Luật sư: Lo ngại xâm phạm đời tư khi công khai người 'tè bậy, xả rác'

TPO - Luật sư cho rằng việc công khai thông tin người bị xử phạt hành chính về hành vi tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng, xả rác bừa bãi là không có căn cứ pháp luật và không cần thiết...

Tình trạng tè bậy, xả rác bừa bãi trên các tuyến đường, con hẻm tại TPHCM vẫn đang diễn ra hàng ngày gây bức xúc trong người dân, nhất là những người sống xung quanh.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM đã có văn bản gửi các sở ban ngành góp ý nhằm đề xuất UBND TPHCM thực hiện một số giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn.

Luật sư: Lo ngại xâm phạm đời tư khi công khai người 'tè bậy, xả rác' ảnh 1 Lực lượng chức năng TPHCM sử dụng camera bắt quả tang người tè bậy. Ảnh Văn Minh

Trong đó, Sở TNMT cho rằng việc công khai thông tin vi phạm về vệ sinh nơi công cộng là cần thiết. Ngoài công khai thông tin người vi phạm, Sở TNMT cũng kiến nghị UBND TPHCM cho phép trích xuất hình ảnh từ camera an ninh, camera giao thông để làm căn cứ xử phạt.

Trước đề xuất này, giới chuyên gia pháp lý đã có những ý kiến lo ngại về đề xuất này có thể xâm phạm đến hình ảnh cá nhân, quyền riêng tư người vi phạm.

Luật sư Lê Quang Vũ (giám đốc Công ty luật Công Bình) cho rằng, việc công khai thông tin người bị xử phạt hành chính về hành vi tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng, xả rác bừa bãi là không có căn cứ pháp luật và không cần thiết.

Luật sư: Lo ngại xâm phạm đời tư khi công khai người 'tè bậy, xả rác' ảnh 2 Một người tè bậy bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Ảnh Văn Minh

Luật sư Vũ cho biết thêm, pháp luật đã có quy định những trường hợp cho phép công khai thông tin cá nhân, hình ảnh của người vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể quy định tại Điều 57 Nghị định 155/2016/ NĐ-CP, chỉ công bố công khai thông tin thông tin của cá nhân, cơ sở, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bị xử phạt trong các trường hợp:

Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường; đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường hoặc đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường; buộc di dời địa điểm đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường; gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Tri Đức (Công ty luật 3600) lo ngại: “Việc này đã đi ngược lại với nội dung qui định định tại Luật xử lý vi phạm hành chánh, các văn bản chuyên ngành, cũng như quyền nhân thân về hình ảnh cá nhân theo luật định hiện hành”.

Đối với kiến nghị trích xuất hình ảnh từ camera an ninh, camera giao thông, luật sư Nguyễn Thị Thiên Thanh (Công ty luật DC Counsel) cho biết, việc này cần đảm bảo bí mật đời tư, hay những hình ảnh nhạy cảm của người vi phạm để tránh xâm phạm hình ảnh cá nhân không đúng quy định pháp luật.

Theo các luật sư, chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn cần lắp đạt camera, quy định thẩm quyền, cách thức lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt sao cho đơn giản để xử phạt nhanh gọn khi có hành vi vi phạm.

Điều quan trọng là cần tiến hành xử phạt nghiêm minh, công bằng và quy định nhiều hình thức xử phạt như: lao động công ích, dội rửa, buộc bỏ rác đúng nơi quy định và cho phép người vi phạm lựa chọn hình thức xử phạt phù hợp với điều kiện kinh tế, công việc của mình.

Luật sư: Lo ngại xâm phạm đời tư khi công khai người 'tè bậy, xả rác' ảnh 3 Ngoài việc bị lập biên bản vi phạm, bắt buộc người tè bậy dội nước rửa sạch nơi gây ô nhiễm. Ảnh Văn Minh

Song song với việc cần phổ cập kiến thức pháp luật nói chung nhằm nâng cao ý thức người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, thành phố cần phải xây dựng hệ thống các nhà vệ sinh công cộng, các thiết bị chứa rác thải tập trung khu dân cư, chung cư, xây dựng và quản lý hệ thống thu gom rác thải hoạt động theo qui chuẩn về bảo vệ môi trường cũng là điều cấp bách không kém.

Đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện tại nơi công cộng, mức phạt được tăng từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng lên mức 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Còn hành vi vứt, thải rác không đúng nơi quy định, mức phạt được tăng từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng lên mức 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng.

Vấn đề đổ chất thải xây dựng (xà bần, bùn nạo vét, đất gạch, vữa bê tông…) gây bức xúc tại nhiều nơi, thì lại chưa có văn bản cụ thể nào quy định về việc xử lý hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.