Lụp xụp nhà trọ cho công nhân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tan ca làm, chị Biên (30 tuổi, quê Hoà Bình), công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), vội về phòng trọ với chồng, con vừa lên thăm. Căn phòng nhỏ chị thuê chỉ khoảng 10m2, kê chiếc phản đã chiếm gần hết diện tích. Mỗi tháng, chị phải trả gần 2 triệu đồng tiền phòng và điện nước, chiếm khoảng 1/3 tiền lương.

Chị Biên chỉ là một trong số hàng nghìn công nhân phải thuê trọ quanh khu vực Khu công nghiệp Thăng Long để tiện đi làm. 9 năm rời Hoà Bình đi làm công nhân cũng là 9 năm chị phải thuê trọ. “Thời mới đi làm, lương ít hơn thì khó khăn nhiều hơn. Giờ thu nhập khá hơn tí, nhưng tiền phòng cũng tăng nhiều rồi”, chị Biên nói. Nơi chị Biên thuê cách cổng Khu công nghiệp Thăng Long chưa đầy một cây số. Dãy nhà gồm nhiều phòng trọ cấp 4, căn rộng thì giá khoảng gần 2 triệu đồng/tháng. Căn nhỏ hơn giá hơn 1 triệu đồng. Theo chị Biên, nếu cộng thêm tiền điện, nước… cũng phải chi trả khoảng 1,5 - 3 triệu/tháng tuỳ phòng. “Thu nhập của công nhân cũng chỉ vào khoảng 7 - 8 triệu/tháng. Riêng tiền phòng đã phải chi gần 1/3, còn chi phí sinh hoạt, ăn uống. Mỗi tháng cũng không để ra được bao nhiêu”, chị Biên nói. Chồng chị chưa có việc làm, con trai chị sang năm đi học lớp 1.

Lụp xụp nhà trọ cho công nhân ảnh 1

Mẹ con chị Biên ở phòng trọ gần Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Trường Phong

Khác với chị Biên, chị Hà (40 tuổi, quê Sơn La) được Cty bố trí cho ở trong khu chung cư của Khu công nghiệp. Hằng ngày, chị Hà và các công nhân cùng Cty được xe đưa, đón lên Khu công nghiệp Quang Minh để làm việc. “Mình làm ở đây cũng được chục năm rồi. Cty bố trí cho 4 chị em ở chung một phòng, không mất tiền thuê. Chị em chỉ góp tiền để nấu ăn chung thôi”, chị Hà nói. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều phòng trong các chung cư ở Khu công nghiệp dường như không có người ở. Chị Hà cho biết, với những công nhân có gia đình, thường họ lựa chọn thuê phòng bên ngoài để thoải mái hơn về giờ giấc. “Gia đình mình vẫn ở trên Sơn La. Nếu có ngày nghỉ, mình sẽ về quê thăm. Ở khu công nghiệp có nhiều gia đình trẻ, họ thường thuê phòng để tiện sinh hoạt, vì trong khu chung cư này phải theo giờ giấc quy định”, chị Hà thông tin.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, quanh khu vực Khu công nghiệp Thăng Long có nhiều phòng trọ cho công nhân thuê. Giá phòng dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/tháng tuỳ vào chất lượng phòng. Không ít phòng trọ ẩm thấp, diện tích nhỏ, vệ sinh kém, nhưng nhiều công nhân vẫn chấp nhận ở để tiết kiệm chi phí. Không chỉ vậy, theo nhiều công nhân, đôi khi vẫn có tình trạng mất an ninh trật tự, trộm đồ ở các khu trọ công nhân. “Nếu như Nhà nước có chính sách xây dựng các chung cư mini, căn hộ nhỏ, hỗ trợ cho gia đình công nhân như gia đình tôi thuê với giá hợp lý thì cuộc sống sẽ thay đổi nhiều”, chị Biên nói.

Mới đây, tại hội nghị Bí thư Thành uỷ Hà Nội đối thoại với đại biểu phụ nữ thành phố, chị Lê Nguyễn Ngọc Thủy (công nhân Cty TNHH TOTO Việt Nam) đại diện cho công nhân Khu công nghiệp đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm chủ trương xây nhà ở thu nhập thấp, đầu tư thêm nhà trẻ, trường học, tăng lớp học công lập, tạo điều kiện để con công nhân có điều kiện được học tập với chi phí thấp. Về vấn đề này, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố đã chỉ đạo quy hoạch để sớm kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nhà xã hội tập trung quy mô lớn, trước mắt sẽ thực hiện ở huyện Đông Anh một khu rộng khoảng 100 ha. Thành phố cũng xác định quan điểm sẽ dùng nguồn ngân sách để đầu tư trường học, bệnh viện trong các khu nhà này để vừa giảm giá thành căn hộ, vừa bảo đảm điều kiện học tập với chi phí thấp cho công nhân, lao động.

MỚI - NÓNG
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
TPO - "Sau khi nghe tiếng nổ, chạy ra và thấy người lái xe bị mắc kẹt trong ca bin ô tô gặp nạn đang giơ tay lên như kêu cứu, tôi liền hô hào người dân xung quanh đến cậy cửa giải cứu tái xế,... rất may nạn nhân còn sống”, chị Hà Thị Chiên – nhân chứng vụ tai nạn kể lại.