Luật về Hội: Tư duy cũ kỹ kiểu bao cấp

Luật về Hội: Tư duy cũ kỹ kiểu bao cấp
TP - Tại cuộc tọa đàm dự thảo lần thứ 9 Luật về Hội, tổ chức tại TPHCM vào sáng ngày 30/3, rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải xóa dự thảo lần 9 để viết lại toàn bộ vì đây không phải là... Luật!

Được tiến hành xây dựng từ năm 1993, với hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm, Luật về Hội đã bước sang Dự thảo lần thứ 9. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo lần thứ 9 có hình thức và chất lượng tệ hơn những dự thảo trước đó.

Nhà văn Dạ Ngân ví von: Lẽ ra, Luật là “bầu trời” thì ở đây, dự thảo lần 9 Luật về Hội là “đường ống”, mang nặng tính áp đặt, quá lạc hậu, mang nặng cơ chế bao cấp “ xin- cho”, không phù hợp với nhu cầu xã hội dân sinh.

“Nếu dự thảo này được thông qua thì sẽ rất nguy hiểm vì ngay ở dạng dự thảo, nó đã lạc hậu” - Nhà văn Dạ Ngân nói.

TS Phan Hồng Sanh (Phó Chủ tịch Hội Khoa học xây dựng TPHCM) thì nhận xét: Mục tiêu của việc ra đời Luật về Hội là làm cho Hội phát triển. Thế nhưng, dự thảo lần 9 Luật về Hội lại kìm hãm sự phát triển của Hội.

Giáo sư-Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam:

Chúng tôi sẵn sàng tự chủ về tài chính

Vấn đề của chúng tôi không phải là tiền, trí thức hoàn toàn có thể tự tạo ra của cải vật chất cho các hoạt động của mình...

Nhiều cơ quan trực thuộc Liên hiệp Hội (theo Nghị định 81) đã làm ra rất nhiều tiền, bên cạnh đó cũng có cơ quan gặp khó khăn về tài chính, nhưng như đã nói vấn đề đầu tiên là chúng tôi muốn được đối xử bình đẳng... Chúng tôi sẵn sàng tự chủ về tài chính.

Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa là hoàn toàn quay lưng lại với sự hỗ trợ của Nhà nước. Xin khẳng định là không có hội nào trên thế giới là không cần Chính phủ hỗ trợ, về mặt này hay mặt khác...

Phát huy không gian hoạt động của các hội chính là phát huy tiếng nói của các tổ chức tập hợp trí thức nói riêng và các tổ chức khác nói chung. Nếu như khoa học công nghệ đang được coi là động lực của phát triển kinh tế-xã hội, thì tại sao lại không coi trọng những người đang hoạt động trong lĩnh vực này?

Chúng ta đang phấn đấu để gia nhập WTO, hội nhập mà không xây dựng kinh tế tri thức thì quả là một sự bất cập. Lâu nay, đối với việc ra chính sách thì các Hội cũng có tiếng nói, cũng có góp ý kiến và ít nhiều đã có tác dụng, nhưng nếu như tiếng nói của các Hội còn bị xem là yếu thì đó là vì nó chưa có sự giúp đỡ cần thiết của Nhà nước.

Tôi chỉ xin nêu ba điều “thực sự” như thế này: Thứ nhất là thực sự coi trọng các đoàn thể quần chúng với nguyên tắc tự nguyện; Thứ hai là thực sự dân chủ, nghe ý kiến của dân; Thứ ba là thực sự coi trọng trí thức theo như chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Võ Văn Thành thực hiện

Theo TS Phan Hồng Sanh, nhu cầu thành lập Hội là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Đằng này, dự thảo lần 9 Luật về Hội lại gây khó dễ trong việc thành lập Hội, thể hiện ở Điều 6, điều 7 (Nội dung quản lý nhà nước về hội và Cơ quan quản lý nhà nước về hội).

TS Phạm Hữu Nghị (Tổng Biên tập tạp chí Nhà nước và Pháp luật)  nói: “Dự thảo lần 9 Luật về Hội chẳng qua là sự sao chép lại Nghị định 88/2003 NĐ-CP. Làm Luật kiểu này thì không thể chấp nhận được”.

TS Phạm Hữu Nghị bày tỏ sự ngạc nhiên bởi khi xây dựng dự thảo luật, Bộ Nội vụ không lấy ý kiến, không lắng nghe ý kiến của những đối tượng bị tác động. Do vậy, dự luật này quá coi trọng  về quản lý Nhà nước đối với hội mà coi nhẹ quyền chủ động, quyền tự định đoạt, quyền quyết định của hội.

Theo TS Phạm Hữu Nghị, dự luật này chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức thực hiện quyền tự do lập hội. Thậm chí, có nhiều điều còn không tiến bộ bằng sắc lệnh 102/SL năm 1957 về quyền thành lập hội.

Ông đề nghị bỏ tất cả các quy định cản trở quyền thành lập hội; bỏ quy chế cơ quan chủ quản; kết cấu lại hình thức sao cho phù hợp với một văn bản luật.

Theo luật sư Phạm Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM: Tư tưởng, quan điểm  chủ đạo của dự luật này còn quá cứng nhắc, giáo điều, không phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đối với Hội, nhà nước chỉ nên quản lý về mặt pháp luật mà thôi.

TS Nguyễn Thị Hạnh (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM), TS Trương Văn Đan (Phó Chủ tịch Hội Người làm vườn TPHCM cũng đề nghị bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với Hội.

Dự thảo lần 9  Luật về Hội có 9 chương, 62 điều. Chương 1 có 6 điều gồm những quy định chung. Các chương còn lại  là: Điều kiện, thủ tục thành lập hội; Hội viên; Tổ chức, hoạt động của hội; Liên hiệp hội: Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể; Hội của người nước ngoài và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; Tài sản, tài chính của Hội; Khen thưởng và xử lý vi phạm; Điều khoản thi hành.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, so với những dự thảo trước đó, dự thảo 9 chẳng những không tiến bộ mà ngược lại, lạc hậu hơn. GS-TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nói: “Có ý kiến nói trong luật không hề có chữ chủ quản nào nhưng tôi xin nói là tinh thần chủ quản hiện ra mồn một. Sinh ra để hoạt động mà Nhà nước lại quản lý toàn bộ hoạt động, thế thì còn ra cái gì nữa. Đây là một tư duy hết sức cũ kỹ kiểu bao cấp”.

MỚI - NÓNG