“Hô biến” hồ Vạn Kiếp
Hồ Vạn Kiếp nằm trên địa giới hành chính hai phường 7 và 8. Theo các bậc niên ở khu vực này, Vạn Kiếp là hồ nhân tạo, nhờ chặn dòng suối Cam Ly mà thành. Hồ liền kề với khu cư xá Decoux, đều được hình thành vào đầu thập niên 1940. Ban đầu hồ không có tên riêng, đến đầu thập niên 1950, được đặt tên là Đa Thành, sau đó đổi thành hồ Vạn Kiếp. Sinh ra và lớn lên tại khu vực này, ông L.L.V cho biết Vạn Kiếp không chỉ là hồ chứa nước tưới vào mùa khô, chống lũ vào mùa mưa mà còn góp phần điều hòa khí hậu trong vùng. Thế nhưng, những thập niên gần đây, hồ bị xâm lấn, bồi lấp dần, đến nay thì không còn bóng dáng cái hồ nữa.
Hồ Mê Linh bị bồi lắng, thu hẹp diện tích |
Ông kể vào tháng 11/2014, đã tận mặt chứng kiến một số hộ dân cư ngụ trên đường Tôn Thất Tùng (phường 8, Đà Lạt) thuê nhiều xe tải chở đất đá, xà bần lấp hồ Vạn Kiếp để lấy đất trồng rau, hoa… Sau khi tập kết giữa lòng hồ, những đống đất được san gạt tạo mặt bằng, có vị trí người ta dùng cọc sắt và lưới B40 để làm ranh giới giữa các hộ. Thông tin này được phản ánh với phường 7. Lãnh đạo phường đề nghị cơ quan chức năng phối hợp xử lý và khôi phục lại hiện trạng. Cũng theo lãnh đạo này, những năm trước, chính quyền phường đã cưỡng chế, giải tỏa được 4 trong số 8 ngôi nhà xây dựng trái phép giữa lòng hồ.
“Hình hài của đô thị Đà Lạt được như hôm nay là nhờ quy hoạch từ thuở ban đầu của các kiến trúc sư nổi tiếng như Hébrard, Lagisquet... Người Pháp rất gần gũi, tôn trọng thiên nhiên; không chỉ có tầm nhìn xa mà còn giỏi khoa học kỹ thuật, đặc biệt là làm thủy lợi. Họ đã cho xây đập, biến những dòng suối nhỏ thành loạt hồ nhân tạo - hạt nhân để kiến thiết đô thị. Các hồ nước thông nhau là sự điều hòa tuyệt vời, tạo nên sự cân bằng sinh thái”.
Nhà nghiên cứu Đà Lạt Uông Thái Biểu tâm đắc
Mới đây lại nóng tình trạng xây dựng trái phép thuộc khu vực lòng hồ Vạn Kiếp (phường 8) với 12 công trình nhà ở. Theo UBND phường 8, vụ việc được địa phương phát hiện, ngăn chặn từ tháng 8/2022. Khi phát hiện, phường đã đình chỉ thi công, vận động người dân tự khắc phục tháo dỡ hoàn toàn được 3 căn; 3 căn khác đang tháo dỡ dở dang. Với 6 căn còn lại, mặc dù lực lượng chức năng đã ngăn chặn, tịch thu vật dụng thi công nhưng người dân vẫn lén lút hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
Điều lạ là, đến ngày 6/10/2022, cán bộ phường 8 mới có biên bản kiểm tra việc xây nhà trên đất không phù hợp quy hoạch, lập biên bản vắng chủ. Và đến giữa tháng 2/2023, khi có chỉ đạo của UBND TP Đà Lạt, UBND phường 8 mới lập biên bản vi phạm hành chính về xây dựng đối với 6 chủ sử dụng công trình nhà ở không phép nói trên. Ngày 22/2, UBND TP Đà Lạt đã giao Phòng Quản lý Đô thị Đà Lạt theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết của UBND phường 8; đồng thời báo cáo, tham mưu đề xuất chính quyền thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý trước ngày 15/3.
Nhếch nhác hồ thắng cảnh
Rác nổi lềnh bềnh trên hồ Xuân Hương sau cơn mưa lớn |
Cùng với thác Cam Ly, hồ Than Thở đã đi vào thi ca, nhạc họa, để lại ấn tượng khó phai trong lòng người yêu Đà Lạt. Thế nhưng, những thập niên gần đây, dòng nước đổ về thác Cam Ly (phường 5) bốc mùi hôi thối khiến du khách nhiều phen phải bịt mũi. Hồ Than Thở (phường 12) vốn có làn nước trong vắt với diện tích mặt nước lên tới 9ha, xung quanh rợp bóng thông, nhưng sau đó diện tích mặt hồ đã bị bồi lắng gần 50%, còn lại chưa đầy 5ha.
Ven hồ, có khu vực các nhà kính trồng rau áp sát đến tận mép nước. Trên mặt hồ phía thượng nguồn, vỉ xốp, túi nylon, vỏ bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật và rác thải nông nghiệp khác trôi dạt, chất thành đống, có nơi cỏ mọc um tùm, trông rất nhếch nhác. Cứ sau mỗi trận mưa, nhiều tấn rác thải các loại từ các nhà vườn lại đổ về. Đơn vị quản lý hồ đã phải huy động công nhân, xe tải vớt lên, chở về bãi rác để xử lý. Năm 2005, hồ Than Thở được nạo vét với khối lượng đất bồi lắng lên đến 300.000m3 để tạo dựng lại hồ nước sâu từ 1,5-3m; đến năm 2013, tiếp tục nạo vét 38.000m3. Hiện hồ Than Thở lại bị bồi lắng nghiêm trọng nên đơn vị quản lý hồ lại phải nạo vét khoảng 150.000m3 đất, bùn.
Chị Phạm Minh Thư (du khách đến từ Đà Nẵng) tâm sự, hàng chục năm trước, từng được người bạn gửi tặng bưu ảnh thắng cảnh Đà Lạt, trong đó in câu thơ lục bát “Đà Lạt có thác Cam Ly/Có hồ Than Thở muốn đi không về”. Tấm bưu ảnh ghi đậm trong tâm trí chị về thành phố thơ mộng, do đó, vừa đặt chân đến Đà Lạt, chị vội tìm đến hai địa danh này và vô cùng thất vọng, chắc chẳng bao giờ quay lại nữa.
Phía dưới Than Thở là hồ Mê Linh (phường 9) được hình thành thập niên 1920, lúc đầu có tên là Hồ Saint Benois, gắn liền với Khu Cư xá Saint Benois của quân đội Pháp, bên cạnh hồ có nhà hàng La Rotonde nổi tiếng thời đó. Đây là hồ thắng cảnh và điều tiết nước, thế nhưng những năm gần đây, chức năng điều tiết của hồ mất dần vì sau mỗi cơn mưa lớn kéo dài thì khu dân cư đường Trương Văn Hoàn (phía hạ lưu hồ Mê Linh) lại bị ngập lụt cục bộ, do nước từ hồ Mê Linh đổ về khiến nước suối tràn bờ. Nguyên nhân, hồ bị thu hẹp diện tích do tình trạng bồi lắng, bị các hộ dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp. Đoạn suối ở hạ lưu hồ cũng bị lấn chiếm khiến dòng chảy bị thu hẹp. Năm 2013, hồ được nạo vét, tôn tạo với kinh phí mấy chục tỷ đồng nhưng đến nay lại bị bồi lấp và ô nhiễm bởi bùn, rác và nước thải, cỏ dại mọc um tùm. Hiện hồ có nguy cơ biến thành ao nếu không được nạo vét kịp thời.
Trong chuỗi hồ hình thành từ suối Cam Ly, hồ Xuân Hương được đầu tư tôn tạo thường xuyên nhất, đã 3 lần được xả hồ, tháo nước để nạo vét bùn đất, xây bờ kè, sửa chữa đập, cống xả tràn. Thế nhưng, sau những trận mưa lớn, lòng hồ cũng tràn ngập rác; nhiều lúc tảo lam nổi lên mặt hồ, sủi bọt, bốc mùi tanh rất khó chịu. Theo các nhà nghiên cứu về môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm là do hoạt động sản xuất nông nghiệp ở thượng nguồn; nước thải từ các khu dân cư, điểm kinh doanh du lịch đổ về đây…gây nên hiện tượng phú dưỡng, tạo điều kiện cho tảo phát triển.
Hồ Vạn Kiếp đã là cái tên hữu danh vô thực nhiều thập niên rồi, thế nhưng, trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất tại phường 7 đến năm 2020, do Chủ tịch UBND TP Đà Lạt ký duyệt ngày 2/6/2014, “hồ Vạn Kiếp” vẫn được thể hiện rõ là... hồ; thậm chí trong danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định 1016 ngày 7/6/2022 của UBND tỉnh vẫn có tên hồ Vạn Kiếp.
(Còn nữa)