Quá trình đô thị hóa ở Đà Lạt những năm qua với sự phát triển “nóng” theo chiều rộng đang bộc lộ hàng loạt bất cập. Tỷ lệ bê tông hóa ngày càng nhiều gây nên những vấn đề tiêu cực đến khí hậu, cuộc sống người dân nơi đây.
Từng là thành phố vườn
Từ đầu thế kỷ trước, với tham vọng biến Đà Lạt thành Paris thu nhỏ, các kiến trúc sư (KTS) nổi tiếng người Pháp như Hébrard, Pineau, Mondet và Lagisquet lần lượt thiết kế các đồ án quy hoạch để xây dựng và phát triển miền đất này một cách bài bản. Các đồ án đó luôn mang tính kế thừa, được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế từng thời kỳ và đều nhất quán về ý tưởng xây dựng nơi nghỉ dưỡng kiểu mẫu với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp - “Thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”.
Người Pháp đã quy hoạch Đà Lạt theo thiết kế phương Tây với các căn biệt thự ẩn hiện giữa ngàn thông. Các công trình xây dựng nhẹ nhàng tựa vào địa hình đồi núi cao thấp, nương theo cảnh sắc thiên nhiên nên rất thanh cảnh, đẳng cấp. Theo các nhà chuyên môn, trước năm 1975, Đà Lạt có không dưới 1.500 biệt thự phong cách kiến trúc châu Âu, chủ yếu kiểu Pháp. Sự đa dạng, sống động trong các chi tiết xây dựng mang đậm phong cách Tây Âu kết hợp hài hòa với cảnh quan thơ mộng vùng cao nguyên đã tạo nên một “Bảo tàng kiến trúc Pháp” đặc trưng ở Đà Lạt, không lẫn lộn với các địa phương khác.
Theo hồi tưởng của các bậc cao niên, vào thập niên 70, Đà Lạt là một thị xã miền cao nguyên êm đềm, mộng mơ, và quyến rũ; một đô thị xinh đẹp mát lành mang phong cách phương Tây giữa trời Đông. Vào thập niên 80-90, hình thái và quỹ đô thị ở Đà Lạt vẫn chưa thay đổi nhiều. Đến những thập niên gần đây, quy hoạch bị phá vỡ. Núi đồi bị hạ cốt, san bằng để xây dựng nên những con phố giống đô thị ở đồng bằng.
“Cơn lốc” khách sạn đổ xuống khu trung tâm Đà Lạt. Những khách sạn khổng lồ nuốt chửng, phá nát không gian khu vực trung tâm, nhất là công trình tổ hợp Chợ Mới to cao chưa từng thấy ở phố núi, hùng hổ đè bẹp công trình kiến trúc chợ Đà Lạt nền nã hài hòa xưa nay, anh Nguyễn Hàng Tình (một người dân Đà Lạt) phân tích.
Nhà cửa san sát ở khu trung tâm TP Đà Lạt |
Anh Đức Trúc (42 tuổi, một du khách nặng tình với Đà Lạt) thở dài: “Người ta tìm đến Đà Lạt để được nhìn những chập chùng thung xanh, có đường dốc quanh co giữa rừng thông trầm mặc mờ khuất trong sương bay. Họ không tìm đến để nhìn thấy nhà cao tầng cùng những thứ bê tông lạnh lẽo mà bất kỳ đô thị nào cũng có, và thấy xót xa khi chứng kiến những đồi thông ngã xuống, thay vào đó là những dãy nhà khô khốc mọc lên”.
Quỹ biệt thự sụt giảm chóng mặt
Sau năm 1975, cả ngàn người được bố trí hoặc “nhảy dù” vào ở trong những căn biệt thự cổ tại Đà Lạt, mỗi căn có từ 7-30 hộ cùng cư ngụ. Nhiều người tùy tiện cơi nới, xây thêm công trình phụ để chăn nuôi gia súc, gia cầm; mở quán kinh doanh trong khuôn viên; bao chiếm hành lang làm nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm. Hệ thống dây điện chằng chịt đấu nối chắp vá, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ… Do đó, nhiều biệt thự vốn sang trọng ngày càng trở nên nhếch nhác, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sụp, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Cao đẳng Đà Lạt là di tích kiến trúc cấp quốc gia nhưng nhiều năm qua có hàng chục hộ sinh sống trong khuôn viên trường. Nhiều hộ dân chiếm dụng và tự ý sang nhượng, mua bán các căn hộ trong khu tập thể của công trình kiến trúc tuyệt đẹp này. “Các biệt thự kiến trúc Pháp bị quá tải và thay đổi kết cấu một cách thô bạo thành nhà ở tập thể nên tốc độ xuống cấp càng nhanh. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến hàng trăm biệt thự mất dần đi trước sự nuối tiếc của bao người”, nhà thầu xây dựng Lê Xuân Thành nhận xét.
Căn biệt thự nhà vườn màu xanh đồ sộ, rộng cả héc-ta trên đất nông nghiệp ở phường 10, Đà Lạt |
Thật vậy, theo khảo sát, thẩm định của cơ quan chuyên môn, năm 2011, Đà Lạt chỉ còn 178 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước. Đến cuộc khảo sát năm 2017, rơi rụng thêm 16 biệt thự nữa. Nguyên nhân chủ yếu là do công trình xây dựng bị hư hỏng trầm trọng, không thể cứu vãn; khuôn viên biệt thự bị băm nát, bị “chèn nhốt” bởi các công trình dân sinh làm biến dạng cảnh quan.
Nhà trái phép mọc tràn lan, giá đất trên trời
Xóm Bảo Đại (phường 10) cách trung tâm TP.Đà Lạt chừng 6 cây số. Theo người dân địa phương, ngày xưa nơi đây vốn dĩ là vùng đất hoang vu dành riêng cho vua lui tới dã ngoại, săn bắt giải trí. Từ những năm 1980, người dân tứ xứ về đây khai hoang. Một khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp dần hình thành, ngày càng đông đúc.
Đường xuống xóm Bảo Đại dốc thăm thẳm, ngoằn ngoèo nguy hiểm. Theo ghi nhận của Tiền Phong, tại đây đã “mọc” lên hàng chục căn nhà khang trang, kiên cố, xung quanh được bao bọc bởi nhà kính. Thậm chí, có căn biệt thự nhà vườn màu xanh đồ sộ, rộng cả héc-ta, có người tỉa hoa, cắt cỏ hằng ngày.
Dẫn chúng tôi đi xem một thửa đất 3,6 sào (tương đương 3.600m2), ông H. (60 tuổi, một hộ dân thuộc xóm Bảo Đại, Tổ dân phố Trần Thái Tông, phường 10) cho biết, chủ đất tên Quang, nhà ở dưới huyện Đức Trọng, đang rao bán cả lô đất này khoảng 25 tỷ đồng (trung bình 7 triệu đồng/m2). Nếu khách không đủ tiền, có thể mua theo từng lô nhỏ. Nghe giá đất đã choáng, hỏi pháp lý đất chúng tôi càng sốc hơn khi biết cả lô đất này đều là đất nông nghiệp, trồng cây hằng năm, không có thổ cư.
Ông Đ, đại diện tổ dân phố Trần Thái Tông cho hay, tổ này có 120 hộ sinh sống. Hộ lâu đời nhất từ những năm 1980. Hồi đó, giá đất chỉ 40-50 triệu đồng/100m2. Hầu hết nhà dân trong xóm này và khu vực giáp ranh thuộc phường 9, phường 11 đều chưa được cấp đất thổ cư.
Ngày 21/6/1893, nhà thám hiểm - bác sĩ Yersin đặt chân lên cao nguyên Lang Biang, làm tiền đề cho sự khai sinh ra TP Đà Lạt. Vì mê đắm khí hậu trong lành và nét duyên dáng của miền đất lạ, bác sĩ Yersin đã đề nghị Toàn quyền Đông Dương xây dựng nơi nghỉ mát để các quan chức và kiều dân Pháp có thể nghỉ dưỡng khi rời xa bổn quốc.
Theo ông Đ, dù là đất nông nghiệp nhưng giá đất ở đây cao ngất ngưởng, mỗi mét vuông trung bình 8-10 triệu đồng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những căn biệt thự to, nhà mái Thái khang trang hầu hết chủ nhân ở TPHCM hoặc các tỉnh, thành khác mua. Tuy nhiên, việc mua bán chỉ có giao dịch viết tay.
Trước đó, cuối năm 2021, UBND TP.Đà Lạt có Kết luận 8221 chỉ rõ, toàn thành phố có gần 1.000 công trình xây dựng trái phép, cải tạo, cơi nới không phép, xây dựng trên đất lâm nghiệp...Trong đó, phường 4 là địa bàn nhiều vi phạm nhất với 669 công trình, thuộc các hẻm Lê Hồng Phong, hẻm Trên đỉnh đồi trăng, đường Ngô Thì Sĩ, đường vào Nghĩa trang Du Sinh, tổ 18 Quảng Thừa…Tiếp đó là phường 11 với 209 công trình ở khu vực tổ Tây Hồ 2 và đường Lương Định Của; phường 10 với 52 công trình tại khu vực hố Bảo Đại (tức xóm Bảo Đại); phường 3 với 40 công trình ở khu vực hẻm Lá Phong.(Còn nữa)