Mai này còn cá tự nhiên?: Còn rừng, còn sinh kế

Bắt cá dưới tán rừng ở khu sinh thái của chị Ngọc Hiện hợp tác với người dân
Bắt cá dưới tán rừng ở khu sinh thái của chị Ngọc Hiện hợp tác với người dân
TP - Cuối nguồn đổ ra biển, mấy năm nay thêm xanh tươi nhờ nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng và phát triển các loài thủy sản. Đồng thời, tận dụng tán rừng tổ chức du lịch để khách trải nghiệm hiểu được giá trị của tự nhiên mà rừng đem lại.

Ðổi thay dưới tán rừng

Vừa qua thị trấn Năm Căn, lái xe cho biết chục cây số nữa đến thị trấn Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau). Mọi người trên xe không khỏi háo hức. Xứ Rạch Gốc lừng danh hồi kháng chiến, một thời nuôi ông Lê Duẩn và sau đó đón tàu không số chở vũ khí từ miền Bắc vào, xa xôi heo hút, không ngờ bây giờ sáng sớm ở Cần Thơ trưa đã tới. Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Đông Nam Á Lê Công Huân đề nghị đến Rạch Gốc, ghé quán Tư Tỵ có nhiều đặc sản rừng đước.

Chủ quán Tư Tỵ là anh Lê Minh Tỵ tuổi trung niên, da ngăm đen, cười cởi mở đúng chất Nam bộ. Cả khu đất rộng 8 ha của anh, 70% là rừng đước; còn lại làm mương nuôi tôm, cá, cua, ốc nên tất cả thủy sản ở đây tươi sống. Đến đây, nhiều du khách mới biết con ốc len nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc với món “ốc len hấp nước dừa”, hóa ra sống bám thân cây đước, muốn bắt chỉ đưa tay ra gỡ. Tôm cá bơi tự nhiên dưới tán rừng, cá thòi lòi mấy năm nay là của hiếm ở đô thị, bơi từng đàn trong chùm rễ đước.

Thưởng thức đặc sản trong rừng đước cần nhẹ nhàng, tỉ mỉ để gió vi vu trên ngọn cây và nước róc rách dưới sàn nhà đưa hương vị thơm ngon thấm vào vị giác, không phải sẵn cá tôm “ăn xả láng cho đã”. Món hàu kho để chấm bồn bồn cũng cho một hương vị không đâu có. Mộc mạc mà sang trọng, bởi con hàu khá đắt bán tính từng con, dưa bồn bồn hoang dã của bán đảo Cà Mau, khi kết hợp lại với kỹ thuật nêm nếm bậc thầy cho cảm giác hào sảng trang trọng. Anh Tư Tỵ nói: “Dân xứ này từ xưa có món ngon để dành làm mồi nhậu đãi khách chứ không bán. Bây giờ, đặc sản dưới tán rừng đước tôi cũng giữ lại phục vụ du khách”.

Quán đông khách nên người quen trên tỉnh lại gợi ý, mở điểm du lịch trải nghiệm rừng đước. Tư Tỵ sang Thái Lan tham quan học hỏi làm du lịch cộng đồng rồi tháng 1/2018, thành lập Công ty TNHH Tư Tỵ với “Trạm dừng chân du lịch Tư Tỵ-Rạch Gốc”. Tư Tỵ giới thiệu: “Du lịch trải nghiệm ban ngày là dỡ chà, câu cá, bắt ốc còn ban đêm soi đèn bắt cá thòi lòi, ba khía, cua, chém cá trong vuông và xổ tôm. Các trải nghiệm đánh bắt thủy sản diễn ra quanh năm, riêng xổ tôm một tháng chỉ làm được 8 ngày vào kỳ nước ròng đầu tháng và giữa tháng âm lịch”. Du khách thích đi loanh quanh tìm cảm giác lạ trong rừng ngập mặn, có cây cầu khỉ dài chừng ba trăm mét bắc trên những chùm rễ đước cao lênh khênh.

Tư Tỵ tâm sự, làm du lịch cộng đồng lo nhất là vấn đề bảo vệ môi trường và anh tham quan học tập bên Thái Lan cũng tập trung điều đó. Môi trường cá tôm sinh sản tự nhiên ở rừng đước rất nhạy cảm, nếu bị tác động xấu dễ bị cạn kiệt nhanh chóng, khó phục hồi. Nên trạm du lịch Tư Tỵ thường xuyên có người dọn vệ sinh, ở những tum nhỏ dưới tán cây đước cũng không xả thải xuống mương, các loại rác được thu gom. “Du lịch trải nghiệm là làm cho con người và môi trường xích lại gần nhau, thân thiện với nhau, chung sức giữ thiên nhiên xanh tươi cho con cháu”, Tư Tỵ bày tỏ.

Nâng giá trị rừng

“Điều duy nhất là mình phải chứng minh cho người dân thấy lợi nhuận bền vững từ rừng” đó là chia sẻ của anh Nguyễn Tấn Vàng ở xã Thạnh Phước (Bình Đại, Bến Tre). Câu chuyện khởi nghiệp của vợ chồng trẻ đều là thạc sĩ ngành Quản lý môi trường, trường Đại học Nông Lâm TPHCM khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tận dụng rừng ngập mặn mang lại, vợ chồng anh bắt đầu tạo ra thị trường sinh thái không hóa chất, thu mua cá tôm đánh bắt tự nhiên để bán.

Theo anh Vàng, vấn đề lớn ở Bến Tre là đất rừng đang bị tàn phá  ngày càng nhiều, điển hình vào những năm 2006 do người dân phá rừng để nuôi tôm công nghiệp bởi lợi nhuận quá lớn. “Trong quá trình nuôi tôm sử dụng hóa chất liên tục mà bà con ít được nhận biết. Hơn nữa điều mà bà con ít nhận ra là họ chỉ lời trong khoảng 5 năm đầu còn 10 năm tiếp theo thì lời dăm ba vụ là mừng bởi do dịch bệnh, môi trường ô nhiễm dẫn đến tôm chết, chưa kể môi trường càng ngày càng bị phá hủy”, anh Vàng nói.

Thông qua khảo sát thị trường tại TPHCM, người dân thành thị đang có xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch và nhu cầu đang rất phát triển. Vợ chồng anh nhận thấy đây là thời cơ để phát triển thị trường thủy sản sạch từ rừng ngập mặn mang giá trị kinh tế cao hơn.  Đồng thời, tạo ra một thị trường riêng biệt cho sản phẩm tự nhiên và khai thác bền vững này.

Chính vì thế, đầu năm 2017 vợ chồng anh thành lập Cty CP ANFOODS với mong muốn bảo tồn rừng và giải quyết các vấn đề xã hội đã hiện thực hóa các cách giải quyết vấn đề giữ rừng theo hướng tiếp cận bằng kinh tế. Đồng thời, vợ chồng anh thuyết phục người dân giữ rừng tham gia vào các mô hình chuyển đổi. Ban đầu chỉ hai hộ dân ở rừng chịu bán thuỷ sản cho Ngọc Hiện với giá cao hơn 15% so giá bán ngoài chợ. Tuy nhiên sau hơn 2 năm, số người tham gia “vùng nguyên liệu” cùng vợ chồng chị Hiện lên hàng chục hộ. Năm 2018, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng, với hệ thống bán hàng được xây dựng tại TPHCM.  Chị Nguyễn Thị Kim Mới, người dân ở rừng ngập mặn nói: “Từ khi bán sản phẩm cho Ngọc Hiện, không còn sợ bị ép giá, đồng thời giá bán cũng cao hơn bên ngoài, nên tui cũng yên tâm”. Còn anh Trần Văn Đạt nói rằng:“Công ty khuyến khích chúng tôi chỉ đánh bắt cá lớn, cá nhỏ thả lại nên dần dần tui thu được nhiều cá lớn hơn, bán được cao giá hơn. Trước giờ cứ nghĩ bắt nhiều bán mới có tiền, nên ráng đánh bắt thiệt nhiều, chứ biết bán cá bự thôi mà thu được tiền y vậy, thì tôm cá quê mình sẽ còn nhiều lắm”.        

Vợ anh là chị Trịnh Thị Ngọc Hiện nói rằng, khi rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đó là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy người dân bồi bổ cho rừng. Mô hình trồng khai thác thủy sản - du lịch rừng được chứng minh hiệu quả sẽ thúc đẩy phục hồi rừng trên các diện tích đất rừng trước đây bị tàn phá để nuôi tôm công nghiệp.

Ngọc Hiện mong muốn, khi mô hình  này thực hiện thành công sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình sang các khu vực lân cận. Vừa nâng cao được giá trị của rừng vừa tạo tác động xã hội to lớn, thay đổi hành vi ứng xử với rừng ngập mặn nói riêng và tài nguyên thiên nhiên nói chung, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc tổ chức tour du lịch sinh thái để khách đến trải nghiệm cách sinh hoạt của dân bản địa. Mặt khác để họ thưởng thức tôm cua đánh bắt tự nhiên tươi ngon. Điều đặc biệt từ mô hình này muốn họ hiểu được giá trị của tự nhiên mà rừng đem lại để thêm yêu và có trách nhiệm với thiên nhiên hơn.

Mai này còn cá tự nhiên?: Còn rừng, còn sinh kế ảnh 1 chị Ngọc Hiện giới thiệu cua từ tán rừng cho khách ẢNH: HÒA HỘI

“Dự án kinh doanh giữ rừng kết hợp du lịch của vợ chồng Ngọc Hiện là ý tưởng tốt, mang tính cộng đồng cao, đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường tạo cho giá trị cho rừng ngập mặn. Qua đó, đời sống cộng đồng ở vùng biển rừng ngập mặn được nâng lên rõ rệt và tạo ra môi trường du lịch sinh thái an toàn”. Anh Hà Quốc Cường, Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre đánh giá

MỚI - NÓNG