>>Thu nhập : Nhà nước ngại ngùng, tư nhân công khai
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, thu nhập của lãnh đạo EVN thấp hơn một số ngành (Trong ảnh: Lãnh đạo EVN khởi công thủy điện Sông Tranh 2) - Ảnh: Quyền Thành |
Cho phép chênh lệch thu nhập trong đơn vị đến 22 lần
Theo quy định hiện hành, Nhà nước vẫn quản lý vấn đề tiền lương của các tổng Cty, tập đoàn kinh tế nhà nước.
Theo đó, hàng năm doanh nghiệp tự xây dựng đơn giá tiền lương cả gói (việc xây dựng đơn giá tiền lương căn cứ trên kết quả kinh doanh năm trước), sau đó trình liên Bộ LĐ - TB&XH và Bộ Tài chính.
Từ gói tiền lương đã được phê duyệt, lãnh đạo doanh nghiệp phân chia quỹ lương theo quy định của doanh nghiệp đề ra.
Ví như ở Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV). Việc tính lương của TKV được kết hợp giữa lương theo hệ số lương cơ bản của Nhà nước và các hệ số do chính TKV đặt ra. Theo kết quả kiểm toán mới đây, thu nhập bình quân của 13 vạn lao động thuộc tập đoàn hơn 4,3 triệu đồng/tháng.
Một giám đốc doanh nghiệp thành viên của TKV cho biết: Chênh lệch thu nhập giữa người có thu nhập thấp nhất và cao nhất (trong cùng một đơn vị) ở TKV cho phép tối đa lên đến 22 lần, nếu lợi nhuận của năm sau cao hơn năm trước từ 5% trở lên.
“Thu nhập hàng tháng của Chủ tịch HĐQT TKV Đoàn Văn Kiển trước đây khoảng hơn 40 triệu đồng/tháng; tổng giám đốc khoảng gần 40 triệu đồng, ủy viên HĐQT chuyên trách khoảng 30 triệu đồng và các phó tổng giám đốc khoảng gần 30 triệu đồng/tháng.
Còn như tôi, giám đốc một Cty thành viên khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập của trưởng các ban cũng khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng”, vị giám đốc này tiết lộ.
Lương điện, xăng thấp hơn bên dầu khí, hàng không, VNPT?
Còn tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong cuộc trao đổi gần đây với Tiền Phong, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, thu nhập của cán bộ, công nhân viên ngành điện không hề cao như mọi người tưởng.
Nếu tính bình quân thu nhập của 84.000 cán bộ, công nhân viên thuộc tập đoàn thì cũng chỉ ở mức 3,9 triệu đồng/tháng. Còn nếu tính lương lãnh đạo của tập đoàn thì cũng chỉ cao hơn mức trung bình nói trên từ bốn đến năm lần.
Ông Tri cũng cho biết, việc không có cơ chế trả lương cao là nguyên nhân khiến tập đoàn bị chảy máu chất xám. Nhiều cán bộ, kỹ sư giỏi đã sang đầu quân cho các đơn vị khác trả mức lương cao hơn nhiều lần so với mức lương mà EVN trả. Đây cũng là vấn đề khiến lãnh đạo tập đoàn khá đau đầu.
Một người làm phó tổng giám đốc EVN cả chục năm, vừa nghỉ hưu, cho biết, theo quy định thì mức lương của lãnh đạo tập đoàn không vượt quá 9 lần so với nhân viên. Thu nhập của trưởng phòng không quá 5 lần lương của chuyên viên và thu nhập của chuyên viên không cao quá 4 lần so với nhân viên.
Tuy nhiên, trong thực tế mức lương của tổng, phó tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty luôn khác nhau do phụ thuộc chức trách lãnh đạo, khả năng sáng tạo, hiệu quả làm việc.
Theo cựu lãnh đạo EVN này, lương của một trưởng ban của EVN cũng chỉ ở mức 17 đến 18 triệu đồng. Lương phó ban từ 12 đến 13 triệu.
“So với mặt bằng chung thì mức thu nhập này là cao nhưng so với bên dầu khí, hàng không và VNPT thì chưa phải là cao” - Ông cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức thu nhập hiện nay của một phó tổng giám đốc EVN ở mức trên 20 triệu đồng/tháng. Còn lương của Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) tập đoàn ở mức hơn 30 triệu đồng/tháng.
Trong cuộc chuyện trò bên lề với phóng viên gần đây, ông Vũ Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết, dù được xếp loại doanh nghiệp có mức thu và đóng góp cho ngân sách Nhà nước thuộc diện lớn nhất ở Việt Nam và luôn mang tiếng là thu nhập trên trời, nhưng thực tế thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên tổng Cty khá thấp, chỉ ở mức 3,6 triệu đồng/tháng.
Còn đích thân ông giữ cương vị Chủ tịch HĐQT cũng chỉ được trả ở mức 17- 18 triệu đồng/tháng. Thu nhập của tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc thấp hơn vài triệu đồng.
Còn ngại công khai dù minh bạch
Ở Tổng Cty Viễn thông Quân đội (Viettel), nhân viên hầu như không biết thu nhập của nhau. Trung bình, nếu công tác được một vài năm, thu nhập hàng tháng của một nhân viên khoảng 10 triệu đồng/tháng. Một cán bộ hàm trưởng ban tiết lộ tổng thu nhập của anh khoảng trên 30 triệu đồng/tháng.
Có một điều lạ là, dù thu nhập hàng tháng của các tập đoàn là khoản thu nhập chính đáng, được ghi trên sổ sách hẳn hoi nhưng lại được giữ kín như bưng.
Phóng viên liên lạc với một lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông (VNPT) nhưng chỉ nhận được lời từ chối khéo: “Một dịp thích hợp tôi sẽ nói”. Một số lãnh đạo tập đoàn khác khi được phóng viên hỏi về lương, thưởng cũng từ chối.