Luật Thủ đô thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Theo TS Nguyễn Từ, nhiều quy định của Luật Thủ đô năm 2024 đã đề cập việc thu hút, trọng dụng người có tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có cả quy định về người Việt Nam và người nước ngoài.

Tham luận trong tài liệu Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, TS Nguyễn Từ - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có bài: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô.

Theo TS Nguyễn Từ, nhiều quy định của Luật Thủ đô năm 2024 đã đề cập việc thu hút, trọng dụng người có tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có cả quy định về người Việt Nam và người nước ngoài.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, vừa thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Luật Thủ đô đã có một số quy định cụ thể để phát triển một số dạng thức mới có kiểm soát, đồng thời hướng tới thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo.

Điều 24 Luật Thủ đô năm 2024 về phát triển các khu công nghệ cao đề cập Ban Quản lý khu công nghệ cao và quy định: Ban Quản lý khu công nghệ cao là tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Theo quy định của Điều 24, Ban Quản lý khu công nghệ cao được chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được của các doanh nghiệp có trụ sở chính tại khu công nghệ cao hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị có vị trí công việc cần sử dụng người lao động nước ngoài mà phạm vi làm việc chỉ trong khu công nghệ cao; chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu hoạt động tại khu công nghệ cao; cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc tại khu công nghệ cao; xác nhận người nước ngoài làm việc tại khu công nghệ cao không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Ngoài quy định của Luật Thủ đô đối với việc phát triển khu công nghệ cao, Luật Công nghệ cao năm 2008 cũng có quy định cụ thể về cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao, như tạo môi trường làm việc, sống thuận lợi cho hoạt động công nghệ cao; chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm; bổ nhiệm vào vị trí then chốt để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước; ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân; tạo điều kiện tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về công nghệ cao; tôn vinh, khen thưởng người có thành tích xuất sắc.

Luật Thủ đô thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho Hà Nội ảnh 1

Quang cảnh hội thảo khoa học triển khai Luật Thủ đô diễn ra sáng 14/11

Điều 25 Luật Thủ đô năm 2024 quy định về cơ chế cho phép việc thử nghiệm có kiểm soát, theo đó thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp với đặc điểm, tính năng mới của công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức, qua đó xác định cơ chế quản lý, điều chỉnh phù hợp. Điều này cũng phù hợp và là sự thể chế hóa Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường” và “Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới”.

Luật Thủ đô cũng quy định đối với việc xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố và quy định cụ thể đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, theo đó Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước.

Việc quy định về Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Một quy định cho thấy sự thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng là quy định về việc đầu tư mạo hiểm. Theo nghiên cứu từ Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2021, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục là động lực cho phục hồi kinh tế. Kể từ khi sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp khởi nghiệp luôn tiên phong trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh từ đại dịch, bao gồm cung cấp dịch vụ giao hàng, giáo dục trực tuyến, làm việc từ xa, y tế từ xa, và thanh toán điện tử. Trong khi đó, công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng và còn giúp nhiều doanh nghiệp có thể đạt được tăng trưởng vượt bậc. Khi việc áp dụng công nghệ mới trở thành yêu cầu hiển nhiên trong thế giới hậu COVID -19, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục là huyết mạch của một nền kinh tế có tính cạnh tranh thông qua hoạt động tạo việc làm, mang đến lựa chọn cho người tiêu dùng, và thách thức các mô hình truyền thống... Một số làn sóng mô hình mới nổi lên, như tạp hóa online (online grocery), mô hình D2C, thương mại nhanh (quick commerce), cùng với các giải pháp tài chính, như quản lý tài sản, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ... và nhiều lĩnh vực mới nhiều tiềm năng, như nền kinh tế sáng tạo (creator economy), các nền tảng phát triển kỹ năng (upskill platforms), và web 3.0 với sự phổ cập của tiền điện tử và công nghệ chuỗi khối (blockchain)...

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.

Chi tiết về các chương trình hỗ trợ của Thành phố tại:https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.