'Lương y chui' phán bệnh, moi tiền

Ông Long kiểm tra cho một thiếu nữ trong “phòng kỹ thuật” luộm thuộm, nhếch nhác. Ảnh: T.T
Ông Long kiểm tra cho một thiếu nữ trong “phòng kỹ thuật” luộm thuộm, nhếch nhác. Ảnh: T.T
TP - Không chứng chỉ hành nghề, không giấy phép hoạt động…, ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vẫn ngang nhiên đón người bệnh tới điều trị mỗi ngày. “Lương y” chữa bệnh bằng tay không này là ông Lê Duy Long, trú đường Phước Mỹ 1 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà).

“Vẽ” bệnh cho người lành

Ngày 6/3, chúng tôi tìm đến nhà của “lương y” Long, căn nhà nằm ngay mặt tiền, không treo bất cứ bảng hiệu gì liên quan khám chữa bệnh. Bên trong có nhiều người ngồi chờ tới lượt. Ông Long tiếp bệnh nhân với bộ dạng xuề xòa, quần lửng, áo thun xoắn tít lên tận bụng tại phòng khách.

Trong lúc chờ khám, bà D.T.L. (55 tuổi, quê Quảng Nam) kể rằng bị thoái hóa cột sống, đã đi chữa nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. “Nghe mấy người trong quê mách thầy Long chữa hay lắm nên tui biểu con chở ra đây từ sáng sớm”, bà nói. Sau khi hỏi qua bệnh tình, xem phim X-quang của bà L., ông Long đưa giấy thỏa thuận với nhiều mức kinh phí chữa trị khác nhau: vùng cột sống cổ và vai từ C1 đến C7 hết gần 3 triệu đồng; vùng cột sống ngực từ T1 đến T2 mỗi lần chữa 1 triệu đồng…Ông nhiệt tình tư vấn thêm nếu “chữa khoán” với giá 7 triệu đồng, trả trong vòng 3 ngày thì được tái khám miễn phí trong 60 ngày. Còn trả sau thời hạn trên, thì những lần tái khám sau phải trả tiền, tổng chi phí lên tới 11 triệu đồng. Trước số tiền “khủng” này, bà D. do dự một hồi lâu rồi quyết không ký ngay, mà xin tờ giấy thỏa thuận về để bàn bạc lại.

'Lương y chui' phán bệnh, moi tiền ảnh 1 Thỏa thuận chữa bệnh cột sống với nhiều mức giá cho người bệnh lựa chọn. Ảnh: T.T.

Ngày 9/3, chúng tôi trong vai là người té xe, bị đau vùng lưng, đứng ngồi làm việc khó khăn nên đến nhờ “thầy” Long chữa trị. Lần này, ông dẫn thẳng chúng tôi vào phòng trong để kiểm tra. Căn phòng chừng hơn chục mét vuông, đặt hai tấm sạp giường, bên trên trải chiếu và quăng đầy gối, nệm, màn rèm nhếch nhác. “Lương y” yêu cầu chúng tôi nằm úp xuống, vén áo và đưa tay nắn vùng thắt lưng. Được vài giây, ông “tuyên” bệnh: “Lồi cột sống! Có hiểu không?, cột sống của mình tới đoạn thắt lưng này thì lõm vô, tạo một cái khe, còn đây nó lồi lên, không có khe rãnh gì hết!”, nói rồi ông nằm úp xuống, vén áo lên để chứng minh “cột sống lõm” là có khe như trên lưng ông. “Bị lồi rồi, xương chậu cũng bị lệch, vậy nên mới đi chân cao chân thấp! Sau này còn khó sinh đẻ nữa”. Trong chưa đầy một phút, chúng tôi từ khỏe mạnh bình thường, đi đứng thẳng thớm bỗng trở thành bệnh nhân lồi cột sống, lệch xương chậu và… cà thọt (?!). Ông đe thêm nếu không chữa sớm thì sau này có đổ bao nhiêu tiền vào cũng không hết bệnh. Để khách tin tưởng, “lương y” yêu cầu chúng tôi đi chụp phim theo các hướng chụp và địa chỉ ông ghi sẵn. “Cứ về chuẩn bị hơn 10 triệu, đem phim tới đây tôi chữa cho”, ông dứt khoát.

Tay không “đuổi bệnh”, bảo hành 2 tháng

Thuyết phục người bệnh chữa ở nhà mình, ông Long tự tin sẽ không dùng thuốc, không châm cứu, không ấn huyệt, chỉ dùng tay không và gót chân để chỉnh sửa các vùng bị sai lệch. Phương pháp nghe rất mơ hồ này được ông khẳng định sẽ giải phóng bệnh cột sống.

Hỏi về cách dùng tay để chỉnh xương có đau không, ông nhất nhất bảo không sao, mỗi ngày chữa một lần là vừa sức. “Làm xong bớt liền, bớt từng ngày, tại chỗ, em sẽ khỏe lên. Bây giờ cứ đi châm cứu và uống thuốc là không được. Cứ phải làm cả đời. Khi điều trị họ tiêm thuốc giảm đau, em cảm thấy mất bệnh nhưng bệnh còn nguyên”. Ông nói thêm về kinh phí, mức cao nhất 1 triệu/ lần sẽ rút ngắn thời gian chữa trị lại. “Mức thấp thì giống như trả góp ý mà, nhiều thì nhanh khỏi hơn, tiền nào của đó mà. Làm giá thấp mất công, lâu khỏi như đi châm cứu. Ở đây không làm giá 1 - 200 ngàn đâu, phải 300 ngàn mỗi lần trở lên mới làm”, ông gạ. Tất cả các mức đưa ra đều được ông cam kết khỏi đến 80%.

Trường hợp “lồi cột sống, lệch xương chậu” của chúng tôi, ông điềm nhiên: “Chữa tốc hành sẽ khỏi nhanh trong nửa tháng, đạt kết quả tối đa 80%. Anh còn lịch bảo hành và tái khám miễn phí. Bảo hành tới hai tháng cho ổn định”. Chúng tôi hỏi nếu đau lại thì sao?, ông đáp tỉnh queo: “Anh chỉ bảo hành trong hai tháng thôi. Về nhà thì anh hướng dẫn cho tránh bị lại. Không cần dùng thuốc”.

Vài ngày sau, chúng tôi đưa hình chụp phim tới, dù trước đó yêu cầu phải chụp 3 kiểu nhưng thực tế chúng tôi chỉ chụp hai kiểu, ông vẫn không thắc mắc gì. Cầm phim chưa kịp nóng tay, ông gọn tưng: “Muốn hết nhanh hay chậm?”. Thấy chúng tôi lớ ngớ, ông đinh ninh “xương sống lồi rồi”! Chúng tôi nói ông chỉ đoạn lồi trên phim để được thấy rõ, ông không chỉ được, quay lại gắt: “Hôm nọ nằm xuống so sánh thấy khác nhau rồi. Có rãnh là bình thường, không có là bệnh. Chứ còn phim thì giáo sư, bác sĩ cũng bó tay. Phim chỉ để xem đốt sống có mòn vẹt hay không, có bị ung thư xương hay không, nhưng đây không bị. Còn đau là do bị lồi. Giờ không phân tích bằng hình ảnh, về nhà cũng không phân tích bằng hình ảnh nữa mà bằng thực tế, cứ nằm xuống vén áo so lưng là biết. Lồi trên lưng chứ không ở phim (?!). Giáo sư bác sĩ nhìn vào đây cũng kết luận không cho thấy tổn thương xương, cho đi uống thuốc, thế là xong!”.

Ông dịu giọng lại đưa tờ thỏa thuận, nhấn nhá đây là các em tự nguyện chứ anh không ép, rồi khuyên chúng tôi nên chọn mức “chữa khoán” 7 triệu cho 7 ngày liên tục, mỗi ngày chữa một lần khoảng 15 phút. Nếu đóng toàn bộ trong 3 ngày đầu thì được hưởng ưu đãi tái khám miễn phí. “Trải qua 2 ngày là bệnh đỡ rồi, cứ trả hết đi anh chữa nhanh cho, bảo hành lên tới 60 ngày”, ông kì kèo. Chúng tôi tiếp tục gặng hỏi, nếu sau 60 ngày mà đau lại, bệnh không khỏi thì sao? Ông trả lời qua loa “đã được rồi thì đa số khỏi luôn, không đau lại đâu…”.

Bằng những lời có cánh như vậy, không ít người bệnh nhẹ dạ cả tin mắc bẫy, ôm tiền đến chữa bệnh cột sống. Chị L.M. Đ (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chìa tờ thỏa thuận ra trước mặt chúng tôi và chỉ rõ mức phí của mình là 1 triệu đồng/lần/ngày. Chị thở dài: “Tui lặn lội từ trong quê ra, mất rất nhiều tiền với ông Long này vì nghe trên mạng nói chữa bệnh cột sống giỏi. Tới giờ là hơn chục triệu rồi mà bệnh chẳng thuyên giảm!”. Trong khi đó, một bệnh nhân thoái hóa cột sống ngoài 40 tuổi sau khi chữa “trọn gói” ở “thầy” Long với mức 500.000đồng/lần cũng rơi vào cảnh tiền mất mà tật vẫn mang.

Bị đình chỉ vẫn tỉnh bơ 

“Lương y” này trở nên nổi tiếng khiến người dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận liên tục đổ về nhờ một số tờ báo mạng viết bài ca tụng, thông tin ông có phương pháp…kỳ diệu có thể điều trị hết bệnh cột sống cho hàng ngàn bệnh nhân. Mặc nhiên không có bất kỳ ý kiến xác thực, kiểm định từ bất cứ cơ quan chức năng nào. Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tiền Phong, một số người từng chữa trị ở đây cho hay cách chữa của ông là xoa nắn, có khi dùng chân đạp vào lưng, chừng 5, 10, hoặc lâu hơn thì 15, 20 phút. Mỗi lần như vậy ít nhất 300 ngàn đồng, còn không là 1 triệu đồng.

Điện thoại cho ông theo số 0913.765.863, số này ông cho người tới khám chữa liên lạc, và cũng đăng rất nhiều trên các tờ báo mạng, trang tin. “Phủ đầu” ông không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, sao vẫn trị bệnh cho người ta?, ông lắp bắp: “Người dân đọc báo biết được chỗ của tôi nên tìm tới nhờ tôi chữa giúp thôi. Tiền tôi nhận được là công sức chữa cho họ chứ không phải chi phí thuốc men gì cả”. Sau đó, ông Long tháo gỡ bảng phòng kỹ thuật, hộp đèn xem phim X-quang trong nhà, ngoài cổng treo bảng “Thầy Long đã nghỉ chữa bệnh, rất mong mọi người thông cảm”. Tuy nhiên tất cả chỉ để ngụy trang, ông vẫn tiếp tục đón người tới khám chữa. “Đấy, tôi treo bảng nghỉ rồi, mà giờ người bệnh tìm tới không lẽ mình không ra tay chữa giúp. Cũng như các em vậy, các em tự tìm tới đây thì tôi phải giúp thôi”, ông nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho hay hiện tại ông Lê Duy Long không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy đăng kí kinh doanh, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Trước đó ông đã từng bị xử lý do khám chữa bệnh chui, và Sở Y tế đã giao cho UBND, phòng Y tế quận Sơn Trà phải theo dõi và xử lý trường hợp này nếu tái phạm.

Dễ gây hệ lụy khó lường

Lương y Phan Công Tuấn (Bệnh viên Y học cổ truyền Đà Nẵng) nhìn nhận hiện nay có rất nhiều cá nhân, nhóm người đi theo xu hướng chữa bệnh bằng tay không như một số điển hình được đăng tải trên mạng: dùng tay không chữa câm, điếc, liệt… Bệnh viện cũng từng chứng kiến một số nhóm chữa bệnh bằng các động tác thô bạo, đánh, đạp…và không thể chấp nhận được. Những người bị tim mạch, hoặc không chịu được tác động mạnh có thể gánh chịu hậu quả khó lường, trong đó có thể kể tới đột quỵ.

MỚI - NÓNG