Măng tươi 'ngậm' hóa chất hai năm không hỏng

Măng tươi 'ngậm' hóa chất hai năm không hỏng
Thời điểm chính vụ của măng tươi từ tháng năm đến tháng chín (âm lịch), nhưng hiện nay măng được bày bán quanh năm và đặc biệt măng lúc nào cũng tươi ngon, hấp dẫn.

> Tận thấy làng nghề làm miến bằng chân, phơi ở bãi tha ma

Măng được ngâm hóa chất trước khi bán ở chợ
Măng được ngâm hóa chất trước khi bán ở chợ.

Dân buôn măng mới mua được hóa chất

Chợ đêm Văn Quán, chợ Hà Đông là đầu mối cung cấp măng tươi lớn cho Hà Nội và các địa phương khác. Từ 2 - 5h sáng, những chiếc xe tải chở măng tươi từ Hòa Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang ùn ùn kéo về. Những thương lái chuyên buôn măng cùng dân buôn thoăn thoắt dỡ hàng xuống, chọc hết nước trong các túi măng, sau đó cân măng và chở đi khắp nơi tiêu thụ.

Tại chợ Hà Đông - bán buôn, bán lẻ măng tươi lớn ở Hà Nội - nhờ vào người quen, chúng tôi được đưa đến một cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng măng tươi 30 năm nay.

Chủ cửa hàng cho biết, vào mùa măng lấy về hàng chục tấn, phải dùng hóa chất ngâm chống thối, làm trắng để bán dần. Vì lợi nhuận, nhiều cửa hàng còn dùng cả chất phẩm màu để nhuộm măng có màu vàng hấp dẫn, thậm chí cho thêm đường hóa học để măng ngọt, mềm.

Chủ cửa hàng này tiết lộ, quy trình ngâm hóa chất cho măng rất đơn giản: Chỉ việc hòa hóa chất vào nước khuấy đều rồi xếp măng vào buộc kín, cho vào thùng đậy kỹ nắp rồi dùng bán dần. Tuy nhiên, khi hòa hóa chất phải đeo găng tay, bịt khẩu trang kín, không được để hóa chất dính vào da.

Chúng tôi tiếp tục đến một đại lý cung cấp măng tươi ở phường Quang Trung, quận Hà Đông. Tại đây có đến hàng trăm thùng phuy ngâm măng rêu mốc, bụi bặm, sặc mùi chua, phía ngoài cửa là những thau măng to nổi lớp váng trắng và có thau còn có vài ba con ruồi chết.

Trong vai là con của chủ cửa hàng bán măng ở chợ Hà Đông, tôi đến mua hóa chất ngâm măng. Người phụ nữ làm thuê ở đây tay, chân, miệng được bịt kín mít bởi găng tay cao su, ủng và khẩu trang đang gọt măng củ và vớt măng từ phuy ra chậu. Khi tôi lân la hỏi về sự kỳ diệu của hóa chất chống thối cho măng thì lập tức người phụ nữ đuổi tôi ra ngay khỏi cơ sở.

Đến khu tầng hai chuyên bán hàng khô tại chợ Hà Đông để tìm hiểu về hóa chất ngâm măng; hỏi một vài cửa hàng thì được biết, họ chỉ bán loại thuốc “thần kỳ” đó cho khách quen mà không bán cho khách lạ và nhất định không cho xem hàng trước.

Loại hóa chất dùng ngâm măng
Loại hóa chất dùng ngâm măng.

Măng thối biến thành măng tươi nhờ hóa chất

Theo đúng quy trình, măng tươi sau khi thu hoạch sẽ được luộc kỹ qua nhiều lần nước, lửa phải đều và ngâm khoảng hai ngày thì măng mới mềm, chua, ngon ngọt, hết đắng. Nhưng để giảm chi phí, giảm công luộc măng, người buôn măng đã sử dụng một loại hóa chất giúp măng chua ngon, giòn mềm và có thể để được đến hai năm mà không lo thối và bán khi trái vụ.

Đặc biệt, loại hóa chất này không chỉ chống thối cho măng mà còn có tính năng “ tắm trắng kỳ diệu”- biến măng thâm đen thành măng trắng sau một giờ. Muốn măng càng trắng và mềm thì bỏ nhiều hóa chất hơn.

Chủ một cửa hàng bán các loại hóa chất tại chợ Hà Đông cho biết: “Hóa chất ngâm măng dạng bột, màu trắng, tay dính phải thì thấy hơi nóng và rát, nó có mùi thối rất khó chịu, buồn nôn khi ngửi phải. Được đóng trong bao tải lớn, khi có khách hỏi mua thì xúc ra bán lẻ”.

Hóa chất ngâm măng có giá 60.000đ/1kg. Với 1kg có thể ngâm được vài tạ măng. Nhờ hóa chất, măng còn nở ra và nặng cân, vì vậy dân buôn măng sẽ thu lãi ''khủng'', nhất là những tháng trái vụ mùa măng tươi. Hiện nay, măng tươi bán tại các chợ quảng cáo là chỉ ngâm với nước muối, nhưng thực chất đã được các tiểu thương ướp thuốc, tấy trắng trước khi mang ra chợ.

Theo một số tiểu thương buôn măng tươi, cách dễ nhất để nhận biết măng ngâm hóa chất là có măng màu trắng nhợt nhạt, hoặc màu vàng sẫm do măng được ngâm với bột măng (màu vàng). Còn măng tươi tự nhiên thường có màu vàng tươi nhạt. Măng ngâm hóa chất ăn ngọt ngon và giòn hơn măng tươi tự nhiên.

Theo Nguyễn Thu
Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG