Mãng cầu xiêm là “thần dược” trị ung thư?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Kết quả nghiên cứu từ Đại học Cơ đốc giáo Hàn Quốc cho thấy, trái mãng cầu xiêm có tác dụng điều trị ung thư hơn gấp vạn lần các hóa chất đang được ngành y tế thế giới sử dụng. Phát hiện này khiến nhiều người kỳ vọng...

Không chỉ đến khi có thông tin từ Đại học Cơ đốc giáo Hàn Quốc. Trước đó, y bạ thế giới đã ghi nhận nhiều nghiên cứu được công bố trong khoảng thời gian từ năm 1940 đến năm 1962 cho thấy, vỏ thân và lá mãng cầu xiêm có những tác dụng làm hạ huyết áp, chống co giật, làm giãn nở mạch máu, thư giãn cơ trơn khi thử trên thú vật.

Từ xa xưa, người dân ở các nước châu Phi và Nam Mỹ đã sử dụng mãng cầu xiêm để điều trị những chứng bệnh do nhiễm virus hoặc ký sinh trùng, bệnh thấp khớp, viêm khớp, trầm cảm… Tại Brazil, lá mãng cầu xiêm còn được nấu thành trà trị bệnh gan; dầu ép từ lá và trái còn non, trộn với dầu ô liu được dùng làm thuốc thoa bên ngoài trị thấp khớp, đau sưng gân cốt.

Ngoài ra, các bộ phận của cây mãng cầu cũng được nhiều nước trên thế giới chế thành những loại thuốc trị nóng sốt, giúp sinh sữa và trị tiêu chảy, đau nhức, chống co giật, ho, suyễn, chống thiếu vitamin C…

Mãng cầu xiêm chữa được ung thư chỉ là tin đồn

Mãng cầu xiêm tuy có một số tác dụng nhất định, nhưng thông tin trị được ung thư vẫn chưa hề được phê chuẩn bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cũng như các tổ chức y tế lớn có uy tín trên thế giới thừa nhận.

Tổ chức Nghiên cứu Ung thư của Anh khẳng định: “Chưa bao giờ có nghiên cứu rộng rãi trên cơ thể con người về tác dụng chữa ung thư của mãng cầu xiêm, và tất nhiên là không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể chữa được ung thư. Nhiều trang web trên internet quảng cáo viên mãng cầu xiêm là thần dược chữa bệnh ung thư, nhưng hầu hết chúng không được hỗ trợ bởi bất kỳ tổ chức khoa học có uy tín về ung thư”.

Có thời toàn thế giới xôn xao về giá trị chữa ung thư của cây đu đủ. Người bệnh nào cũng phơi khô lá cây đu đủ và uống thay nước mong chiến thắng được ung thư ác tính. Nhưng kết quả đều thất bại. Những tin đồn thường bắt đầu xuất hiện ở một trang mạng xã hội nào đó rồi lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Một đồn mười, mười đồn trăm và thông tin đó hiển nhiên thành sự thật. Thực tế, Bệnh viện K đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân gặp biến chứng hoặc tăng tế bào ung thư lên nhanh chóng khi họ sử dụng tùy tiện thuốc lá, thuốc Đông y, thuốc Nam trong điều trị ung thư.

Trong bài viết của mình, tổ chức Tổ chức Nghiên cứu Ung thư của Anh cũng nhắc đến các nhà sản xuất thuốc viên chiết xuất từ mãng cầu xiêm như một gợi ý vì sao tin đồn này lan truyền. Thực tế, khi thông tin mãng cầu xiêm chữa ung thư chưa được kiểm chứng thì trên thị trường đã nhan nhản viên mãng cầu và nước ép mãng cầu. Vô tình hay hữu ý, những tin đồn này làm lợi cho nhà sản xuất và sản phẩm của họ. Nếu mọi người vội vàng nghe theo, bỏ dở các liệu trình hoá trị, xạ trị... thì nguy hiểm vô cùng.

TS. Thanh Minh, Chuyên ngành Di truyền - Ung thư, Đại học Y khoa Albert Einstein, New York (Hoa Kỳ) nhấn mạnh: Tính đến thời điểm này, hoá trị, xạ trị và phẫu thuật vẫn là những biện pháp duy nhất chữa ung thư hiệu quả. Áp dụng phương cách trị liệu chỉ dựa vào lời đồn đại sẽ làm mất thời gian vàng cho trị liệu đúng cách. Một chế độ ăn uống ít mỡ, ít thịt, ít mặn, ít rượu bia, không thuốc lá, nhiều cá, nhiều rau, nhiều trái cây, và thể thao đều đặn mỗi ngày ít nhất 30 phút có thể ngăn chặn được bách bệnh, bao gồm cả ung thư.

Một số công dụng khác của mãng cầu xiêm được ghi nhận

1. Chữa bệnh chàm: Lá mãng cầu xiêm được dùng như bài thuốc làm giảm bệnh chàm trên da.

2. Chữa huyết áp cao: Dùng vỏ trái hay lá mãng cầu xiêm, sắc chung với rễ nhàu và rau cần thành nước uống (bỏ bã) mỗi ngày.

3. Chữa bệnh hen suyễn: Vỏ cây không chỉ giúp ngừa bệnh hen suyễn mà còn giúp an thần. Loại trà chế biến từ lá mãng cầu xiêm giúp làm dịu thần kinh khi bị căng thẳng, đem lại giấc ngủ ngon.

4. Chữa bệnh đường niệu, sỏi thận: Nước ép thịt quả mãng cầu xiêm có tác dụng trị bệnh về đường tiết niệu, tiểu ra máu và bệnh đau gan. Nước sắc từ rễ hoặc lá còn non giúp trị bệnh sỏi thận.

5. Chữa bệnh tiêu chảy, nôn mửa: Hoa mãng cầu xiêm làm giảm chứng tiêu chảy mạn tính.

6. Chữa đau nhức các khớp: Nghiền nát lá đắp lên chỗ khớp bị đau nhức sẽ thấy hiệu quả rất rõ rệt.

7. Chữa viêm tấy, điều trị vết thương: Chiết xuất từ vỏ cây, cuống, lá và rễ của cây mãng cầu xiêm có công dụng kháng khuẩn gây mầm bệnh và nấm gây bệnh. Nước sắc cô đặc từ lá mãng cầu xiêm giúp ngừa viêm tấy rất hữu hiệu. Phần nạc (trong quả) dùng làm thuốc đắp lên vết thương giúp mau lành.

8. Ngừa giun sán: Hạt mãng cầu xiêm nghiền nát uống giúp trị giun sán, ký sinh trùng (rễ cây cũng có tác dụng tương tự).

9. Bồi dưỡng sức khỏe: Thành phần vitamin B, C của nạc mãng cầu xiêm dùng để chế biến món sinh tố, kem, nước ép rất tốt cho cơ thể.

10. Đề phòng cao huyết áp: Lá mãng cầu xiêm được dùng để uống như trà giúp ngừa huyết áp.

Khuyến cáo

Mãng cầu xiêm được khuyến cáo không nên dùng trong các trường hợp phụ nữ có thai. Lá, rễ và hạt có tác dụng gây hạ huyết áp, ức chế tim, người dùng thuốc trị áp huyết khi muốn sử dụng mãng cầu xiêm cần tham khảo ý kiến thầy thuốc điều trị. Với bệnh Parkinson cũng vậy, mãng cầu xiêm có thể làm cho các triệu chứng của bệnh tồi tệ hơn.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG