Cổ đông kêu cứu
Nhóm cổ đông này khá bất ngờ và bức xúc trước thông tin HAG phải đối mặt với án hủy niêm yết tại thời điểm này bởi lẽ việc HAG làm ăn thua lỗ đã xảy ra vào thời điểm trước đó mà không thấy cơ quan nhà nước áp dụng hình phạt. Nếu biết có tình trạng này xảy ra thì các cổ đông sẽ không dám mua. Nhóm cổ đông này đề nghị cơ quan chức năng phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về vấn đề hủy hay không hủy niêm yết HAG để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Các cổ đông này đặt vấn đề, các quy định pháp luật đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư nhưng nay HAG làm ăn có lãi mà hủy niêm yết HAG sẽ làm đến thiệt hại cho các nhà đầu tư hiện tại. Hiểu biết và vận dụng pháp luật như vậy là sai, dễ dẫn đến các kiện tụng sau đó, giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước khi ra văn bản xử lý.
Đơn kêu cứu của nhóm cổ đông HAG. |
Trong khi đó, anh Lê Minh Vương (ngụ quận 6, TPHCM) cho biết, vào đầu tháng 12/2021 đã mua 100.000 cổ phiếu HAG sau khi đọc báo cáo tài chính 2 năm trở lại đây và theo dõi tình hình phát triển kinh doanh đang có chiều hướng tích cực. Gần đây khi thông tin về HAG có thể bị hủy niêm yết trên sàn HoSE còn chưa ngã ngũ thì giá cổ phiếu đã giảm mạnh. “Nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy niêm yết HAG thì thật không công bằng với các cổ đông mới và những nỗ lực thay đổi, phát triển tích cực trong hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai”, anh Vương nói.
Anh Vương đặt vấn đề, tại sao khi xác định HAG làm ăn thua lỗ 3 năm liên tục (năm 2017, 2018, 2019) trong báo cáo kiểm toán vào tháng 4/2021 mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không hủy niêm yết vào thời điểm đó? Đến thời điểm hiện tại đã hơn 10 tháng trôi qua, giá cổ phiếu HAG tăng hơn 2 lần so với tháng 4/2021, nếu hủy niêm yết HAG tại thời điểm này thì những cổ đông mới sẽ rất thiệt thòi.
Luật sư nói gì?
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, Khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định, công ty niêm yết chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp như kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục (Điểm đ), vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Điểm o).
Tình hình kinh doanh của HAG đang tốt lên. |
Từ ngày 1/1/2021, tại Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP vẫn có quy định như 2 trường hợp trên tại Điểm e và Điểm o, ngoài ra còn quy định thêm tại Điểm h đối với trường hợp “có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp”. Và theo Khoản 12 Điều 310 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì trường hợp “tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp tại điểm h khoản 1 Điều 120” chỉ áp dụng từ ngày 01/01/2022 (1 năm sau khi Nghị định 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực).
Đối với trường hợp xảy ra tại cổ phiếu HAG, tại thời điểm lập báo cáo tài chính cho các năm 2017, 2018 và 2019 trước đây có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu, đây là các trường hợp chỉ mới được quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP áp dụng từ ngày 1/1/2021 và chỉ bị xử lý hủy bỏ niêm yết từ ngày 1/1/2022. Việc điều chỉnh hồi tố số liệu trong báo cáo tài chính 2020 dẫn đến điều chỉnh hồi tố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất trong các năm 2017, 2018, 2019 là nghiệp vụ trong hoạt động kế toán.
Nếu việc điều chỉnh hồi tố số liệu dẫn đến “kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục” nhưng năm 2020 hay 2021 mà cổ phiếu HAG có lợi nhuận thì sẽ không còn thuộc diện “bị thua lỗ trong 3 năm liên tục” nên năm 2022 mới xem xét xử lý sẽ không bị hủy bỏ niêm yết vì không còn thuộc trường hợp bị hủy bỏ niêm yết tại điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Xin thử thách trong năm 2022
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của Hoàng Anh Gia Lai cho thấy, lợi nhuận thuộc về công ty mẹ đạt 184,2 tỷ đồng. Năm 2022, HAGL tham vọng lãi hơn 1.000 tỷ đồng, tức chính thức quay lại thời kỳ hoàng kim 10 năm trước. Công ty cũng đề mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong vài năm tới. Với viễn cảnh kinh doanh khả quan, HAG xin phép được áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường.