Mai này Đà Lạt: Mạnh tay với những siêu dự án tốc độ 'rùa'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bên cạnh những bất cập nhà kính, các công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm,…thực trạng nhiều dự án “ôm đất vàng” không triển khai, vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng cũng khiến Đà Lạt thêm phần ô nhiễm, nhếch nhác, lãng phí tài nguyên. Đà Lạt cần mạnh tay với những dự án “rùa bò” để tránh lãng phí.

Loạt “siêu dự án” quá hạn hơn 10 năm

Cuối năm 2022, trong một báo cáo gửi Sở KH&ĐT Lâm Đồng, UBND TP Đà Lạt cho biết địa phương hiện có 201 dự án (DA) ngoài ngân sách nhà nước, được chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn khoảng 34.756 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất 5.109ha.

Mai này Đà Lạt: Mạnh tay với những siêu dự án tốc độ 'rùa' ảnh 1

Nhiều dự án chậm tiến độ, lãng phí ở KDLQG Tuyền Lâm

Tuy nhiên, hàng loạt DA đã quá hạn triển khai từ 1-12 năm, điển hình như DA Đà Lạt Plaza của Cty CP du lịch Delta (quá hạn 12 năm); DA Quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch sinh thái và trồng cây dược thảo của Cty CP Thiên Đường Đà Lạt (quá hạn 11 năm); DA Quản lý bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu, trồng và sưu tập cây thuốc dưới tán rừng của Cty Hợp danh Sinh học nông nghiệp Sinh Thành (quá hạn 10 năm); DA Xây dựng bến xe tổng hợp Song Hải Long của Cty TNHH XD-TM Song Hải Long (quá hạn 10 năm)…

Nhiều DA trong số này còn để mất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Điển hình như DA Khu du lịch nghỉ dưỡng Suối Hoa (tại phường 7) của Cty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, hạn 31/12/2014 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai được hạng mục nào ngoài phần hàng rào chạy dọc khu rừng phòng hộ. Đã thế, DA này còn để giảm 22,6ha rừng so với thời điểm được giao đất (năm 2008).

Theo tìm hiểu của PV, trong số các DA bị “điểm mặt” chậm tiến độ trên có “siêu dự án” Khu du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái Toàn Cầu của Cty CP đầu tư và du lịch Toàn Cầu, tại Khu du lịch quốc gia (KDLQG) hồ Tuyền Lâm. Dự án này rộng tới 46ha, dù được duyệt chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng đất do chậm tiến độ. Ngày 6/2/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng cho điều chỉnh tiến độ thực hiện DA đến ngày 19/1/2024.

Mai này Đà Lạt: Mạnh tay với những siêu dự án tốc độ 'rùa' ảnh 2

Dự án Khu trung tâm thương mại Ánh Sáng Đà Lạt của Cty TNHH MTV Đất Đà Lạt

15 năm vẫn “đóng băng”

Tại trung tâm Đà Lạt, có những DA 15 năm rồi vẫn loay hoay thủ tục, để hoang phí đất vàng. Điển hình DA khu trung tâm thương mại (TTTM) Ánh Sáng Đà Lạt của Cty TNHH MTV Đất Đà Lạt, tọa lạc ở vị trí đắc địa ngay khu trung tâm, bên cạnh công viên Ánh Sáng, trước chợ Đà Lạt và gần thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương.

Theo Sở KH&ĐT Lâm Đồng, DA trên được UBND tỉnh cấp giấy CNĐT ngày 4/2/2008, xây dựng khu TTTM, khách sạn, văn phòng, căn hộ cao cấp với mục đích cho thuê và bán. Diện tích đất dự kiến sử dụng 1,7ha. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 50 triệu USD, thời hạn hoạt động 50 năm và tiến độ thực hiện trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy CNĐT. Thế nhưng, đến nay đã 15 năm trôi qua, DA vẫn “đóng băng”, khu “đất vàng” này vẫn là bãi đậu xe và hàng trăm căn nhà lớn nhỏ vẫn hiện diện, chưa có công trình nào thuộc DA mọc lên.

Trong văn bản ngày 24/10/2022 gửi các cấp lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Cty TNHH MTV Đất Đà Lạt cho hay chưa thi công được vì vướng mắc GPMB. Chưa kể, DA này còn vướng phải quy hoạch nên đã chậm càng thêm chậm.

Không để lãng phí tài nguyên đất

Thực trạng nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách.

Trước đó, thảo luận về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại hội trường Quốc hội ngày 31/10/2022, các đại biểu nêu nhiều hình thức lãng phí nổi lên giai đoạn qua, nhưng chưa được khắc phục kịp thời. Đáng lưu ý, đoàn Giám sát Quốc hội nhắc đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ trên cả nước và có xu hướng tăng lên qua các năm; hàng nghìn dự án liên tục điều chỉnh khiến tổng mức đầu tư cao gấp nhiều lần.

Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về du lịch, trong đó chỉ ra loạt sai phạm, bất cập ở KDLQG hồ Tuyền Lâm. Theo đó, mặc dù được triển khai từ năm 2004, tổng diện tích gần 3.000ha nhưng đến nay, các hạng mục đầu tư xây dựng ở hồ Tuyền Lâm chỉ đáp ứng được một phần của phát triển hạ tầng trong KDL.

Theo TTCP, hiện tại KDL đã thu hút được 39 DA đầu tư nhưng chỉ có 5 DA hoàn thành, 7 DA hoàn thành một phần, 14 DA đang tiếp tục thực hiện đầu tư sau khi được gia hạn thời gian thực hiện, 6 DA không có động thái tiếp tục đầu tư sau khi được gia hạn hoặc có động thái triển khai nhưng không đáng kể.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đánh giá: “Qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng của quản lý nhà đất”. Tại Lâm Đồng, ông Tạo dẫn chứng có hai sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm giữa khu vực trung tâm hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, nhưng đã bị lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí. Điển hình, sân bay Cam Ly (TP Đà Lạt) có 53ha nhưng bị lấn chiếm khoảng 40ha. Riêng khách sạn Bavico Đà Lạt với diện tích hơn 7.500m2 thuộc vị trí “đất vàng” nhưng các vi phạm, tranh chấp, xử lý tài sản gắn với đất Quốc phòng chậm được giải quyết.

Trao đổi với Tiền Phong giải pháp để chống thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai, nhất là với Đà Lạt, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, phải bảo đảm quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Triển khai công tác quy hoạch một cách công khai, rõ ràng; kế hoạch sử dụng đất hàng năm phải chặt chẽ; khi thông qua điều chỉnh cục bộ phải có ý kiến của những hộ dân bị tác động và đạt được sự đồng thuận cao của xã hội. Mặt khác, cần phân định rõ giữa việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và không thu tiền sử dụng đất. Khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, phải định giá chặt chẽ, rõ ràng; đảm bảo đúng giá, sát giá thị trường. Việc đấu giá phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch rõ ràng, tránh bị chi phối bởi lợi ích nhóm.

Đối với những án treo, theo ông Tạo phải cương quyết thu hồi, để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án.

Ngày 7/2, UBND TP Đà Lạt ban hành kế hoạch triển khai mô hình thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố này. Trong đó có nội dung, giai đoạn 2023-2030, tại TTC World Thung lũng Tình yêu của Cty CP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng sẽ hình thành tổ hợp kinh tế đêm, gồm các loại hình vui chơi giải trí, shophouse, clubhouse/casino. TS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, người rất tâm huyết với TP Đà Lạt, cho rằng thành phố này cần tính toán chọn những nơi ít phát triển du lịch để làm casino. Nếu mở casino ở một danh thắng như TTC World Thung lũng Tình yêu sẽ lãng phí lớn.

MỚI - NÓNG