PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, nhắc đến cột mốc năm 1996, khi em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ra đời, đây là thời điểm đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong điều trị hiếm muộn tại nước ta.
“Đến nay, Việt Nam đã có 53 trung tâm hỗ trợ sinh sản. Tuy đi sau thế giới 2 thập niên, nhưng hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về hỗ trợ hiếm muộn đều có thể triển khai được tại Việt Nam. Điều đặc biệt là chi phí điều trị thấp hơn nhiều so với các nước, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến”, vị Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nhấn mạnh.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (ảnh: Thiên Chương) |
Kể về những tiến bộ trong hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết đề cập đến phác đồ kích thích buồng trứng được rút ngắn đáng kể. Trong thập niên 90, chu kỳ kích thích buồng trứng kéo dài 1 tháng và người bệnh phải tiêm khoảng 40 mũi thuốc, nhưng hiện nay chỉ cần chích 10-14 mũi tiêm trong vòng 10-14 ngày với cùng chu kỳ.
Bà Tuyết thông tin thêm, pháp luật Việt Nam hiện cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc này giúp phụ nữ bị tổn thương, lạc nội mạc tử cung hay suy tim, suy thận giai đoạn cuối… tưởng chừng không còn hy vọng đã được làm mẹ.
Bên cạnh đó, thu nhận tinh trùng bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn (TESE) cũng là kỹ thuật được Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đánh giá mang lại hiệu quả cao. TESE (viết tắt của cụm từ Testicular Sperm Extraction) giúp nam giới vô tinh có thể làm cha bằng cách lấy tinh trùng từ tinh hoàn rồi mang đi thụ tinh trong ống nghiệm.
Ngoài ra, quy trình ROSI (viết tắt của cụm từ Round Spermatid Injection) tức tiêm tinh trùng non vào bào tương trứng cũng giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn, mong muốn có con. Ngày 13/5/2022, Bệnh viện Hùng Vương chữa vô sinh thành công cho hai trường hợp người bố không có tinh trùng bằng kỹ thuật “ghép đôi” thành công tinh tử (tinh trùng non tháng) của người bố với trứng của người mẹ. Đây được xem là tin vui và là bước đột phá cho việc điều trị hiếm muộn tại Việt Nam.
Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày càng phát triển giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn thực hiện được thiên chức làm cha mẹ |
Một bước phát triển khác được PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết chỉ ra là nuôi cấy phôi với hệ thống quan sát liên tục (Time lapse). Phương pháp này góp phần gia tăng tỷ lệ có thai và tỷ lệ sinh sống, vì phôi được đánh giá chính xác hơn so với việc đánh giá bằng một hình ảnh vào các thời điểm. Chẩn đoán di truyền phôi trước làm tổ cũng giúp bệnh nhân lớn tuổi, sẩy thai liên tiếp, bất thường di truyền... sàng lọc được những phôi khỏe mạnh để chuyển vào buồng tử cung.
Ngoài việc giúp các cặp vợ chồng có thể thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ, các kỹ thuật hiện đại trong hỗ trợ sinh sản còn góp phần nâng cao chất lượng dân số, hạn chế chấm dứt thai kỳ do dị tật bẩm sinh. Với bệnh nhân ung thư phải hoá trị, xạ trị, người bệnh có thể trữ mô buồng trứng để bảo tồn khả năng sinh sản.
Nội dung trên là những tóm lược của bài tham luận “Những thành tựu vượt bậc trong điều trị hiếm muộn” sẽ được PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết trình bày trong Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN” do Bộ Y tế phối hợp với Báo Tiền Phong và các đơn vị liên quan tổ chức vào sáng 19/10.
Hội thảo sẽ được chia thành 2 phiên chuyên đề, phiên chuyên đề 1: Phát triển y tế chuyên sâu chăm sóc người bệnh trong nước và quốc tế; phiên chuyên đề 2: Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN với các diễn giả đến từ Bộ Y tế, các Sở Y tế, bệnh viện và các trường đạo tạo sức khỏe. Hội thảo diễn ra trực tiếp tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (số 215 đường Điện Biên Phủ, P.25, Q. Bình Thạnh, TPHCM) và trực tuyến trên các nền tảng số của báo Tiền Phong cùng các đối tác phối hợp tổ chức.