Luật súng ở Mỹ không đổi

Luật súng ở Mỹ không đổi
Những nỗ lực kiềm chế việc sử dụng súng ở Mỹ nhiều năm qua vẫn chỉ ở bên lề cuộc sống. Vì vậy, với người sở hữu súng, mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy.

>> Thảm sát tại Mỹ, nữ nghị sĩ bị bắn vào đầu

Kể từ sau khi xảy ra vụ thảm sát ở Tucson, bang Arizona (Mỹ) ngày 9-1, các nhà phân tích đã đặt vấn đề xem lại việc kiểm soát súng ở đất nước này. Phản ứng phổ biến hiện nay ở Mỹ chỉ là kêu gọi cấm bán loại súng có ổ đạn giống như hung thủ Jared Lee Loughner đã sử dụng ở Tucson để có thể bắn liên tục 31 phát đạn từ khẩu súng bán tự động mà không cần nạp đạn. Hai dự luật đề xuất những thay đổi như vậy ít có khả năng được thông qua tại hạ viện do Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát.

Văn hóa Mỹ

Ở Úc, sau vụ thảm sát năm 1996 ở đảo Tasmania làm 32 người tử vong, chính phủ liên bang đã thúc đẩy luật súng nghiêm ngặt. Trong khi đó, theo đài BBC, nhiều người ở Mỹ tin rằng tình thế sẽ an toàn hơn nếu như tại hiện trường vụ xả súng ở bang Arizona có nhiều người mang súng hơn. Ít nhất một ông nghị nói rằng ông sẽ bắt đầu mang súng mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, Hội Quốc phòng Công dân Arizona kêu gọi các nghị sĩ và nhân viên văn phòng của họ dự khóa huấn luyện về súng.

Daniel Webster, Giám đốc Trung tâm Johns Hopkins về chính sách sử dụng súng và nghiên cứu, cho rằng chủ nghĩa cá nhân ở Mỹ giải thích vì sao phản ứng tức thì đối với những vụ xả súng như thảm kịch ở Tucson hoặc vụ thảm sát ở Trường Kỹ thuật Virginia không phải là tìm những phương thức pháp lý để xử lý vụ việc. Ông nói: “Một điều quan trọng cần phải biết để hiểu về văn hóa Mỹ, đó là chúng ta có xu hướng đánh giá trách nhiệm và tập trung vào hành vi cá nhân hơn là suy nghĩ về luật pháp và các quy định ảnh hưởng đến hành vi”.

Ông Webster nhấn mạnh rằng thông thường, người ta không thắc mắc vì sao súng lại phổ biến như thế hoặc vì sao những người không ổn định về tinh thần có thể dễ dàng sử dụng súng như vậy. Ông khẳng định: “Chúng ta không sẵn lòng hành động cả tập thể để làm cho cộng đồng và đất nước chúng ta an toàn hơn”. Theo ông, thay vì vậy, người ta lại tập trung chú ý đến những điểm không ổn của cá nhân kẻ xả súng vào đám đông. Có thể người ta cho rằng y có một quá khứ bất ổn hoặc mắc bệnh tâm thần.

Thả nổi

Trong nhiều năm qua, ở Mỹ đã có nhiều nỗ lực kiềm chế việc sử dụng súng. Thế nhưng những nỗ lực đó hầu như chỉ ở bên lề cuộc sống.

Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA) đã có một chiến dịch vận động được các nhà sản xuất vũ khí rất ủng hộ. Đó là đề nghị không hạn chế sử dụng các vũ khí hỏa lực cao, không hạn chế số lượng vũ khí một cá nhân được phép mua, người mua súng trong tương lai không phải mất thời gian chờ đợi... Thêm vào đó, NRA còn có khả năng điều hành các cuộc vận động chính trị ủng hộ và chống lại các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử, dựa vào quan điểm của họ về súng.

Ngoài ra, giáo sư sử học Saul Cornell, Trường Đại học Fordham ở New York, nhận xét thêm rằng cấu trúc chính trị ở Mỹ cản trở các luật về súng. Phần nhiều thẩm quyền quy định về súng đã được chuyển giao cho các bang. Ở các bang nông thôn dân cư thưa thớt như Montana, Idaho và North Dakota – nơi việc sở hữu súng được đánh giá đặc biệt cao – cũng có quyền lực chính trị giống những bang đô thị hóa như New York và California, nơi có xu hướng ủng hộ việc quy định nghiêm ngặt về súng.

Vì vậy, sau sự kiện kinh hoàng ở Tucson, đối với những người sở hữu súng ở Mỹ, mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy.

Theo Ngô Sinh
Người lao động

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG