Lược sử FA Cup, giải đấu lâu đời nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Lược sử FA Cup, giải đấu lâu đời nhất thế giới
TPO - Trong kỷ nguyên hiện đại, ảnh hưởng của FA Cup suy giảm phần nào. Thế nhưng sự hấp dẫn của giải đấu lâu đời nhất thế giới vẫn còn nguyên và hứa hẹn sản sinh ra những câu chuyện ly kỳ.

Rạng sáng mai (08/01), vòng 3 Cúp FA sẽ bắt đầu với sự tham gia của các đội bóng lớn. Có một thời gian các đại gia không mấy mặn mà với chiếc Cúp này, nhưng khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và vô địch Premier League trở nên khó khăn, FA Cup mang tới cơ hội để sở hữu một danh hiệu. Tất cả khiến đấu trường này hấp dẫn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bạn đã biết đủ nhiều về Cúp FA?

FA Cup được biết đến là giải đấu lâu đời nhất thế giới. Nó ra đời năm 1871, 8 năm sau thời điểm đại diện các trường công lập ở London và các CLB gặp nhau để thống nhất các quy tắc bóng đá, đồng thời thành lập Hiệp hội bóng đá Anh (FA). FA Cup là sự kiện đầu tiên được FA tổ chức, một giải đấu mà mọi đội bóng ở mọi hạng đấu đều có thể tham gia.

Những năm đầu, Wanderers, đội tập hợp cựu học sinh các trường công lập, thể hiện sức mạnh thống trị với 5 lần vô địch. Nhưng Wanderers suy tàn nhanh chóng và sớm giải thể vì các trường công lập cũng thành lập đội bóng của riêng mình, lôi kéo các học sinh cũ trở về.

Lược sử FA Cup, giải đấu lâu đời nhất thế giới ảnh 1

Wanderers, đội vô địch FA Cup 5 lần trong 7 kỳ đầu tiên. (Ảnh: Daily Mail)

Cú sốc lớn đầu tiên ở FA Cup là năm 1888. Khi ấy Preston North End là đội mạnh nhất nước Anh và thắng 42 trận liên tiếp ở mùa giải 1887/88. Sức mạnh hủy diệt tiếp tục được thể hiện ở Cúp FA với chiến thắng Hyde với tỷ số 26-0 ở bán kết.

Preston North End tự tin đến mức yêu cầu được chụp ảnh cùng chiếc Cúp FA khi trận chung kết với West Brom còn chưa diễn ra. Chủ tịch FA Francis Marindin ngạc nhiên nói: “Các cậu phải thắng đã chứ?”. Sau trận chung kết, không có tấm ảnh nào của Preston North End. Thay vào đó là West Brom, đội bất ngờ đánh bại đối thủ ngạo mạn 2-1 bằng bàn thắng vào phút cuối của George Woodhall.

Phải đến năm 1923, chung kết FA Cup mới được tổ chức ở Wembley. Hôm ấy có tới 300.000 khán giả tràn vào sân, vượt xa sức chứa “chỉ” 125.000 người. Đám đông ken cứng khán đài và tràn cả xuống đường biên, thậm chí lấn cả vào sân đấu. Cảnh sát được điều đến để giữ trật tự và nổi bật giữa biển người là một cảnh sát cưỡi ngựa trắng, khiến trận chung kết này được nhớ đến với tên gọi “Chung kết Bạch mã” hơn là chiến thắng 2-0 của Bolton trước West Ham.

Tuy nhiên trận chung kết nổi tiếng nhất mọi thời đại phải là trận “Chung kết Matthews” năm 1953. Stanley Matthews, một huyền thoại thực sự của bóng đá Anh, đã 38 tuổi vào thời điểm đó nhưng chưa một lần giành FA Cup. Khi Blackpool của ông đối đầu với Bolton được coi là cơ hội cuối cùng. Bất chấp việc bị dẫn 1-3, Matthews đã chơi tuyệt hay giúp đội ngược dòng 4-3 và có được cái kết mà cả nước Anh chờ đón.

Lược sử FA Cup, giải đấu lâu đời nhất thế giới ảnh 2

Chú ngựa trắng giữ trật tự trong trận "Chung kết Bạch Mã" năm 1923 tại Wembley. (Ảnh: Daily Mail)

Theo thời gian, FA Cup trở thành một phần của văn hóa Anh. Trong các thập niên 1970 và 1980, đây là chương trình duy nhất truyền hình trực tiếp trên TV, ngoài World Cup và các trận của tuyển Anh. Nó càng trở nên hấp dẫn hơn khi hàng loạt bất ngờ xảy ra, như đội hạng hai Sunderland đánh bại Leeds United hùng mạnh năm 1973, rồi các đội hạng hai khác là Southampton và West Ham giành chiến thắng các năm 1976, 1980. FA Cup trở thành chuẩn mực, thước đo sự vĩ đại của một đội bóng. Chẳng thế mà khi Liverpool vô địch FA Cup lần đầu năm 1965, HLV Bill Shankly huyền thoại tuyên bố, đến lúc này CLB mới thực sự trở nên lớn mạnh.

Trong kỷ nguyên hiện đại, ảnh hưởng của FA Cup suy giảm bởi sự ra đời của Premier League rồi C1/Champions League được nâng cấp, cùng với đó là sự bùng nổ truyền thông làm thay đổi thói quen thưởng thức bóng đá. Thế nhưng như đã nói, giải đấu là niềm tự hào của nước Anh vẫn còn nguyên sự hấp dẫn, đồng thời liên tiếp sản sinh ra những câu chuyện ly kỳ.

Đó là chức vô địch năm 2008 của Portsmouth, 2013 của Wigan, hay đội bóng bán chuyên Lincoln City vào tới tứ kết 2017, đội hạng 3 Sheffield United, Chesterfield đi đến bán kết 2014 và 1997. Việc Leicester quật ngã Chelsea, đội vô địch Champions League 2 tuần sau đó, ở chung kết mùa trước cũng là một bất ngờ lớn.

Thomas Tuchel đã bỏ lỡ cơ hội giành FA Cup ngay mùa đầu dẫn dắt Chelsea, nhưng Juergen Klopp cũng chưa một lần đăng quang cùng Liverpool còn Pep Guardiola cũng chỉ mới 1 lần vô địch dù thống trị League Cup và 3 lần lên ngôi ở Premier League. Ralf Rangnick hẳn cũng đặt mục tiêu vô địch để giúp MU chấm dứt khoảng thời gian trắng tay, tương tự Antonio Conte ở Tottenham, trong khi Mikel Arteta rất muốn nâng Cúp sau 2 lần làm điều đó với tư cách cầu thủ. Tất cả tạo nên một cuộc chiến khốc liệt, kịch tính và tiếp nối sự sang trọng của FA Cup, giải đấu lâu đời nhất thế giới.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.