Theo nội dung thông báo mà Malaysia mới gửi cho các nước Đông Nam Á, ở SEA Games 29 sắp tới, với vai trò chủ nhà, Malaysia sẽ không nhận làm hạt giống cùng với đội ĐKVĐ Thái Lan (hạt giống số 1, mã số A1) như thông lệ mà họ sẽ nhường vị trí hạt giống số 2 cho á quân Myanmar (mã số B1).
Sau đó, BTC sẽ tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên cho 8 đội bóng khác vào các vị trí A2, B2, A3, B3, A4, B4, A5, B5. Do sẽ có 1 bảng 5 đội và bảng còn lại 6 đội (tổng cộng 11 đội tham dự) nên kết thúc lượt bốc thăm thứ 5, chủ nhà Malaysia sẽ được quyền chọn bảng đấu mà không qua bốc thăm.
Nguyên tắc này cũng được áp dụng ở nội dung bóng đá nữ và futsal nam, nữ khi chủ nhà Malaysia được ưu tiên chọn bảng đấu sau khi các đội bốc thăm.
Như vậy, trường hợp không ai mong muốn xảy ra là có thể sẽ xuất hiện một bảng đấu cực nặng gồm 6 đội với Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines…, còn Malaysia chỉ ở cùng bảng với Myanmar và những Timor Leste, Lào hay Brunei.
Và không phải ngẫu nhiên hay cố ý, cùng thời điểm Malaysia thông báo cho các nước Đông Nam Á về điều luật bốc thăm môn bóng đá, HLV trưởng Ong Kim Swee của U22 Malaysia tuyên bố mục tiêu số một của họ là chiếc HCV bóng đá nam ở SEA Games 29.
Tờ Four Four Two phiên bản Malaysia đăng ngày 22/6 trích dẫn lời phát biểu của ông Ong Kim Swee cho biết: “Đây là thử thách lớn nhất đối với tôi nhưng cả bản thân và đội bóng đều có khát khao cháy bỏng là giành ngôi vô địch và tấm HCV SEA Games năm nay.
Tôi đã giành HCV SEA Games năm 2011 nhưng thất bại trong 2 kỳ thi đấu tiếp theo. Trên sân nhà, chúng tôi muốn giành lại những vinh quang đó, không chỉ cho chúng tôi, cho đội bóng mà cho cả Malaysia”.
Điều này khiến người ta không thể không đặt câu hỏi rằng phải chăng Malaysia vì đá quá khao khát tấm HCV bóng đá nam SEA Games 29 nên họ sẵn sàng đưa ra những luật lệ có lợi dành cho chính mình, làm mất đi tính công bằng của giải đấu.
Năm ngoái, cũng chính Malaysia đã làm dậy sóng làng bóng Đông Nam Á với việc đưa ra giới hạn độ tuổi tham dự giải đấu là U21, thay vì U23 như quy định đã được duy trì suốt từ năm 2001 tới nay.
Phải tới khi vấp phải sự quyết liệt của các nước thành viên thì Malaysia mới chịu nhân nhượng bằng việc thay đổi giới hạn độ tuổi từ U21 thành U22, nhưng quy định này cũng chỉ giới hạn tại SEA Games 29, còn tới các kỳ SEA Games lại trở về U23 như bình thường.
Không rõ quyết định tự trao cho mình quyền đặc cách được tự chọn bảng đấu ở môn bóng đá nam SEA Games 29 của Malaysia có được bảo toàn tới ngày khai mạc Đại hội thể thao Đông Nam Á hay không, bởi Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phản đối dữ dội quyết định này, và chắc chắn sẽ không chỉ có một mình Việt Nam nêu lên ý kiến.
Tuy nhiên, hành động này của Malaysia một lần nữa lại làm dư luận có thêm ác cảm với SEA Games, vốn vẫn bị gọi là “ao làng”, bởi hầu như quốc gia nào tới lượt đăng cai của mình cũng tìm mọi cách thay đổi điều lệ thi đấu để mang lại lợi ích tốt nhất cho bản thân.
Nếu như ở SEA Games 28 tổ chức tại Singapore, nhiều môn thi đấu như vật, vovinam, karatedo, cờ, cử tạ, bóng đá futsal nam, nữ, bóng đá nữ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi chương trình thi đấu vì nước chủ nhà không có cơ hội giành HCV ở các nội dung này, kể cả những môn thuộc hệ thống thi đấu của Olympic như karatedo, cờ, cử tạ, bóng đá nữ, thì năm nay tới lượt Malaysia liên tục làm xiếc với điều lệ môn bóng đá nam, mà nguyên nhân chính yếu có lẽ cũng chỉ vì chiếc HCV được xem là danh giá nhất tại mỗi kỳ Đại hội.
Bởi vậy chẳng trách ai được khi kỳ Đại hội lẽ ra là ngày hội lớn nhất của thể thao khu vực lại bị gọi là “ao làng” với ý nghĩa chẳng có gì tốt đẹp.