Lưu ý khi dùng thuốc chữa rối loạn tiền đình

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Lứa tuổi trung niên và người cao tuổi thường gặp bệnh rối loạn tiền đình với triệu chứng nổi bật là chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng..

Lứa tuổi trung niên và người cao tuổi thường gặp bệnh rối loạn tiền đình với triệu chứng nổi bật là chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng... Nhiều người tự ý mua thuốc theo lời mách hay tư vấn của dược sĩ mà không có chỉ định của bác sĩ cũng như không chú ý đến tác dụng phụ hay các tương tác thuốc cần thiết đã gây ra nhiều biến chứng. Dưới đây là một số thuốc thường được dùng khi có bệnh rối loạn tiền đình và những lưu ý cần thiết khi sử dụng.

Vì sao mắc rối loạn tiền đình?

Rối loạn tiền đình là sự mất thăng bằng áp suất trong khoang tiền đình, viêm tai mạn tính (viêm ống tai ngoài, viêm tai giữa) hoặc viêm niêm mạc ốc tai tiền đình. Ngoài ra, thiếu máu não hay thiểu năng tuần hoàn máu não lâu ngày như huyết áp thấp hoặc tăng huyết áp hoặc bệnh lý của cột sống cổ (thoái hóa, thoát vị, viêm, hẹp thân đốt...), tăng mỡ máu, môi trường ô nhiễm, thay đổi thời tiết (chuyển mùa), nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống...) hoặc bệnh lý của cơ quan tạo máu có thể gây nên rối loạn tiền đình.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc trị rối loạn tiền đình

Thuốc acetyl leucine được dùng điều trị triệu chứng chóng mặt trong hội chứng rối loạn tiền đình. Thuốc đào thải qua thận và chuyển hóa ở gan nên được chống chỉ định đối với người bị suy thận hoặc suy gan. Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, nếu muốn dùng thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, acetyl leucine có thể gây ra khó chịu ở một số người khi sử dụng và có thể tương tác với một số thuốc khác nên người bệnh cần thông báo với bác sĩ điều trị những thuốc đang sử dụng để chuyển sang dùng loại thuốc khác.

Thuốc cinnarizin là thuốc kháng histamin H1, được chỉ định điều trị triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, loạng choạng, mất định hướng, ù tai trong rối loạn tiền đình. Tuy vậy, thuốc gây buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa. Có thể xảy ra nhưng hiếm hiện tượng đau đầu, khô miệng, tăng cân. Ở trường hợp đặc biệt có thể bị ra mồ hôi và dị ứng, có thể làm tái phát triệu chứng bệnh Parkinson (nếu có tiền sử bệnh). Vì vậy, người lái xe, đứng máy không được dùng khi đang làm việc. Những bệnh nhân nhạy cảm nên bắt đầu dùng thuốc với liều lượng nhỏ rồi sau mới tăng dần liều. Với người tiền sử có bệnh Parkinson bị rối loạn tiền đình, khi đi khám bệnh cần cung cấp thông tin về bệnh cho bác sĩ biết để có sự cân nhắc có nên dùng cinnarizin hay không. Khi đang dùng cinnarizin thì không nên uống rượu hay dùng thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc chống trầm cảm 3 vòng vì sẽ gây tăng tác dụng buồn ngủ của thuốc.

Thuốc flunarizine là thuốc đối kháng canxi có chọn lọc, được dùng để điều trị triệu chứng chóng mặt, nhức đầu trong hội chứng tiền đình bởi thiểu năng tuần hoàn não và suy giảm oxy tế bào não. Tuy vậy, thuốc không dùng cho bệnh nhân có tiền sử trầm cảm hoặc tiền sử có bệnh Parkinson, đặc biệt ở những bệnh nhân cao tuổi. Trong một số trường hợp hiếm, mệt mỏi có thể gia tăng trong điều trị với flunarazine, trường hợp này nên ngưng điều trị. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần chú ý không được vượt quá liều quy định và phải được khám đều đặn theo kỳ hạn, đặc biệt trong giai đoạn điều trị duy trì để có thể phát hiện sớm triệu chứng ngoại tháp (vận động chậm, cứng đơ, nằm ngồi không yên, loạn vận động, run) hay trầm cảm và ngưng điều trị. Nếu trong điều trị duy trì không đạt hiệu quả điều trị thì cũng nên ngưng điều trị nhưng phải có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, khi bắt đầu điều trị nên thận trọng trong các hoạt động như lái xe hay vận hành máy móc vì thuốc có thể gây buồn ngủ. Thuốc có thể bài tiết qua sữa, cho nên phụ nữ đang cho con bú cũng không được dùng.

Thuốc vipocetin là một loại thuốc được chỉ định điều trị trong rối loạn tiền đình, bởi vì có tác dụng cải thiện chuyển hóa não, làm tăng sức chịu đựng thiếu oxygen của tế bào não. Tuy vậy, cần lưu ý vì thuốc có thể gây hạ huyết áp tạm thời hoặc làm rối loạn giấc ngủ, do đó, khi dùng cần cảnh giác và nên kiểm tra huyết áp khi có biểu hiện tụt huyết áp. Tác dụng phụ hiếm gặp khác của thuốc trên hệ tiêu hóa là ợ nóng, đau bụng, buồn nôn. Ngoài ra, có thể gặp những phản ứng dị ứng. Bên cạnh đó, dạng thuốc tiêm của vipocetin tương kỵ với heparin nên không được truyền thuốc này cho người đang dùng heparin.

Ngoài ra, có một số thuốc khác được sử dụng trong điều trị rối loạn tiền đình như almitrine bismésilate, raubasine... Tuy nhiên, nếu người bệnh muốn sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng để biết những điều nên tránh.

BS. Bùi Bảo Linh

Theo Theo SKĐS
MỚI - NÓNG