Luật xử lý vi phạm hành chính: Phạt tối đa 2 tỷ đồng

Luật xử lý vi phạm hành chính: Phạt tối đa 2 tỷ đồng
TP - Ngày 20-6, Quốc hội (QH) thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, mức phạt tối đa đối với tổ chức là 2 tỷ đồng, đối với cá nhân là 1 tỷ đồng; bỏ quy định người bán dâm phải vào cơ sở chữa bệnh.

> Bỏ ẩu chất thải nguy hại, bị phạt 125 triệu đồng

Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Luật quy định: Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, từ 100 nghìn đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương, mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo UBTV QH, việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh để khắc phục tình trạng dù người bán dâm không có bệnh nhưng vẫn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Việc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không đúng với bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý.

Hơn nữa, áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không bảo đảm sự công bằng trong chính sách xử lý; hành vi của họ chưa đến mức phải áp dụng biện pháp hạn chế quyền tự do mà chỉ cần phạt tiền như đối với người mua dâm theo quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm là phù hợp.

Luật có hiệu lực từ 1-7-2013.

Nhà nước định khung giá bán lẻ điện bình quân

Cùng ngày, QH cũng biểu quyết thông qua Luật Giá. Về giá điện, nhiều ĐBQH đề nghị Nhà nước định giá cụ thể đối với điện bán lẻ do đây là lĩnh vực độc quyền nhà nước.

UBTV QH cho rằng, việc định giá điện phải dựa trên nguyên tắc: Khâu nào thuộc độc quyền nhà nước thì khâu đó do Nhà nước định giá; việc định giá phải phù hợp với cơ chế thị trường; trong một số khâu cần có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn; phải bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, việc quy định khung giá đối với giá bán lẻ bình quân là bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc trên và thống nhất với quy định của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) mà QH đang xem xét.

Như vậy, một mặt, Nhà nước vẫn kiểm soát được giá bán lẻ điện thông qua quyết định khung giá bán lẻ và quyết định mức giá cụ thể đối với truyền tải, phân phối mà không để doanh nghiệp tự định giá hoàn toàn.

Mặt khác, quy định này cũng thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về phát triển thị trường điện, thu hút các thành phần kinh tế trong những lĩnh vực có cạnh tranh.

Đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, UBTVQH cho rằng, sữa là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến sức khoẻ, trí tuệ trẻ em; là mặt hàng có giá cả diễn biến không ổn định, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy, luật cần bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thảo luận dự án Luật Điện lực sửa đổi sáng 20-6, ĐBQH cho rằng việc sửa đổi luật là cần thiết, đồng thời cần sớm có cơ chế xóa độc quyền điện.

Một số ĐB băn khoăn về các loại phí mới dự kiến bổ sung vào dự thảo luật như phí điều tiết hoạt động điện lực. Theo họ, việc loại phí này được các đơn vị điện lực trả cho Cục Điều tiết điện lực, một cơ quan thuộc Bộ Công Thương, là không hợp lý. Cần bỏ loại phí này để không làm tăng chi phí sản xuất điện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG