Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục ĐH lần này chính là thống nhất một loại văn bằng. Điều 6 của Luật Giáo dục ĐH được sửa đổi, bổ sung thêm quy định các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo các hình thức là đào tạo tập trung, đào tạo không tập trung. Còn theo quy định cũ là hình thức đào tạo tập trung và đào tạo thường xuyên.
Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, trong dự thảo tờ trình của Bộ gửi Chính phủ có giải thích rõ về vấn đề này. Về văn bằng giáo dục ĐH sửa đổi theo hướng bỏ nội dung liên quan đến quản lý văn bằng theo niên chế để đảm bảo hội nhập và liên thông; bổ sung quyền của cơ sở GDĐH trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật; công bố công khai các thông tin liên quan đến việc cấp văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH; và cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo.
Theo bà Phụng, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung. Tuy nhiên, tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn.
Vấn đề phân tầng, xếp hạng, quy hoạch mạng lưới các trường ĐH cũng được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, về phân tầng xếp hạng các trường ĐH, trong Luật giáo dục ĐH 2012 đã quy định, đồng thời cũng đã được cụ thể hóa tại Nghị định 73 quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH từ năm 2015 nhưng đến nay, vẫn không triển khai được. Chính vì vậy, bà Phụng cho rằng sửa đổi lần này để giải quyết những vấn băn khoăn hiện nay. Quy định mới trong dự thảo Luật yêu cầu cơ sở giáo dục tự xác định mục tiêu, đường lối để đầu tư theo định hướng đó.
Nguyên tắc về xếp hạng cũng được quy định cụ thể tại dự thảo Luật sửa đổi. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết xếp hạng không phải do nhà nước làm, do tổ chức có tư cách pháp nhân, có chức năng phù hợp để cung cấp thông tin cho những người cần thứ hạng. Chính phủ chỉ quy định chính sách phân tầng.