Từ 5/12, ‘sổ đỏ’ sẽ phải ghi đầy đủ tên các thành viên gia đình

Từ 5/12, ‘sổ đỏ’ sẽ ghi đầy đủ tên các thành viên gia đình
Từ 5/12, ‘sổ đỏ’ sẽ ghi đầy đủ tên các thành viên gia đình
TPO - Từ ngày 5/12 tới, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ) sẽ phải ghi đầy đủ những thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

Theo Thông tư số 33/2017 vừa được Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành quy định chi tiết Nghị định số 01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, với việc sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 23/2014.

Theo đó, Thông tư 33/2017 có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, ‘sổ đỏ’ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

Cụ thể, đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”

Cũng theo Thông tư số 33, trường hợp chuyển quyền sử dụng đất mà phải cấp giấy chứng nhận cho bên nhận chuyển quyền thì ghi lần lượt hình thức nhận chuyển quyền (như nhận chuyển đổi; nhận chuyển nhượng; nhận thừa kế; được tặng cho; nhận góp vốn; trúng đấu giá; xử lý nợ thế chấp; giải quyết tranh chấp; do giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện quyết định (hoặc bản án) của Tòa án; thực hiện quyết định thi hành án;…); tiếp theo ghi nguồn gốc sử dụng đất như trên Giấy chứng nhận đã cấp lần đầu và được thể hiện theo quy định tại Thông tư này. Ví dụ: “Nhận chuyển nhượng đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất”.

Trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích khác mà phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thì ghi nguồn gốc sử dụng đất theo hình thức quy định, phù hợp với hình thức thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất.

Trường hợp công nhận quyền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc nhận chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp của người khác mà đất này thuộc chế độ giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì ghi “Công nhận quyền sử dụng đất như giao đất có thu tiền sử dụng đất”.

Theo lý giải của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đó là một trong những giải pháp để loại bỏ tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Và xóa bỏ tình trạng người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, song có sự "lằng nhằng" do không được sự đồng ý, chấp thuận của các thành viên trong hộ gia đình ngoài chủ hộ.

Đại diện văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, về bản chất việc ghi tên các thành viên trong gia đình không khác gì trước đây với những cuốn sổ đỏ của hộ gia đình. Nay, việc này cụ thể hoá hơn trên chính cuốn sổ đỏ này tên các thành viên và địa chỉ. “Trước đây, chúng tôi từng cấp sổ đỏ cho hộ gia đình có 8 thành viên. Thông tư mới giúp giải thích rõ hơn từng thành viên để khi mua bán, chuyển nhượng người mua và được chuyển nhượng sẽ biết cụ thể từng thành viên trong gia đình và phải có đủ chữ ký của các thành viên đó”, vị này nói.

Ngoài ra, theo vị này, trước đây có hai hình thức ghi tên trong sổ đỏ. Một là tên sở hữu cá nhân, hai là sở hữu của hộ gia đình. Với thông tư mới chỉ có một hình thức là sở hữu hộ gia đình.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.