót trong kiểm định là khó tránh khỏi, chúng tôi cố gắng nâng cao chất lượng của đội ngũ thẩm định, cố gắng để sai sót không quá 2%”.
Hiện tại, một số chuỗi cửa hàng đồng hồ lớn trên địa bàn Hà Nội đều có thêm các dịch vụ về thẩm định các loại đồng hồ giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được sản phẩm của mình có phải hàng chính hãng hay không, cũng như tạo niềm tin trong mua bán. Tuy nhiên, sự việc của khách hàng tên Dũng hẳn sẽ khiến nhiều người đặt dấu hỏi lớn về “giấy thông hành” cho đồng hồ thật (!?).
Chia sẻ với PV Tiền phong, một dân buôn đồng hồ khác tại Hà Nội cho biết, thực tế “giấy thông hành” cho đồng hồ thật như ở Xwatch thực ra không phải hình thức mới. Trong giới buôn đồng hồ, ngoài những biển hiệu “đồng hồ chính hãng” các dịch vụ kiểu này cũng nở rộ từ lâu nhưng đa phần chỉ khi khách mua hàng tại các cửa hàng này mới được giới thiệu như một hình thức “bảo hành” và cũng là “mánh” tạo niềm tin cho khách.