Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quy định chi tiết Nghị định 01/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai. Bên cạnh việc sửa đổi một số điều của Thông tư 23, 24 của Bộ TN&MT được ban hành năm 2014 về hồ sơ địa chính, về bản đồ địa chính, Thông tư 33 còn sửa đổi bổ sung Thông tư 23 về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).
Một trong các quy định của Thông tư 33 làm được dư luận quan tâm là cách Ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp sổ đỏ tại Mục 5 Điều 6 Chương III, quy định:
“Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.
Như vậy, thay vì quy định trước đây tại Thông tư 23 chỉ yêu cầu ghi “Hộ ông” hoặc “hộ bà”, sau đó ghi họ tên chủ hộ, địa chỉ thường trú của hộ gia đình thì nay, Thông tư 33 hướng dẫn bắt buộc phải ghi thông tin các thành viên còn lại trong hộ gia đình vào sổ đỏ với trường hợp nhà/đất là tài sản chung của hộ gia đình.
Nhận định về Thông tư 33, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng Thông tư 33 sẽ khắc phục được một số hạn chế trong việc xác minh những thành viên có liên quan khi tiến hành giao dịch bất động sản, đồng thời tạo ra sự liên thông khi Chính phủ chính thức bãi bỏ việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu.
Luật sư Đào Thị Liên phân tích: Xét về mặt khoa học, quy định này có ý nghĩa xác định chính xác danh tính, số lượng của chủ thể tài sản để tránh tranh chấp và rủi ro, hiểu lầm trong giao dịch tài sản.
Hộ gia đình là một khái niệm chỉ một nhóm cá nhân có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ nuôi dưỡng tạo thành một gia đình, có tài sản chung, cùng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và cùng có trách nhiệm dân sự với khối tài sản đó. Do vậy, nếu không quy định rõ số lượng, danh tính các thành viên thì sẽ gây ra khó khăn trong xác định tính hợp pháp của chủ thể tham gia giao dịch.
Ví dụ, sổ đỏ cấp năm 2000, nhưng sổ hộ khẩu cấp năm 2005 thì để chứng minh số lượng và danh tính thành viên trong gia đình thời điểm cấp sổ đỏ (năm 2000), bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan Công an quản lý về hộ tịch cấp quận/huyện. Sẽ là rất khó khăn trong trường hợp sổ đỏ cấp từ lâu và cơ quan Công an không còn lưu đầy đủ dữ liệu dân cư.
Trong tương lai gần Chính phủ sẽ bãi bỏ việc dùng sổ hộ khẩu, quy định ghi tên từng thành viên hộ gia đình sử dụng chung nhà/đất trên sổ đỏ sẽ giúp xác định rõ ràng, chính xác chủ thể thành viên hộ gia đình tham gia giao dịch khi không còn sổ hộ khẩu.