Lực lượng cứu hộ Indonesia đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót cũng như thi thể nạn nhân bên dưới đống đổ nát của một nhà thờ Hồi giáo bị sập ở làng Lading-Lading, phía bắc đảo Lombok sau trận động đất mạnh 6,9 độ xảy ra hôm 5/8, theo Guardian.
Sutopo Purwo Nugroho, người đứng đầu cơ quan quản lý thảm họa Indonesia, cho biết khoảng 40 người được cho là đã ở trong nhà thờ khi động đất xảy ra. Tuy nhiên, việc đưa các thi thể ra ngoài và tiếp cận người sống sót gặp nhiều khó khăn do thiếu máy cẩu, máy xúc cỡ lớn, khiến nhiều nhân viên cứu hộ buộc phải đào bới bằng tay.
Ít nhất 98 người đã thiệt mạng và 269 người bị thương sau thảm họa, thương vong dự kiến còn tăng lên. Theo Nugroho, thiệt hại rất nặng nề, một số khu vực không thể tiếp cận được. Đây là trận động đất thứ hai xảy ra ở Lombok sau trận động đất ngày 29/7 khiến 16 người thiệt mạng và làm hư hại nhiều ngôi nhà.
Najmul Akhyar, người đứng đầu huyện Bắc Lombok, ước tính 80% khu vực đã bị thiệt hại do động đất. "Chúng tôi dự đoán số người chết sẽ tiếp tục tăng. Tất cả nạn nhân thiệt mạng đều là người Indonesia", ông nói.
Các đội cứu hộ cũng đã giải cứu 2.000-2.700 du khách từ quần đảo Gili, gồm ba đảo san hô nhỏ ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Lombok. Hình ảnh được nhân viên cứu hộ đăng trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm du khách và người dân địa phương hoảng loạn tụ tập trên bãi cát chờ được di tản.
"Có rất nhiều người bị thương do các tòa nhà đổ sập vào. Phần đáng sợ nhất là cảnh báo sóng thần ngay sau đó. Tất cả người dân địa phương đều hoảng loạn bỏ chạy, la hét và mặc áo phao", James Kelsall, một du khách người Anh, 28 tuổi, chia sẻ trong lúc chờ được sơ tán.
Bệnh viện cho biết toàn bộ người bị thương đang được điều trị trong bãi đỗ xe và lều y tế dã chiến. Các cơ quan viện trợ đang phân phối thực phẩm, nước, lều, chăn và bộ dụng cụ vệ sinh cho người dân.
Zul Ashfi, điều phối viên chương trình nhân đạo cho người Hồi giáo ở Indonesia, mô tả tình hình rất "thảm khốc". "Tôi thấy những người vừa chạy vừa hét lên trong điện thoại để cầu cứu. Thật sự rất đau thương", ông nói.
Đảo Lombok ở đông nam Indonesia là một điểm du lịch nổi tiếng, cách đảo Bali khoảng 100 km về phía đông. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ban đầu cho biết tâm chấn xảy ra ngoài khơi nhưng sau đó xác nhận tâm chấn trên đảo Lombok và ở độ sâu 31 km. Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý (BMKG) Indonesia ghi nhận hơn 120 cơn dư chấn sau động đất. Những người dân trên đảo Bali cũng cảm nhận rõ động đất.
Indonesia nằm trên "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm, là một trong các quốc gia thường xuyên đối mặt với các trận động đất và núi lửa phun trào. Năm 2014, một cơn sóng thần diễn ra sau trận động đất 9,3 độ ngoài bờ biển Sumatra, tây Indonesia, đã làm 220.000 người ở các nước quanh Ấn Độ Dương thiệt mạng, trong đó có 168.000 người tại Indonesia.