Mả Lạng chờ mặt trời

Mả Lạng chờ mặt trời
TP - Sau khá nhiều thời gian được phường sở tại thu xếp, cuối cùng tôi cũng được đưa vào thăm khu Mả Lạng, địa danh nằm giữa quận 1 của TPHCM một thời nổi tiếng cả nước về tệ nạn ma túy công khai.

> Làng két sắt

Mả Lạng lọt giữa dòng đời

Người dân quân đưa tôi đi một vòng khu Mả Lạng thuộc quận trung tâm của thành phố phát triển nhất nước. Khu Mả Lạng được gọi là Tứ giác vàng, bởi nó có tới bốn mặt tiền là các đường Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Trần Đình Xu và Nguyễn Trãi, với diện tích khoảng 10ha, nhưng…tìm mãi mới ra lối vào.

Hóa ra để ngăn chặn tệ nạn buôn bán ma túy và các loại tội phạm thâm nhập vào khu Mả Lạng, chính quyền đã cho bịt tất cả các lối vào ra ở cả bốn tuyến phố, chỉ để lại vỏn vẹn hai lối ra cho toàn bộ khu dân cư hàng ngàn hộ.

Tại hai cửa ngõ huyết mạch, gọi là các "chốt", tôi thấy lực lượng đóng quân 24 giờ mỗi ngày.

Tất cả người lạ ra vào đều được theo dõi chặt chẽ. Chưa bao giờ tôi lọt vào một khu dân cư đông đảo với hơn 100 tổ dân phố, mà lại được quản lý chặt chẽ như thế.

Tại một chốt vào khu Mả Lạng, ông Điệp là Trưởng ban quản lý khu phố cùng nhiều dân quân tự vệ đang túc trực.

Người dân phòng có hai con trai nghiện ma túy
Người dân phòng có hai con trai nghiện ma túy.

Ông Điệp nói: "Những năm 1990, không hiểu sao khu này biến thành chợ mua bán ma túy. Người dân bán ma túy như bán rau. Mất mấy năm, từ bộ đến thành phố tập trung lực lượng mạnh đánh vào Mả Lạng, mới ổn định được tình hình. Bây giờ, nạn buôn ma túy đã chấm dứt, nhưng vẫn phải đề cao cảnh giác".

Ông cho biết, hai chốt trực, ban ngày lực lượng tổ dân phố đảm nhiệm, từ 10 giờ đêm giao lực lượng của phường và quận. Chưa kể lực lượng trinh sát của các cấp ngành nữa.

Ông Ngọc, một cán bộ dân phòng tóc đã bạc vẫn còn đi tuần, nói với tôi: "Hồi trước con nghiện nhiều mà chưa có các trại để cai, nên chúng đổ hết vào Mả Lạng.

Đối tượng mang một vài tép đông quá, bắt không xuể, chúng tôi chỉ tịch thu hàng rồi vứt xuống cống trước mặt chúng. Đứa nào mang từ mười tới vài chục tép chúng tôi mới bắt".

Có những tổ dân phố 48 hộ thì 42 hộ có người buôn ma túy. Chúng đưa cả người già và trẻ con ra làm bình phong, thậm chí hóa trang cho trẻ con mặc đồng phục quàng khăn đỏ đưa ma túy ra ngoài.

Chỉ riêng năm 2002 đã có khoảng 200 bánh heroin tiêu thụ ở Mả Lạng. Hôm nào Mả Lạng bị cơ quan chức năng trấn áp, lập tức hôm đó giá ma túy trên toàn thành phố tăng vọt! Tội phạm cũng không vừa. Chúng tổ chức phản công.

Ông Ngọc kể: "Chúng quây lại tấn công em chúng tôi tan tác cả. Tôi bị chúng vây, đánh vỡ đầu, phải khâu 5 mũi".

Chỉ riêng năm 2002 đã có tới 300 đối tượng bị bắt giữ vì liên quan tới các tội ác tại Mả Lạng. Ông Ngọc nói: "Nếu không có trung ương và thành phố ra tay thì người dân chúng tôi chắc đã bị nạn ma túy xóa sổ hết cả rồi".

Muốn quên đi tên gọi quê hương

Một ngôi nhà Mả Lạng được xây 3 tầng, nhưng diện tích mặt bằng chỉ 4m2
Một ngôi nhà Mả Lạng được xây 3 tầng, nhưng diện tích mặt bằng chỉ 4m2.
 

Anh Phương, Chánh văn phòng UBND phường Nguyễn Cư Trinh nói: "Chúng tôi đã làm công văn gửi các cấp đề nghị không đưa địa danh Mả Lạng vào hộ khẩu và giấy tờ tùy thân của nhân dân.

Nghe hai tiếng Mả Lạng, người ta sợ, không nhận con em địa phương vào làm việc". Ông Điệp cũng bảo: "Nguyện vọng của nhân dân là đừng bao giờ đưa hai chữ Mả Lạng vào giấy tờ, kẻo ảnh hưởng đến các đời sau”.

Theo ông Điệp, địa danh Mả Lạng có nguồn gốc từ thời Pháp. Nguyên khu này là nghĩa trang vô thừa nhận. Dân nghèo kéo tới ở. Một số băng đảng đã từng cư ngụ tại đây trước 1975.

Ngày 26-4- 1975, trong những cuộc giao tranh cuối cùng trước ngày giải phóng, một quả pháo rơi trúng nhà bà bán dầu, đám cháy xảy ra đốt trụi hầu hết khu Mả Lạng.

Sau ngày giải phóng, dân cư được đưa đi hồi hương về các tỉnh hoặc đi kinh tế mới. Tới khi dân kinh tế mới trở về, Mả Lạng lại đông đúc. Dân chúng sống bằng nghề đạp xích lô, bán hàng rong. Vào thời mở cửa, nạn buôn bán ma túy bùng phát.

Anh Hùng Anh, cán bộ dân phòng, có 4 đứa con. Một cháu bị bệnh ốm mất. Hai đứa dính vào ma túy, một đã chết, một còn trong trại cai nghiện.

Anh kể: "Thằng con tôi chết oan uổng lắm. Hằng ngày đi bán báo nuôi gia đình. Không ngờ nó bị kẻ xấu lôi kéo. Khi gia đình biết, nó đã nghiện quá sâu".

Con chết không kịp trăng trối gì. Người cha ôm hận vì không lo được cho con nên người. Anh đưa tôi vào thăm mấy gia đình cùng cảnh ngộ. Họ đều là dân đi kinh tế mới về cả.

Chị Thủy nách hai con nhỏ. Chồng chị vào trại cai nghiện hai năm chưa về. Chị sống bằng nghề giặt quần áo thuê. Bà Chớ sinh 1953, có con trai 23 tuổi bị bắt vì bán "hàng trắng". Ngày ngày bà lượm ve chai, giấy vụn bán kiếm tiền nuôi cháu.

Chưa thấy mặt trời trọn vẹn

Khu dân cư thiếu ánh sáng Ảnh: T.N.A
Khu dân cư thiếu ánh sáng.  Ảnh: T.N.A.
 

Nạn ma túy đã bị đẩy ra khỏi Mả Lạng. Nhưng Mả Lạng không chỉ khổ với "hàng trắng". Người dân nói với tôi: "Chẳng nơi nào trên nước ta vẫn còn những khu dân cư không nhìn thấy mặt trời".

Anh Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND Phường Nguyễn Cư Trinh cho biết, phường của ông là một trong hai phường đông dân nhất Quận 1. Với diện tích 0,7632 km2 , dân số 29.539 người, mật độ dân cư lên tới 38.704 người/km2.

Sở dĩ mật độ cao như vậy bởi phường tồn tại hai khu tái định cư cho người đi kinh tế mới về, là khu Đồng Tiến và khu Mả Lạng. Cả hai khu đều từng nổi tiếng cả nước về nạn ma túy.

Mỗi hộ gia đình kinh tế mới về được cấp một gian ở Mả Lạng, bề ngang 3m, chiều sâu 4m (sau dân nới ra mặt ngõ thêm 1m nữa). Nhà bằng cót, lợp mái tôn.

Khu vệ sinh dùng chung. 1.300 hộ ở khu vực Mả Lạng hiện nay phần lớn đều giữ được giấy tờ thuê nhà của nhà nước với diện tích mỗi hộ 15m2.

Nhưng, sau nhiều năm, sinh con đẻ cái, người ta đã chia cho con cái hoặc bán bớt đi, nên ở Mả Lạng rất nhiều nhà diện tích chỉ 7m2. Dĩ nhiên, không đủ chỗ để đặt giường, bởi vậy mà giường là thứ vô cùng xa xỉ ở Mả Lạng.

Tiếng là dân quận 1 của thành phố thu nhập đầu người cao nhất nước, nhưng phần nhiều dân Mả Lạng làm phụ hồ, làm thuê, lượm rác...?

Tôi đã gặp hai mẹ con bà Thanh, một gia đình Bắc di cư, đi kinh tế mới về, không nhà cửa, được xếp vào ở Mả Lạng.

Từ năm 1975 đến nay họ không có ti vi. Cách đây độ một tháng, hàng xóm cho họ cái ti vi cũ, nhưng bà cũng ít xem vì phải tiết kiệm điện. Cô con gái đi sơn móng tay thuê nuôi mẹ, lâu lâu mới có việc.

Một dự án xây dựng khu liên hợp tại khu tứ giác vàng Mả Lạng đã được khởi động 10 năm qua mà chưa thực hiện được.

Diện tích xây dựng lên tới 7ha, nhưng nhà đầu tư sẽ phải đền bù giải tỏa cho 1.300 hộ. Một khoản tiền không nhỏ.

Trong những ngõ tối không thấy ánh nắng, người dân ngóng đợi sự thay đổi nào đó đến với Mả Lạng, sau khi nạn ma túy được đẩy lùi. Họ chờ đợi dự án tứ giác vàng với thái độ khá lặng lẽ.

Vợ chồng người dân phòng có con chết vì ma túy nói với tôi: "Nhà chúng tôi chỉ vỏn vẹn 7m2, chẳng biết đến khi đền bù thì được bao nhiêu tiền, đủ kiếm một chỗ để sinh sống hay không?".

Băn khoăn vậy nhưng hằng ngày ông vẫn cần mẫn trực chốt, quyết không cho nạn buôn ma túy trở lại nữa. Ông nói: "Tôi vẫn còn một đứa con út đang đi học. Nó không thể bước chân lầm lạc theo hai đứa anh của mình".

Nguyện vọng của nhân dân là đừng bao giờ đưa hai chữ Mả Lạng vào giấy tờ, kẻo ảnh hưởng đến các đời sau” - Ông Điệp

3- 2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.