Mai rừng ‘hành hương’ xuống phố

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giữa muôn ngàn loại hoa đang khoe sắc khắp các tuyến đường nội thành Buôn Ma Thuột, những nhánh mai rừng mang vẻ đẹp thuần khiết vẫn rực rỡ tỏa hương.

Những ngày cận Tết, tại ngã ba đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), không khó bắt gặp hình ảnh nhánh mai rừng bắt đầu nở hoa khoe sắc vàng dưới nắng xuân.

Những nhánh mai rừng được chủ nhân đặt trong những xô, chậu, thậm chí vỏ chai nhựa cắt ngang. Sau đó, chúng được buộc vào cạnh chiếc xe máy dựng bên đường. Giản đơn vậy thôi nhưng vẻ đẹp thuần khiết tự nhiên của những nhánh mai rừng đã hấp dẫn bao người.

Mai rừng ‘hành hương’ xuống phố ảnh 1

Mai rừng được bày bán bên góc phố.

Ngắm thật kỹ từng nhánh hoa mai rừng đang khoe sắc, anh Nguyễn Đình Ngọc (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, trong nhà đã có hoa cúc, đào, hoa lan. Anh chỉ cần mua thêm một nhành mai nữa là đủ hương xuân hội tụ ba miền.

Nói về lý do chọn mai rừng, anh Ngọc chia sẻ, bản thân là người miền Nam nên có truyền thống chưng mai vàng ngày Tết. Còn việc chọn nhành mai rừng thay vì mua cả chậu mai ghép bởi gắn với kỷ niệm đẹp về tình yêu của anh. Do đó, cứ Tết đến, dù bận rộn mấy, anh Ngọc cũng cố gắng tìm mua một nhánh mai rừng tặng vợ.

Mai rừng ‘hành hương’ xuống phố ảnh 2

Nhiều người đến xem mai rừng.

Ông Chảo Kim Sơn (55 tuổi, trú xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) - một người bán mai rừng tại góc phố cho biết, để có được những nhánh mai rừng này, ông và nhóm “thợ săn” đã đùm cơm, nước vào rừng từ tháng 11 để tìm.

Mai rừng ‘hành hương’ xuống phố ảnh 3

Ông Chảo Kim Sơn, người có hơn 30 năm tầm nã mai rừng.

“Chúng tôi phải đi từ lúc 2-3 giờ sáng, sau đó vượt sông, đi tiếp quãng đường dài mới đến được cửa rừng. Đến nơi, mỗi người tản ra một hướng, bắt đầu hành trình tìm mai rừng. Mai rừng bây giờ hiếm lắm, có ngày đi mỏi cả chân mới thấy. Chúng tôi chọn 1 vài cành ưng ý nhất rồi luồn rừng đi về, kẻo trời tối dễ bị lạc. Sau khi đưa về, chúng tôi phải có bí quyết chăm sóc đặc biệt để nhánh mai rừng sống được, nở hoa đúng dịp Tết. Như thế mới bán được”, ông Sơn nói và cho biết, bản thân đã có hơn 30 năm đi săn mai rừng.

Mai rừng ‘hành hương’ xuống phố ảnh 4

Giữa muôn vàn sắc hoa, mai rừng vẫn có vẻ đẹp riêng biệt.

Nói về hoàn cảnh của mình, ông Sơn cho biết, gặp khó khăn trong việc đi lại do một chân của ông bị teo cơ từ nhỏ. Dẫu vậy, ông vẫn vui vẻ nói đôi chân không ảnh hưởng quá nhiều đến việc đi rừng của bản thân. Với ông, đây vừa là đam mê, cũng là nghề mưu sinh, kiếm thêm chút tiền cho gia đình sắm Tết.

Mai rừng ‘hành hương’ xuống phố ảnh 5

Giá mỗi nhánh mai rừng dao động từ vài trăm đến tiền triệu.

Nhiều năm đưa mai rừng xuống phố bán Tết, ông Sơn có khá nhiều kinh nghiệm. Ông thường để mai ươm nụ thật nhiều, canh thời tiết nắng nóng như thế nào… Do đó, ông Sơn thường đưa mai rừng xuống phố trước 3-4 ngày. Giá mỗi nhánh mai rừng dao động từ vài trăm đồng đến hàng triệu đồng, tùy gốc to nhỏ, thế đẹp…

Cũng vì tình yêu với loài hoa biểu tượng của mùa xuân, ông Trần Ngọc Tùng (52 tuổi, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột), vượt hàng trăm cây số, lặn lội khắp các cánh rừng trên địa bàn Đắk Lắk, Đắk Nông để tầm nã mai rừng.

Mai rừng ‘hành hương’ xuống phố ảnh 6

Ông Trần Ngọc Tùng chia sẻ về hành trình tầm nã mai rừng.

Theo ông Tùng, hoa mai mang ý nghĩa của sự may mắn, phát tài và hạnh phúc trong năm mới. Đây cũng là loài hoa biểu tượng của sự sống động, vui vẻ và hy vọng. Do đó, cứ vào dịp cuối năm, ông Tùng thường rủ vài người có chung niềm đam mê, vào rừng săn mai. Mỗi chuyến đi như vậy, “thợ săn” chỉ đem được vài cành về do đường rừng hiểm trở, không thể vác xuể.

“Trước đây chúng tôi toàn đi xe đạp. Do đường xa nên phải ở lại trong rừng mấy ngày mới về. Nghề này phải băng rừng, lội suối rất khó nhọc, chưa kể dễ bị lạc đường hoặc đối diện với các mối nguy từ rừng già như rắn, côn trùng…Phần thưởng cho những gian truân ấy là nhánh mai rừng to đẹp”, ông Tùng kể.

Mai rừng ‘hành hương’ xuống phố ảnh 7

Những cánh mai rừng khoe sắc giữa nắng xuân.

Với ông Tùng, mùa xuân bắt đầu “gõ cửa” từ khi ông vào rừng tìm mai. Một cái Tết đủ đầy hay không phụ thuộc vào những chuyến tầm nã, kinh nghiệm chăm sóc hoa mai và đặc biệt là thị hiếu dân chơi hoa cây cảnh.

Mai rừng ‘hành hương’ xuống phố ảnh 8

Mai rừng có sức hút riêng.

Ông Tùng cho biết thêm, mai rừng thường có 5 cánh, nhưng thưa nụ hơn các loại mai ghép. Tuy nhiên, mai rừng vẫn có vẻ đẹp và hương thơm đặc trưng riêng khiến những ai yêu thích sự trong trẻo, tinh khôi sẽ “nghiện”. Như chính ông đã mê đắm loài hoa này từ thuở thanh niên cho đến lúc mái tóc sắp điểm sương khói.

Mai rừng ‘hành hương’ xuống phố ảnh 9

Những nhánh mai rừng thuần khiết, góp phần tô sắc cho mùa xuân.

Do đó, giữa rừng các loại hoa cây cảnh “nội-ngoại” khoe sắc, ông Tùng vẫn đặt niềm tin những cánh mai rừng thuần khiết, mộc mạc của mình sẽ tìm được chủ nhân mới, giúp ông có cái Tết ấm no.

MỚI - NÓNG