'Mầm' vô cảm mọc lên trong chính gia đình

Xã hội đang báo động về lối sống, cách ứng xử thờ ơ, lạnh lùng, bạo lực của một bộ phận những người ích kỉ và mang cái “tôi” quá lớn. Và đáng lo nhất là thái độ vô cảm của lớp trẻ, nhất là giới học sinh, khi mà tình trạng bạo lực học đường liên tiếp xảy ra.

Khi một đứa trẻ biếng học, ham chơi, kéo bè kéo cánh đánh nhau, người ta thường đổ lỗi cho giáo dục của nhà trường, đổ lỗi cho thầy cô đã không dạy dỗ đến nơi đến chốn. Nhưng phụ huynh có bao giờ nghĩ rằng “mầm” vô cảm ấy đã vô tình ươm lên từ trong chính mỗi gia đình?

Cạnh nhà tôi có cô bé học lớp 7 ở một trường thành phố thuộc vào hàng “anh chị” nổi cộm. Ngay từ năm lớp 6, cô bé ấy đã xích mích, đánh nhau đến rách mặt, sưng chân với bạn cùng trường. Sau khi cô giáo mời phụ huynh, mẹ cô bé phát biểu một câu vô tâm: “Nó mới cắt móng tay đó, không thì mấy đứa kia thê thảm hơn với nó rồi!”. Vẫn biết là bố mẹ có nhắc nhở, trách phạt nhưng câu nói ấy vô tình cổ vũ cho thói côn đồ, bạo lực và tư tưởng hơn thua trong cuộc ẩu đả ấy.

Sinh trưởng trong gia đình, con trẻ bị ảnh hưởng trước hết bởi nếp sống, nếp nghĩ của chính bố mẹ và anh chị em. Với cô bé kể trên, người bố la cà nhậu nhẹt suốt ngày chẳng thể là “bóng cổ thụ” để con nương tựa và noi theo. Người mẹ ham mê nghiên cứu đề đóm mấy khi quan tâm được việc con học thế nào, con chơi với ai.

 Người anh trai học cấp 3 trốn học như cơm bữa với tóc tai lòe loẹt. Vậy đó, quanh cô bé toàn là những “tấm gương” xấu. Sao một đứa trẻ mới hơn 10 tuổi có thể phân biệt tốt xấu, uốn nắn đúng sai để tự điều chỉnh hành vi, thái độ của bản thân? Những bài học về đạo lí, nhân cách, truyền thống tốt đẹp ở trường chỉ là một đống lí thuyết khô khan cần được ứng dụng vào thực tiễn nhưng thực tế xung quanh lại chẳng hướng đến điều thiện, điều tốt.

Xem các clip đánh nhau của học sinh, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng vì hành động nhẫn tâm của các con mà còn chính vì ngôn ngữ “chợ búa” của các em. Các em có thể chửi, bới, rủa, xả vào chính những nạn nhân là bạn cùng lớp, cùng trường của mình. Những ngôn ngữ ấy ở đâu ra? Hay chính là những từ ngữ mà các em nghe quen tai bởi những người xung quanh mình? Khi người lớn văng tục, có thể đơn thuần vì họ quen miệng. Nhưng mấy từ ngữ ấy sẽ đi vào tai con trẻ, mỗi ngày một ít, thế là trở thành vốn từ của bản thân các em.

Tư tưởng “tương thân tương ái” của con trẻ đôi lúc bị bố mẹ làm thui chột bởi chính hành động vô tâm, vô tư. Gặp một người ăn xin, người lớn đôi lúc ngoảnh mặt làm ngơ và thậm chí nói mấy câu châm chọc. Con của người ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết cầm một đồng tiền lẻ cho đi. Nhà hàng xóm xích mích, người lớn liền đóng cửa để tránh liên lụy, phiền phức. Con của người ấy có thể sống bàng quang, bỏ mặc bạn bè bị ức hiếp mà không giúp đỡ, can ngăn là điều tất nhiên.

Thêm vào đó là sự quản lí quá chặt hoặc quá lỏng lẻo của khá nhiều gia đình cũng góp phần không nhỏ vào việc đẩy các con đến gần hơn với vô cảm. Có gia đình thì ép con học miệt mài, học trường rồi học thêm với những mục tiêu điểm số quá cao. Vô tình các con bị tách rời với cuộc sống muôn mặt và nảy sinh thái độ sống vô tâm với người thân, người xung quanh và chính cảm xúc của bản thân mình. Mà vô tâm với vô cảm chỉ cách nhau một khoảng cách cực nhỏ. 

Có gia đình lại quá thoải mái trong việc chơi và giao du của trẻ. Họ coi rằng cho con đi học, ăn mặc đầy đủ là xem như hoàn thành nghĩa vụ làm bố làm mẹ. Họ không hề biết con học hành ở trường thế nào, giao lưu với bạn bè ra sao. Chỉ đến khi giáo viên mời phụ huynh đến gặp mặt trao đổi thì mới “té ngửa”. Thế là một chiến dịch quản con bắt đầu, nhưng chỉ một thời gian là đâu lại đấy. Bố mẹ có việc của bố mẹ, con cứ mặc sức kết bạn, gây mâu thuẫn và dọa nạt, đánh nhau.

Đúng là người ta đã kê đơn rất nhiều loại thuốc để chữa căn bệnh vô cảm của lớp trẻ. Nhưng các loại thuốc ấy thật sự vẫn còn nằm trên giấy. Giáo dục chưa có sự điều chỉnh thích hợp để giảm kiến thức khô khan, tăng giáo dục kĩ năng sống. Nhà trường tạo ra môi trường thân thiện nhưng vẫn còn là những hoạt động đơn lẻ, phong trào. Mỗi gia đình cần quan tâm con nhiều hơn, làm bạn với con, định hướng chân - thiện - mĩ cho con trẻ nhưng có mấy ông bố bà mẹ lắng nghe, thay đổi đâu.

Là phụ huynh, yêu thương con và mong muốn đem lại cho con một cuộc sống tốt đẹp, chúng ta cần tự mình nhận thức và chữa căn bệnh vô cảm cho chính con em mình

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.