Mai Duy Minh và cuộc đào thoát khỏi cái nồi

Mai Duy Minh và cuộc đào thoát khỏi cái nồi
TP - Từ giã những cái nồi to đỡ 'Cầu Long Biên', 'Miền đất hứa', chàng họa sĩ có nét vẻ bay bổng siêu thực háo hức tìm bờ bến mới. Nó nằm ở Paris chăng?
Họa sĩ Mai Duy Minh. Ảnh: N.M.Hà
Họa sĩ Mai Duy Minh. Ảnh: N.M.Hà.
 

Người xem đến triển lãm Không thời gian (diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật đến 30-10) của 3 họa sĩ quê Hải Phòng hẳn đều chú ý tới bức tranh lớn nhất Miền đất hứa không chỉ vì kích cỡ 540X200cm. Đôi bàn tay răn reo bưng bát cơm như thể hai gốc cổ thụ bám chặt vào đất làm thành cái cổng chào khổng lồ mà ở dưới một người gầy guộc đang bò lê, bỏ lại sau quyển sách nhàu nát dang dở và xa xa một con thuyền nát mắc cạn. Tất cả được phủ lên một gam vàng bẩn, chết nhưng sâu thẳm.

Trong bức Cầu Long Biên 2010 (giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc), người ta thấy những cái nồi trở thành trụ cầu, thành nhà… Ở Đường mây, vung nồi thành mặt trăng. Những bức tranh của Mai Duy Minh trong triển lãm này đều ưu tư về nhu cầu tồn tại (chưa dám nói đến sống) của con người. Đây chính là những tác phẩm chính trong sự nghiệp của họa sĩ sinh 1976.

Miếng cơm manh áo là vấn đề của nhân loại, với Minh đơn giản nó từng là mối quan tâm sát sườn. Nay anh khẳng định đã giải quyết triệt để mọi thứ liên quan đến mưu sinh cách đây 3 năm, từ giờ đến cuối đời không phải quay trở lại vấn đề đó.

Cuối 2007, chuyến đi Mỹ triển lãm tại ĐHTH St.John ở New York khiến Minh quyết tâm thay đổi. Ở Mỹ, mọi thứ gây cho anh cảm giác chuyên nghiệp. Đến như xưởng vẽ của một giáo viên thuộc dạng “nghệ sĩ ngày chủ nhật” cũng chỉn chu chán so với xưởng của các họa sĩ chuyên nghiệp trong nước Minh từng biết.

Minh quyết định chấm dứt hơn 15 năm cơm niêu nước lọ ở Hà Nội, về quê sinh sống: “Đất Hải Phòng rất rẻ, với kinh tế có hạn người ta có thể kiếm được một xưởng làm việc ưng ý rất yên tĩnh. Dành chi phí để vẽ thì việc làm những bức tranh (lớn như thế) này trở nên đơn giản”.

Nếu có điều kiện hơn, nơi Minh chọn để lập nghiệp không phải là Hà Nội, mà là… Paris. “Người ta nói nơi khắc nghiệt với nghệ thuật nhất là Paris. Nếu đủ tiền, mình muốn thử khả năng trong môi trường khắc nghiệt để xem giá trị nghệ thuật của mình ở vị trí nào”.

Trong thời gian ký hợp đồng 1 năm rưỡi với Apricot Gallery để kiếm tiền, Minh vẽ bức đặc tả Đôi bàn tay của bà- điểm xuất phát của Miền đất hứa sau này. Với Miền đất hứa, người vẽ rất đẹp về sự nghèo khổ tuyên bố từ giã tất cả những gì liên quan đến nghèo khổ: “Bao năm phấn đấu chỉ để mô tả cuộc sống nghèo khổ trong khi nó chỉ là một mặt của đời sống này”.

“Sau triển lãm này là khoảng trống với nhiều hoang mang”, Minh chia sẻ. “Biết rõ cái mình phá đi rồi, nhưng không rõ cái mình mình sẽ xây nên”. Với phong cách đó, anh ta sẽ vẽ tiếp cái gì? Nếu người xem tò mò điều đó, nghĩa là Mai Duy Minh đã thành công.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG