Luật sư vụ xử ông Đinh La Thăng nộp chứng cứ cho tòa cách nào?

TPO - Luật sư cho rằng, theo các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về hoạt động thu thập, giao nộp chứng cứ của người bào chữa, luật sư hoàn toàn có quyền thu thập các chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa cho bị cáo và giao nộp cho Tòa án để bảo vệ cho thân chủ.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và các đồng phạm, ngày 8/1, trong phần thủ tục, luật sư Đinh Anh Tuấn (bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực) cho biết đã thu thập được một số chứng cứ gỡ tội cho bị cáo.

Và đề nghị với Hội đồng xét xử: "Theo quy định tại Bộ luật TTHS 2015, tôi phải cung cấp những chứng cứ này cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án. Nhưng do vụ án có tiến độ xét xử nhanh nên chưa kịp giao cho chủ tọa, đề nghị hướng dẫn cách giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa".

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Tùng, GĐ Cty luật ICC cho biết, theo các quy định của Bộ Luật TTHS 2015 về hoạt động thu thập, giao nộp chứng cứ của người bào chữa, luật sư Tuấn hoàn toàn có quyền thu thập các chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa cho bị cáo và giao nộp cho Tòa án để bảo vệ cho thân chủ. Tòa án sẽ nhận và phải lập Biên bản giao nhận đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ Luật TTHS 2015.

Các quy định của Bộ Luật TTHS 2015 về thu thập, giao nộp chứng cứ trong vụ án hình sự.

*) Điều 26 Bộ Luật TTHS 2015 về bảo đảm tranh tụng trong xét xử quy định: người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

*) Điều 73 Bộ Luật TTHS 2015, người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

*) Điều 81 Bộ Luật TTHS 2015 quy định:

- Người bào chữa thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 88 của Bộ luật này.

- Tùy từng giai đoạn tố tụng, khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải kịp thời giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án. Việc giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

*) Khoản 2 Điều 88 Bộ Luật TTHS 2015 quy định: Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

Khoản 3 Điều 88 Bộ Luật TTHS 2015 quy định: Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.

MỚI - NÓNG