'Ma thuốc độc' - ám ảnh một đồn thổi hoang đường
Những đồn thổi về “ma thuốc độc” đã ám ảnh bản Xết (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) từ bao năm nay. Hai năm trở lại đây, tin đồn càng lan rộng, giống như vết dầu loang, khiến bà con bản Xết khốn khổ, phải cầu cứu cơ quan chức năng.
Bản Xết nghèo hiu quạnh vì đồn thổi "ma thuốc độc". |
“Ma thuốc độc” được nuôi trong nhà!
Một người phụ nữ khoảng hơn 50 tuổi sống gần bản Xết kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về con “ma thuốc độc” với một sự dè chừng, cảnh giác đầy ma mị.
Chị kể, người dân nơi đây không biết “ma thuốc độc” có từ bao giờ, chỉ biết những người nuôi “ma thuốc độc” là người dân tộc thiểu số. Họ nuôi “ma thuốc độc” để bảo vệ gia đình, trả thù những kẻ gây điều xấu cho gia đình họ, để kinh tế vững chắc...
“Ma thuốc độc” được nuôi ở một nơi kín đáo trong nhà, người ngoài không bao giờ được tiết lộ, nếu không “con ma” sẽ tiêu diệt những người trong chính gia đình đó (!).
Những người nuôi “ma thuốc độc” phải là những người được tin tưởng của dòng họ và nuôi theo kiểu cha truyền con nối. Người dân nơi đây còn tin rằng người nuôi “ma thuốc độc” còn cho con vật này uống cả máu của mình.
Khi người này thù oán ai đó, chỉ cần lấy phân của con vật mang theo, bí mật cho vào thức ăn hay nước uống của “kẻ thù”, người bị bỏ độc sẽ mang bệnh âm ỉ cho đến chết.
Chủ nhân của con “ma thuốc độc” càng đầu độc được nhiều người thì kinh tế của họ càng khấm khá, con cháu càng phương trưởng.
Những lời đồn thổi mang màu sắc ma quái và siêu thực ấy cứ được truyền miệng từ người này đến người khác, từ bản này sang bản khác, xã này sang xã khác...
Và hiện tại, cả huyện Quỳ Hợp ai cũng biết chuyện bản Xết nuôi “ma thuốc độc”. Tin đồn lan nhanh như vệt dầu loang khiến cuộc sống của bà con bản Xết đảo lộn, khốn khổ.
Bà con bản Xết âu sầu vì nỗi oan "ma thuốc độc", rất mong được báo chí giúp minh oan. |
Đi học bị kỳ thị, ăn cỗ phải ngồi riêng
Bản Xết có 94 hộ với gần 450 nhân khẩu, đời sống của bà con dựa vào nương rẫy, cây rừng và một bộ phận nhỏ làm lúa nước. Bản Xết hiện vẫn còn hơn 36% số hộ nghèo đói. |
Đường vào bản Xết vắng lặng vì ít người vùng khác dám qua lại, lai vãng. Già làng Cao Văn Lý (75 tuổi) ngồi thu mình trong gian nhà xập xệ, buồn rầu nói: “Dân bản Xết đã chịu tiếng oan từ lâu lắm rồi. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây tin đồn này ngày càng nhiều. Đặc biệt từ đầu năm 2012 tin đồn bị thổi phồng như gió bão, bay đi khắp huyện”.
Ông Nguyễn Văn Kiên - Trưởng bản Xết - chia sẻ: “Tin đồn thất thiệt đó đã làm cho đời sống và kinh tế dân bản ngày càng khó khăn. Tôi là người dân gốc của bản đã mấy đời nay nhưng không biết con “ma thuốc độc” nó như thế nào, mà cả huyện lại có nói vanh vách. Họ vu oan cho bà con bản Xết chúng tôi rồi, nhà báo à”.
Từ khi mang “án” nuôi “ma thuốc độc”, học sinh bản Xết đến trường đều bị các bạn ở bản khác xa lánh, kỳ thị, không dám ngồi gần. Bản Xết có hơn 70 em học sinh đi học ở các trường, đi đâu cũng phải ngồi một góc riêng.
Người dân bản Xết đi ăn cưới, ăn cỗ hay đám ma cũng phải ngồi riêng một bàn. Khi ăn xong cũng không được uống nước mà phải về nhà uống.
Có sản vật như nải chuối, củ sắn, cân gạo, con cá... đem ra chợ bán cũng bị người ta từ chối mua, sợ bị dính “ma thuốc độc”, kinh tế của người dân bản vì thế càng khó khăn.
Cũng theo ông Kiên, khổ hơn cả là có những đôi trai gái yêu nhau mà không đến được với nhau. Trai, gái bản Xết yêu người bản khác rất khó được chấp nhận cho cưới.
Chị Nguyễn Thị Loan - Phó Chủ tịch xã Châu Lý - là người quê gốc Hà Tĩnh, về làm dâu xứ hẻo lánh này, đau khổ vì bị dân làng đồn thổi là người mang “ma thuốc độc” từ Hà Tĩnh về đây, bức xúc chia sẻ: “Tôi không hiểu nổi tại sao người ta lại suy diễn những chuyện vớ vẩn đến thế. Tôi khẳng định chẳng có con “ma thuốc độc” nào cả. Dân bản Xết lâu nay đã chịu đựng quá khổ rồi, chỉ mong báo chí minh oan cho bà con. Chúng tôi đã nhiều lần họp dân để nói rõ không có chuyện “ma thuốc độc” nhưng họ vẫn không tin”.
Cổng làng văn hóa bản Xết, nơi mà chỉ những người dân của bản mới dám đi vào. |
Thầy lang “bắt ma”
Biết chúng tôi vừa đi ra từ bản Xết, một người phụ nữ bán nước ven đường nhắc nhở: “Các chú bị “ma thuốc độc” ám rồi. Phải đi ra thầy lang chữa khẩn cấp thôi”. Nói rồi người phụ nữ chỉ cho chúng tôi địa chỉ thầy lang nằm ở xã Châu Thái, được đồn là chuyên bắt con “ma thuốc độc” ở bản Xết, từng “cứu mạng” hàng trăm người bị “dính ma” (!?).
Tìm hiểu thực hư, chúng tôi tìm về nhà thầy lang ở xã Châu Thái. Ngôi nhà mới làm khá khang trang, chứng tỏ kinh tế thầy lang khá vững chãi. Qua tìm hiểu được biết mấy đời nay nhà thầy chỉ làm nông, nhưng mấy năm gần đây thầy được một người có uy tín trong làng truyền lại cho bài thuốc… bắt ma, bởi vậy mà “cứu mạng” được bao nhiêu người, kinh tế cũng nhờ đó khấm khá hơn.
Vừa nhìn thấy chúng tôi, thầy phán luôn: “Các chú ở bản Xết ra đúng không? Thế là bị con “ma thuốc độc” ám rồi”. Dứt lời, vị thầy lang đi ra sau vườn hái một nắm lá, xoa xoa vào tay chúng tôi rồi bê ra một cốc nước giống mùi nước chè, bảo chúng tôi uống. Thấy chúng tôi uống xong, thầy bảo: “Đã được bắt con ma thuốc độc rồi. Giờ là bình yên để về nhà rồi đó”.
Rồi thầy ra giá luôn: giá của cốc nước chè là… 50 ngàn đồng. Nắm lá không tính tiền!
Từ ngày tin đồn “ma thuốc độc” lan mạnh, những thầy lang “bắt ma” kiểu như thế này càng mọc lên như nấm, thầy lang nào cũng khoe mình có “bí quyết gia truyền”. Và các thầy sống khỏe nhờ con “ma thuốc độc”.
Cầu cứu chính quyền và báo chí
Già Lý cho biết, từ lâu có những người dân bản Xết tử vong vì bị bệnh, có đi bệnh viện, có kết luận căn nguyên rõ ràng nhưng dư luận cứ đồn thổi đó là do bị “ma thuốc độc” gây họa. Tin đồn trên lan nhanh khiến nhiều người thiếu hiểu biết tin rằng bản Xết có nuôi ma thật.
Giờ đây sự việc đã đi quá xa, người dân bản Xết đã tuyệt vọng, chỉ mong chính quyền và báo chí giúp dân bản giải oan, để cuộc sống bà con trở lại bình thường. Bà con nơi đây cũng đã gửi đơn tới UBND huyện Quỳ Hợp mong được “cởi trói” khỏi những tin đồn thất thiệt song không có kết quả.
Rõ ràng chuyện “ma thuốc độc” là hoang đường và nhảm nhí. Để câu chuyện này lan rộng và đi quá xa như hiện nay có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Chúng tôi, những người đã vào bản Xết, uống nước từ tay người dân bản, và trở về an toàn, cũng băn khoăn, liệu có sự liên quan nào giữa việc tin đồn “ma thuốc độc” lan nhanh và sự xuất hiện ngày càng nhiều những thầy lang “bắt ma gia truyền”?
Câu hỏi này rất cần được chính quyền địa phương trả lời thỏa đáng.
Theo Nguyễn Duy - Đức Thanh
Dân Trí