Trên đường Nguyễn Tri Phương của xã Tân Bình (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) có gần chục cây dầu đã hơn 100 năm tuổi. Những cây dầu này không chỉ tạo bóng mát và làm đẹp cảnh quan, mà còn bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, gần đây những cây dầu này bị đốn hạ một cách đột ngột.
Gần chục cây dầu đã hơn 100 năm tuổi ở xã Tân Bình (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) trước khi bị đốn hạ. Ảnh: Kinh tế Đô thị. |
Những cây dầu này nằm dọc hai bên đường Nguyễn Tri Phương, thân cây to với đường kính từ 70 - 80 cm và cao khoảng 35 - 40 m. Đến ngày 7/8, hầu hết các cây dầu này đã bị đốn hạ, được xe cẩu đến kéo đi khỏi hiện trường.
Theo phản hồi từ Ban Tuyên giáo Thị ủy La Gi, những cây dầu này nằm dọc hai bên đường Nguyễn Tri Phương bị đốn hạ để thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Tri Phương ở thôn Tân Lý 2, xã Tân Bình.
Dự án này được UBND thị xã La Gi quyết định đầu tư nhằm khắc phục tình trạng mặt đường nhỏ, hẹp, hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông, nâng cấp đồng bộ hệ thống giao thông đô thị trên địa bàn thị xã, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nâng cao mỹ quan đô thị và góp phần phát triển kinh tế xã hội, du lịch của địa phương.
Tổng chiều dài của thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Tri Phương hơn 2.496 m. Chiều rộng lòng đường sau khi dự án hoàn thành là 12 m (hiện hữu chỉ có 6 m, mở rộng mỗi bên 3 m, lề đường mỗi bên 1 m).
Trong quá trình thi công, có 8 cây dầu nằm trong hành lang thi công nâng cấp, mở rộng tuyến đường (7 cây đang sinh trưởng và phát triển bình thường, 1 cây chết khô), có nguồn gốc là cây tự nhiên, nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp qua các thời kỳ, đất thuộc UBND xã Tân Bình quản lý.
8 cây dầu đã bị đốn hạ để thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Tri Phương ở thôn Tân Lý 2, xã Tân Bình. Ảnh: Kinh tế Đô thị. |
Việc xử lý 8 cây dầu nói trên đã được các cơ quan chức năng khảo sát thực tế tại thực địa, có ý kiến của Chi cục Kiểm lâm tại văn bản số 827/CCKL-SDPTR ngày 15/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận tại văn bản số 2341/SNN-VP ngày 24/7 xác định 8 cây dầu trên có nguồn gốc tự nhiên nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Do đó, trường hợp này 8 cây dầu được xác định thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Các cơ quan thống nhất phương án xử lý tận thu, thực hiện thanh lý, đấu giá theo quy định. UBND thị xã La Gi đã có văn bản số 2209/UBND-KT ngày 29/7 chỉ đạo cụ thể về việc này.
Ban Tuyên giáo Thị ủy La Gi khẳng định, việc đốn hạ 8 cây dầu có sự thống nhất về mặt chủ trương từ tỉnh Bình Thuận đến thị xã, tuân thủ theo quy định pháp luật.