Lý Sơn - những cây phong ba mang gương mặt phụ nữ

Vợ các ngư dân đi trên tàu của thuyền trưởng Lê Minh Tân đau đớn khi những người chồng nằm mãi ở Hoàng Sa. Ảnh: Lê Văn Chương
Vợ các ngư dân đi trên tàu của thuyền trưởng Lê Minh Tân đau đớn khi những người chồng nằm mãi ở Hoàng Sa. Ảnh: Lê Văn Chương
TP - Có người ví đàn bà ở Lý Sơn là những “củ tỏi cô đơn”, bởi trên đảo nhỏ giờ có đến hơn 400 “hòn vọng phu”, chủ yếu chồng mất bởi bão tố, tai nạn trên biển... Từ mấy trăm năm trước khi những binh phu Hoàng Sa một đi không trở về, đến những tháng ngày biển Đông dậy sóng.  

Một buổi trưa nọ, tôi lặng người chứng kiến những người đàn bà Lý Sơn ngồi sàng cát. Bên bờ sóng biển Đông. Để bỏ vào quan tài người thân vừa mới qua đời. Họ phải nhanh tay sàng sảy cho thật sạch, rửa cát, phơi khô. Như phơi hành tỏi. Cát nơi đây còn quý hơn vàng. Những hạt cát tinh khôi ấy, một mai sẽ lại rời thân xác để hòa vào đất. Để tiếp tục ôm ấp nuôi nấng những lứa hành lứa tỏi, những gốc bàng biển xù xì hiên ngang…

Lý Sơn - những cây phong ba mang gương mặt phụ nữ ảnh 1 Những người đàn bà Lý Sơn đãi cát cho những nấm mộ giữa biển Đông. Ảnh: Trần Tuấn

Hơn 20 năm trước, tôi ghé thôn Đông, xã An Vĩnh thăm nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Phẩm. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất trên đảo Lý Sơn hồi đó tuổi ngoài 70, đang lui cui phơi hành tỏi trên cái sân xi măng của ngôi nhà tình nghĩa vừa mới xây xong. Bóng người mẹ Lý Sơn nhỏ nhắn đơn côi bóng nắng tròn lưng.

Chồng và con trai của mẹ là những hậu duệ của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật hơn 180 năm trước vâng mệnh triều đình chỉ huy 70 dân binh đầu tiên của Lý Sơn dong thuyền nhỏ vượt bão tố ra Hoàng Sa cắm bia dựng mốc chủ quyền, trồng cây, đo đạc thủy trình… Sau nhiều chuyến ra vào Hoàng Sa, lần cuối cùng thân xác Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật cùng những binh phu Lý Sơn đã gửi lại nơi biển khơi. Chồng và con trai duy nhất của mẹ Phẩm cũng lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Thân thể chồng gửi lại phương trời nào mẹ Phẩm không thể biết. Còn nơi nằm lại của con trai ở huyện Sơn Tịnh từ sau ngày giải phóng mỗi lần vào đất liền họp Hội phụ nữ huyện, mẹ lại đi tìm và cuối cùng đã tìm thấy. Năm 1979, vào đất liền họp xong, hành trang ra đảo của người mẹ Lý Sơn là nắm cát dưới ngôi mộ con trai Phạm Hồng Thiên, bởi dưới ấy giờ đây chỉ còn là cát. Khi tôi tới thăm mẹ, cũng là lúc ngôi mộ gió của ông Phạm Chánh vừa được lập nên. Hai cha con hùng binh họ Phạm giờ nằm lại nơi nghĩa trang liệt sĩ gần nhà. Cũng gần bên nấm mộ gió của thủy tổ Phạm Hữu Nhật. Cuộc đoàn tụ của những thế hệ Lý Sơn. Một buổi sáng giáp Tết Đinh Dậu 2017, mẹ Phẩm lặng lẽ về với chồng con ở tuổi 93…

Lý Sơn - những cây phong ba mang gương mặt phụ nữ ảnh 2 Lão ngư Nguyễn Đảng vui mừng thoát nạn từ Hoàng Sa về với vợ con, nhưng chỉ 2 tháng sau ông nằm lại vĩnh viễn ở Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường

Có người ví đàn bà ở Lý Sơn là những “củ tỏi cô đơn”, bởi có đến hơn 400 chị em đơn thân, chủ yếu chồng mất bởi bão tố, tai nạn trên biển. Từ mấy trăm năm trước, những binh phu Hoàng Sa một đi không trở về. Để gọi chồng con trở về, những người đàn bà chít khăn trắng, thân hình liêu xiêu trước gió biển và gào lên thảm thiết: “Chư thần chiếu thả chồng con trở về đi!”. Tiếng của họ lẫn trong tiếng gió cồn cào, nỗi buồn se sắt lòng. Theo tục, con trai cả ở nhà chăm sóc bố mẹ, con thứ sẽ đi Hoàng Sa. Tiếng gọi của các bà mẹ tìm con chìm vào tiếng sóng Hoàng Sa.

Ngày 22/12/2010, nhằm ngày 15/11 âm lịch, khi Tết nhất đã cận kề, thuyền trưởng Lê Minh Tân, 50 tuổi, cùng 5 ngư dân nghèo nhổ neo con tàu QNg 66192 TS ra Hoàng Sa tranh thủ làm phiên biển kiếm lon gạo, manh áo Tết cho con. Ngờ đâu con thuyền đi bằn bặt không về. Cô bé Lê Thị Thanh Thanh, con gái thuyền trưởng Tân, lúc đó 16 tuổi, là Liên đội trưởng, Bí thư chi đoàn lớp, học sinh xuất sắc suốt 10 năm liền ở trường THPT Lý Sơn đã cùng mẹ là bà Ngô Thị Việt bỏ cái Tết năm ấy để lang thang khắp nơi tìm cha, với hy vọng mong manh.

Lý Sơn - những cây phong ba mang gương mặt phụ nữ ảnh 3 Em Dương Thị Xuân Trường, con gái của “sói biển” Dương Văn Giàu tham gia giao lưu cầu truyền hình năm 2014 và nói về cha mình. Ảnh: Lê Văn Chương

Trên con tàu cá mất tích của thuyền trưởng Tân có một ngư dân 70 tuổi là ông Nguyễn Đảng. Một bi kịch không thể đau đớn hơn. Khi chỉ mới 2 tháng trước đó (tháng 10/2010), ông Đảng là 1 trong 9 thuyền viên trên tàu cá QNg 66478 của “sói biển” Mai Phụng Lưu được Trung Quốc thả về sau mấy tháng trời bắt bớ, giam giữ ở Hoàng Sa.

Ngày trở về, hình ảnh lão ngư Lý Sơn đầu tóc bạc phơ có thâm niên 50 năm bám biển ôm chầm đứa con gái 7 tuổi lúc về đến bờ khiến những người chứng kiến đều ứa nước mắt. Nay thì ngư dân can trường ấy đã không về. Bà Nguyễn Thị Xí, 50 tuổi, vợ của ông Đảng, kể trong nước mắt: “Ông ấy bị bắt giam ở Hoàng Sa mới được thả về đi làm lại kiếm tiền lo Tết cho gia đình. Trước khi đi ông ấy dặn chờ tôi kiếm ít tiền về rồi mới đi sắm Tết. Mẹ con đinh ninh giáp Tết ông ấy về gia đình sum họp, ai ngờ…”.

Ngôi nhà của thuyền trưởng “sói biển” Dương Văn Giàu nằm cuối đảo Lý Sơn, chỉ mấy bước chân là chạm biển. Những ngày đầu tiên của năm 2019, chị Bùi Thị Phước Thạnh, vợ anh, và cô con gái nhỏ là Dương Thị Xuân Trường nằm liệt trong buồng tối ẩm thấp suốt 18 ngày trời. Giữa lúc họ hàng, bà con chòm xóm đứng ra lo liệu hậu sự và đặt thầy cúng làm hình nhân để xây mộ gió, cầu hồn để ngư dân Dương Văn Giàu từ biển khơi nhớ đất liền mà trở về bản quán.

Lý Sơn - những cây phong ba mang gương mặt phụ nữ ảnh 4 Phụ nữ Lý Sơn luôn mạnh mẽ như những cây phong ba. Ảnh: N.C

Nhớ mùa hè năm 2014, Lý Sơn cũng như cả nước sục sôi giận dữ trước việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong chương trình cầu truyền hình Tổ quốc nhìn từ biển do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, tại điểm cầu trên đảo Lý Sơn xuất hiện bé gái Dương Thị Xuân Trường khi ấy mới 10 tuổi. Cô bé con gái của “sói biển” Dương Văn Giàu, người từng 5 lần bị Trung Quốc bắt bớ, đập phá, tịch thu ngư lưới cụ, hôm ấy bày tỏ nỗi lo lắng của một đứa bé, khi cha đi Hoàng Sa và luôn bị rượt đuổi. Lần ấy, cô bé nới với các chú phóng viên, rằng “Con vừa theo mẹ vào chùa Hang thắp nhang mong cho ba bình yên trở về”.

Giờ thì kình ngư sinh năm 1977 Dương Văn Giàu đã vĩnh viễn nằm lại biển Hoàng Sa vào cái đêm định mệnh 1/1/2019. Khi sóng lớn bất ngờ lật nghiêng con tàu, hất văng thuyền trưởng Giàu từ buồng lái xuống biển đêm. Giờ đây, tại vũng neo đậu Mù Cu ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, chiếc tàu QNg 96055 TS của anh Giàu thả chiếc dây neo khá dài, đứng riêng biệt với vẻ cô đơn giữa nhiều chiếc tàu đang xếp một hàng dài. Nỗi đau của mẹ con cô bé Xuân Trường cũng không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai…

Trên đảo giờ vẫn còn lưu truyền giai thoại ban đầu làng có cả thảy 15 vị tiền hiền có công khai khẩn Lý Sơn, nhưng sau có 2 vị bị làng họp lại và “trế truất” ngôi tiền hiền, chỉ vì lỗi của hai…bà vợ (!).   

Giai thoại có lẽ chỉ là giai thoại. Bởi hiếm nơi đâu có những người phụ nữ như ở Lý Sơn. Không như những làng chài trên đất liền vợ ngồi nhà chờ chồng đi biển. Những người đàn bà Lý Sơn luôn chân luôn tay chịu khó lam làm, hết trên đồng tỏi, lại lặn lội nơi đầu ghềnh cuối bãi quanh đảo để hái rong biển, rau chân vịt, rau đông mỗi khi đến mùa. Những người đàn bà hết lặn xuống bãi san hô sắc như dao cắt, mặc cho sóng dữ dồn dập dội thẳng vào người, lại cheo leo đu mình trên những mỏm đá lởm chởm, để mưu sinh, cùng chồng nuôi sống gia đình.

Không phải những “cây tỏi mồ côi”, mà đàn bà Lý Sơn luôn như những thân phong ba, không nỗi đau đớn, tuyệt vọng nào quật ngã nổi…

Lý Sơn, 4/7/2020

Gần đây nhất, ngày 10/6/2020, tàu cá QNg 96416 TS do ngư dân Nguyễn Lộc (42 tuổi, thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) làm chủ, kiêm thuyền trưởng cùng 15 lao động hành nghề lặn trên vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tông chìm, khống chế lấy hải sản, ngư lưới cụ. Toàn bộ ngư dân bị văng xuống biển. May mắn, chiếc túi cá của ngư dân đã chìm sâu 4-5 mét nhưng không biết thế nào lại nổi lên, trở thành phao cứu sinh thần kỳ… Nếu không, Lý Sơn lại thêm 16 ngôi mộ gió cùng 16 “hòn vọng phu”…

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.