Giáo viên Nguyễn Hằng (Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, An Giang) chia sẻ: “Một trò chơi giết chóc nhau, hay đánh nhau để lấy thứ này thứ nọ; Một quyển truyện tranh có những hành động bạo lực để giải quyết vấn đề; Một bộ phim hoạt hình có nội dung tương tự (các phim như siêu nhân Grow, robo trái cây chẳng hạn)… tất cả đang xuất hiện hàng ngày trước mắt chúng ta và các em. Từ việc mắt thấy tai nghe hàng ngày đã dần ảnh hưởng vào đầu óc trẻ thơ.
Hơn thế nữa, phần lớn người Việt chúng ta lại có quan niệm “thương cho roi cho vọt” nên mỗi khi con cái không ngoan đều lấy việc đánh đập làm cách răn dạy. Ở một số gia đình bất hạnh khác, người cha mỗi khi đi nhậu về hay mỗi lần bực tức việc gì liền về nhà trút giận lên vợ con. Tất cả những việc ấy tưởng chừng bình thường nhưng đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn đứa trẻ sau này, dần hình thành ở các em thói quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề”.
Từng chứng kiến nhiều vụ học sinh đánh nhau, từ đánh đấm chân tay đến “đấu võ mồm” trên facebook, thậm chí dùng hung khí để “giải quyết”, cô Nguyễn Hằng nhận thấy, các vụ bạo lực này ngày càng gia tăng làm cho nhiều học sinh lo sợ, hoang mang khi đến trường, phụ huynh cũng không yên tâm.
Ngoài nguyên nhân khách quan bị ảnh hưởng bởi phim ảnh bạo lực, có một nguyên nhân mà ít được các nhà giáo dục, xã hội, cha mẹ quan tâm đúng mức, đó là nguyên nhân tâm lý. Không ai nghĩ đến việc cần ngăn chặn bạo lực học đường từ ngay trong đời sống nội tâm của học sinh.
Nguyên nhân tâm lý bị xem thường nhưng đó lại là nguyên nhân chính. Các em cho rằng việc sử dụng bạo lực nhằm bảo vệ thể diện và danh dự, đặc biệt là với nam giới, chính là thể hiện tính “đàn ông”. Chỉ cần vài câu nói như “đen, lùn, vô duyên”… các em cũng cho rằng mình bị xúc phạm, sỉ nhục và phải “đòi” lại danh dự cho bản thân mình.
Phần lớn các bậc phụ huynh ít có điều kiện quan tâm con em mình nên mỗi khi phát sinh mâu thuẫn các em không có nơi tư vấn nên giải quyết ra sao và giải quyết như thế nào. Không có nơi gửi gắm tâm sự nên mỗi lần bị ức hiếp hay phát sinh mâu thuẫn, các em không biết cách giải quyết, thấy bạn mình dùng vũ lực là các em dùng theo. Hoặc do bị bạn bắt nạt, hăm dọa, các em không có ai để nói nên các em phải vùng lên bởi “tức nước vỡ bờ”: nếu bị đánh mà không đánh lại thì bị cho là “hèn”, “nhịn là nhục” nên “cự là đục” là phương châm của các em.
Các hành động bạo lực này thường mang lại kết quả xấu. Phần lớn các em bị bạo lực hoặc trực tiếp tham gia đều bị ảnh hưởng tâm lý, hoang mang, lo sợ. Em bị đánh thì ám ảnh sợ bạn tiếp tục hành hung mình, em đánh bạn thì lo sợ bị chặn đường đánh lại để “trả thù”.
Cô Hằng tâm sự: “Bản thân tôi từng nhiều năm làm công tác chủ nhiệm nhận thấy rằng nhiều gia đình “giao khoán” cho nhà trường con cái của mình. Khi xảy ra chuyện thì trách cứ hay quy trách nhiệm cho trường.
Hầu hết các em đánh nhau đều bị trường mời phụ huynh vào xử lý và phần lớn phụ huynh không biết con em mình có mâu thuẫn với bạn hay đánh bạn. Bản thân tôi nhận ra rằng, nếu gia đình thường xuyên quan tâm, tư vấn hay hướng các em đến những hành vi vui chơi lành mạnh, bổ ích sẽ giảm bớt tình trạng bạo lực và những hành vi phát sinh bạo lực”.