Lung lay đầu mối

Lung lay đầu mối
TP - Dự án Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc (TQ) ở lục địa già có thể lỡ đà bởi khủng hoảng chưa hồi kết ở Belarus. Từ rất sớm, Bạch Nga được chọn làm điểm xuất phát nhằm xâm nhập Liên minh châu Âu (EU), đích đến của BRI tại châu lục này. Thế sự Belarus bất luận thế nào cũng khó làm chệch đường BRI nhưng đáng nói ở chỗ không phai tính toán nào của TQ cũng toàn bích.

Cách chọn bạn của TQ không thay đổi về nguyên tắc và lúc đầu họ nhắm đến Ucraina để bổ nhát cuốc đầu tiên cho BRI châu Âu. Đệ nhất tiêu chuẩn là yếu tố địa lý và Ucraina ở vị trí đắc địa về tiếp cận biển. Đại dương thành cơn thèm khát vô hạn độ của TQ mà loạt thủ đoạn bất chấp luật pháp ở Biển Đông, nhất là từ lúc khởi động BRI năm 2013, là ví dụ bi kịch.

Tiêu chuẩn thứ hai như hình với bóng là phải có một chính thể dễ thao túng. Thế cuộc ngày càng khó tiên lượng khiến Ucraina bị loại sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Không nước nào ở rìa EU sáng giá hơn Belarus trong cuộc tái sát hạch các tiêu chuẩn bất khả thương thảo kia. Đương nhiên ai được TQ quan tâm đều nhanh chóng biến thành viên ngọc trai và Belarus là “viên ngọc” mới nhất.

Đầu tư không nhiều nhưng ngạc nhiên ở tốc độ thay đổi cuộc chơi. Hai sáu năm trước, lúc ông Lukashenko bắt đầu làm tổng thống, thương mại Belarus-TQ chưa đến 50 triệu USD. Từ lúc thay thế Ucraina năm 2015 làm tiên phong chuỗi BRI Tây Âu, mua bán lưỡng quốc riêng năm 2019 lên đến ba tỷ USD. Đấy là chưa kể hạn mức tín dụng TQ mở cho quốc gia 9,8 triệu dân gấp năm lần số ấy, 15 tỷ USD.

Giờ thì Belarus đang được định nghĩa là canh bạc. Tổng thống Lukashenko tuyên bố tái nhậm chức trong che đỡ của Nga mà TQ thừa biết là ngắn hạn dù chính TQ cũng ủng hộ. Trước cuộc bầu cử gây tranh cãi đầu tháng 8, tổng thống đã bày tỏ khát vọng thoát quỹ đạo Moscow và hướng sang EU. Ông nhiệt tình với BRI cũng không nằm ngoài toan tính giảm lệ thuộc và tránh nguy cơ sáp nhập thành liên bang.

TQ có vẻ nhận thấy khó mà đồng nghĩa BRI với gia tăng hoà bình cho nước tham gia. Bất ổn dường như hiện thực khi xu thế ấy cũng lởn vởn đâu đó ở mấy đầu mối BRI khác như Pakistan, Afghanistan, Iran, và Trung Đông. Chế độ của ông Lukashenko kiểu gì thì cũng không dễ vững như bàn thạch mà TQ từng tin thuở ban đầu. Nếu vậy, một Belarus suy yếu chẳng khác chi thêm điểm trừ cho chuỗi BRI mà người cầm trịch luôn muốn đồng nhất nó với thịnh vượng và ổn định cho những nơi nó xuyên qua.

MỚI - NÓNG