> Đình chỉ 21 trung tâm tin học, ngoại ngữ
Nhiều học sinh dự các kỳ thi quốc tế phải học tiếng Anh từ rất sớm (Học sinh Thanh Hóa đi thi toán quốc tế). Ảnh: Q. Thành. |
Thực trạng dạy và học ngoại ngữ ở nhà trường
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Khó khăn lớn nhất trong học tập của sinh viên hiện nay là tiếng Anh (TA). Hạn chế về ngoại ngữ cũng ảnh hưởng đến việc học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên (SV). Hệ quả là, các môn học khác thì Việt Nam có giải quốc tế còn ngoại ngữ mãi vẫn không đạt yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, NN chưa được quan tâm đúng mức ở trường học, đặc biệt đối với bậc THPT vì đầu vào không kiểm tra môn NN. Đại biểu Vũ Ngọc Pi, Phó hiệu trưởng trường ĐH KTCN (ĐH Thái Nguyên) cho biết: Theo số liệu của Hội đđồng Anh qua khảo sát trình độ tiếng Anh quốc tế của học sinh 20 nước, thì học sinh VN xếp hạng 8/20 về khả năng đọc và viết nhưng chỉ xếp hạng 18/20 về nghe nói.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết: Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” (gọi tắt là ĐA NN 2020) được Chính phủ quyết định thực hiện từ năm 2008 nhưng mới được triển khai mạnh ở THPT và bắt đầu từ năm nay, 2011 đề án sẽ được chú trọng triển khai ở bậc ĐH.
Bi kịch
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lý giải: Thi tốt nghiệp ở THPT học sinh đạt điểm cao môn NN nhưng không đúng thực chất nên khi Bộ GD&ĐT muốn bỏ thi trắc nghiệm đối với môn NN thì nhiều nơi không đồng ý, vì trắc nghiệm chính là cách để “kéo” điểm tốt nghiệp cao hơn!
Ông Hiển cũng cho biết, trước đây, chúng ta chỉ đoán chừng là sự yếu kém về NN của HSSV là do giáo viên nhưng khi kiểm tra ra thì mới thấy giáo viên còn kém hơn …dự đoán! Cụ thể là số giáo viên đạt yêu cầu B2 chỉ đạt dưới 10 %; có nơi giáo viên không đạt cả bậc 1 nhưng vẫn đi giảng dạy.
Ông Hiển kết luận: Thực trạng này có trách nhiệm của các trường ĐH nơi đào tạo ra giáo viên. Vì vậy, đề án muốn thành công thì phải giải quyết được khâu giáo viên, năng lực về NN của họ, về phương pháp giảng dạy và năng lực sử dụng công nghệ và áp dụng vào dạy học.
Ngày 30-9-2008, Thủ tướng đã phê duyệt ĐA NN 2020. Theo đó, nền giáo dục VN thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học NN nhằm đảm bảo đến 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng NN của nguồn nhân lực. |
Đại biểu của trường ĐH Hà Nội cho biết, khó khăn nhất vẫn là khâu tuyển giáo viên vì tuyển được những người giỏi ngoại ngữ có thể dạy môn chuyên ngành đã khó nhưng giữ chân họ còn khó hơn, vì nếu làm giảng viên, người ta chỉ có thể kiếm được 3-5 triệu đồng/ tháng; Còn nếu làm cho công ty nước ngoài, lương tháng sẽ là 2.000 USD.
Điều này dẫn đến thực trạng 3 giảng viên dạy tới 600 sinh viên trong khi quy định chỉ có 27SV/giảng viên. Đại biểu Vũ Ngọc Pi cho biết, cả trường ông chưa có giảng viên dạy tiếng Anh nào được đi đào tạo ở nước ngoài trong trình trạng thiếu giảng viên, thiếu thiết bị… của trường.
Vị đại biểu này đề nghị cần có chế độ chính sách hấp dẫn như đào tạo ở nước ngoài, ưu đãi về lương bổng và cam kết trách nhiệm để thu hút giảng viên giỏi ngoại ngữ tâm huyết với ngành.
Nói về kế hoạch triển khai đề án NN 2020 của ngành GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH cho biết: Mục tiêu cụ thể là sinh viên phải đạt trình độ tối thiểu bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ. Đối với các ngành chuyên ngữ, sinh viên tốt nghiệp CĐ phải đạt trình độ 4, tốt nghiệp ĐH phải đạt trình độ 5 đồng thời phải được đào tạo NN 2 đạt trình độ 3…
Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Pi nói: Nếu áp dụng ngay bây giờ chắc chắn sẽ không thực hiện được, sinh viên không đạt thì không ra trường được, cần phải có một lộ trình cụ thể hơn! Như vậy, câu trả lời cho sự thành công của đề án vẫn đang nằm phía trước với vô vàn thách thức không dễ vượt qua.